Nạn nhân của lừa đảo trực tuyến thường có tâm lý "mất rồi thì thôi"

Cập nhật: 12/01/2023

VOV.VN - Theo bà Bùi Thị Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đối tượng lừa đảo trực tuyến chủ yếu đánh vào tâm lý con người và nạn nhân lại thường có tâm lý "mất rồi thì thôi".

Trước thực trạng lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng đang xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, số lượng nạn nhân lớn, mới đây Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra cảnh báo về 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Theo đó, các đối tượng lừa đảo trực tuyến chủ yếu thuộc 3 nhóm: Giả mạo thương hiệu; Chiếm đoạt tài khoản và Các hình thức kết hợp.

Theo đó, số lượng trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật đã bị lực lượng chức năng xử lý trong năm lên tới 2.620 trang web. Hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) đã được bảo vệ trước các đợt tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Các cơ quan chức năng mong muốn người dân tự nâng cao, trang bị các kiến thức an toàn không gian mạng để tự bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của mình. Để làm rõ vấn đề này, PV VOV.VN đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

PV: Thưa bà, trong 16 hình thức lừa đảo trực tuyến mà Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và truyền thông đã cung cấp thì theo khảo sát hình thức nào đang xảy ra phổ biến nhất hiện nay?

Bà Bùi Thị Huyền: Tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).

Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. Trong đó, khoảng thời gian giáp Tết, nhiều người bị rơi vào bẫy lừa đảo gọi điện thoại giả mạo nhân viên ngân hàng, lừa đảo tuyển cộng tác viên, việc làm online hay lừa vay tiền qua app… Ngoài ra, có một số hình thức nổi lên dịp cuối năm như lừa đảo tâm linh.

PV: Chúng ta có thống kê nào về mức thiệt hại của những nạn nhân của lừa đảo trực tuyến trong năm 2022 không?

Bà Bùi Thị Huyền: Thiệt hại lừa đảo trực tuyến gây ra khó có thể ước tính được hết, vì các nạn nhân thường có tâm lý bỏ qua “mất rồi thì thôi”, ngại các thủ tục trình báo, pháp lý phức tạp.

Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất - đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.

Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,…nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền.

PV: Người dân cần phải làm gì để tự trang bị cho mình kiến thức nhằm phòng chống lừa đảo trực tuyến?

Bà Bùi Thị Huyền: Mấu chốt của những thủ đoạn lừa đảo là đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác của nhiều người cũng như sự thiếu hiểu biết về những kiến thức an toàn khi sử dụng mạng xã hội.

Từ thực tế này, bên cạnh biện pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và truyền thông đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Trong đó, sử dụng lợi thế từ Internet, Cục An toàn thông tin cũng xây dựng và phát triển các trang MXH Cổng không gian mạng quốc gia, nhằm mục đích nâng cao kiến thức và phổ biến kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin để người dân chủ động bảo vệ mình khi tham gia sử dụng mạng, truyền tải thông điệp “không ai có thể an toàn một mình trên không gian mạng” để mọi người cùng chung tay chia sẻ, bảo vệ gia đình, bạn bè và người dân Việt Nam khỏi các rủi ro không đáng có.

Ngoài ra, người dân có thể nhận biết các dấu hiệu lừa đảo và nâng cao kiến thức an toàn thông tin trên https://khonggianmang.vn và https://dauhieuluadao.com

Kiểm tra các thông tin chính thống (email, website, số điện thoại, địa chỉ,…) các tổ chức, doanh nghiệp đã được tín nhiệm tại địa chỉ: https://tinnhiemmang.vn/

PV: Trong trường hợp người dân bị lừa đảo trực tuyến qua mạng thì cần phải thực hiện những bước như thế nào để trình báo và liệu có hi vọng lấy lại được tài sản đã mất không thưa bà?

Bà Bùi Thị Huyền: Trên thực tế, với các trường hợp lừa đảo trực tuyến, rất khó để lấy lại tiền bởi các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nick ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Đến khi nạn nhân phát hiện ra thì họ đã hoàn toàn mất hút. Bởi vậy, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất để “phòng bệnh” là cần nâng cao sức đề kháng của người dân với các thông tin xấu độc, lừa đảo trên mạng.

Trong trường hợp phát hiện lừa đảo trực tuyến, hãy làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an nơi cư trú; gọi điện đến đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.

Bên cạnh đó, hãy gửi phản ánh về Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam https://canhbao.khonggianmang.vn/ Đây sẽ là thông tin hữu ích để Cục An toàn thông tin có thể hoàn thành sứ mệnh giúp người dân tránh khỏi các rủi ro, lừa đảo trực tuyến không đáng có.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà./.

Từ khóa: lừa đảo trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông, lừa đảo qua mạng, trộm cắp qua mạng, nạn nhân của lừa đảo qua mạng

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập