Nan giải vấn đề việc làm của giới trẻ Trung Quốc
Cập nhật: 27/09/2024
Seoul, Hàn Quốc: Bão tuyết tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỉ (27/11/2024)
Phản ứng của Châu Âu sau quyết định áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ (27/11/2024)
VOV.VN - Theo số liệu Trung Quốc công bố mới đây, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở quốc gia này tiếp tục tăng lên 18,8% trong tháng 8 so với mức 17,1% trong tháng 7 – đạt mức cao nhất tính từ tháng 12/2023. Bất chấp những gói giải pháp của chính phủ, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Thất nghiệp trong giới trẻ đã trở thành vấn đề lớn với phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây, trong đó mức kỷ lục từng ghi nhận là 21,3% hồi tháng 6 năm ngoái. Những khó khăn trong tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đã hình thành nên một bộ phận trong giới trẻ Trung Quốc gọi là “thế hệ nằm thẳng” – những người chọn lối sống ít phấn đấu hơn, chấp nhận từ bỏ những ước mơ lớn lao.
Việc làm đã trở thành vấn đề khá nan giải trong giới trẻ Trung Quốc hậu đại dịch. Nếu có dịp lướt qua mạng xã hội nước này, người ta không khó tìm thấy những người có ảnh hưởng (influencer) liên quan tới chủ đề thất nghiệp. Đây dường như đã trở thành một nghề tự do giúp không ít người trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn khi chưa tìm được việc làm. Hiện ở các đô thị lớn của Trung Quốc, có khoảng 100 triệu thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi 16-24, chưa kể đến hàng triệu người thất nghiệp ở các vùng nông thôn.
Một phần lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trở lại là bởi tháng 7 là thời điểm Trung Quốc có 11,79 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Đây là con số kỷ lục những năm gần đây và tăng 210.000 người so với năm 2023.
Hơn 200 triệu người lao động ở nước này hiện đang làm các công việc tự do (làm việc linh hoạt hay nền kinh tế gig), chiếm 27% dân số có việc làm của Trung Quốc và ngay cả lĩnh vực vẫn đang phát triển nhanh chóng này cũng đang thừa nguồn cung. Hàng chục thành phố ở nước này đã cảnh báo về tình trạng bão hòa của dịch vụ xe công nghệ trong năm nay.
Trước áp lực việc làm, để cố gắng né tránh thị trường việc làm khó khăn ở khu vực tư nhân, số người tham dự kỳ thi công chức của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục gần 2,3 triệu vào năm 2024, tăng 48% so với năm ngoái, trong đó có khá nhiều sinh viên. Những người khác thì đang theo đuổi nghiên cứu sau đại học. Số lượng sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ tăng nhiều đến mức một số cơ sở đã hết chỗ trong ký túc xá.
Trong khi đó, tình trạng tinh giảm biên chế đang diễn ra khá phổ biến trong các cơ quan nhà nước vốn từ lâu được nhiều người xem là ổn định, trọn đời. Theo đề xuất của Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc về kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ đưa ra hồi năm ngoái, các cơ quan trung ương của nước này sẽ tinh giảm biên chế 5%. Các biên chế này sẽ được dùng để tăng cường cho các lĩnh vực trọng điểm và công việc quan trọng. Tỉnh Hà Nam đã cắt giảm hơn 5.600 biên chế ở các đơn vị sự nghiệp vào đầu năm nay, trong khi tỉnh Sơn Đông đã cắt giảm hơn 13.000 biên chế sự nghiệp từ năm 2022.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã tạm ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên sau khi đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023. Sau đó, nước này đã điều chỉnh tiêu chí để loại trừ những người còn là học sinh, sinh viên ra khỏi thống kê.
Năm 2024, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5%. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu tạo ra hơn 12 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm nay và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức khoảng 5,5%. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5/2024 từng ra chỉ thị, yêu cầu hoàn thiện chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm trọng điểm, trong đó nhóm thanh niên phải là ưu tiên hàng đầu.
Có một số nguyên nhân lý giải cho vấn đề này. Trước tiên, đó là tình trạng dư cung sinh viên tốt nghiệp đại học. Điều này đã gây ra những thách thức cho thị trường lao động. Năm 2022, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp tham gia thị trường việc làm ở Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 10 triệu người. Năm nay, con số này là gần 11,8 triệu, khiến số lượng người trẻ tìm việc liên tục tăng. Điều này đã khiến thị trường việc làm càng trở nên cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn về cơ cấu giữa hệ thống giáo dục và nhu cầu thị trường ngày càng rõ rệt. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc ngày càng tăng, trong khi những kỹ năng mà nhiều người được học chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Có những công ty Trung Quốc không thể tìm được ứng viên đủ tiêu chuẩn cho các vị trí còn trống. Một số chuyên ngành truyền thống thiếu định hướng thực tế, trong khi các ngành công nghiệp mới đang phát triển nhanh chóng và có nhu cầu lớn về nhân tài như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng mới... lại thiếu hụt.
Những con gió ngược kinh tế trong và ngoài nước hậu đại dịch cũng là một trong những khó khăn mà những người trẻ tìm việc ở Trung Quốc phải đối mặt. Trong nước, nhiều lĩnh vực vẫn đang chịu áp lực từ sự suy giảm mạnh của thị trường bất động sản, nhu cầu tiêu dùng yếu và sự phục hồi không như kỳ vọng của nền kinh tế Trung Quốc.
Bên cạnh đà phát triển chậm lại của nền kinh tế, các chính sách theo đuổi động lực tăng trưởng mới, như số hóa và tự động hóa cũng ảnh hưởng đến một bộ phận lớn lao động. Một báo cáo năm 2018 của công ty tư vấn PwC cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ liên quan có thể thay thế khoảng 26% công việc hiện có ở Trung Quốc trong 2 thập kỷ tới.
Phát biểu tại một cuộc đối thoại về bầu cử ở Mỹ và quan hệ kinh tế Trung-Mỹ hồi đầu tháng 9 ở Thượng Hải, ông Hoàng Ích Bình, Viện trưởng Viện Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng đổi mới công nghệ là điều tốt, nhưng đôi khi nó cũng gây ra những vấn đề về cơ cấu, chẳng hạn như đánh mất một số việc làm. Theo ông, Trung Quốc cần cân bằng giữa thách thức việc làm và đổi mới công nghệ để ngăn chặn tình trạng người lao động bị mất việc, gây ra những rủi ro chính trị và xã hội tiềm ẩn.
Ngoài ra còn một hiện thực khác, đó là những người trẻ có trình độ học vấn cao đang phải đối mặt với tình trạng “cao không tới, thấp không thông” trên thị trường việc làm. Một mặt, họ không sẵn sàng làm những công việc lương thấp hoặc tay nghề thấp. Mặt khác, họ khó có thể đảm nhận các vị trí cao cấp hơn do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc thực tế.
Hồi tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết, nước này hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thợ hàn, thợ mộc, nhân viên chăm sóc người già và “nhân tài kỹ thuật số có trình độ cao”. Sự mất cân đối giữa cung và cầu này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp ở thanh niên.
Đó là chưa kể đến quyết định về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu lên tối đa 5 năm, nhằm đối phó với khủng hoảng nhân khẩu học do già hóa dân số vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua mới đây. Dù không phải là nhân tố chính, nhưng điều này cũng phần nào tạo thêm áp lực việc làm cho người trẻ.
Ở Trung Quốc, những năm gần đây khá thịnh hành một thuật ngữ chỉ thái độ từ bỏ nỗ lực để đạt được thành công hay chọn cách sống ít phấn đấu hơn trong một bộ phận người trẻ, đó là “nằm thẳng”. Điều này dường như đi ngược lại với tôn chỉ về một xã hội năng động mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đưa ra, khi ông kêu gọi “xắn tay áo lên làm việc chăm chỉ”, đồng thời mâu thuẫn với các giá trị xã hội luôn kêu gọi mọi người cố gắng để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một trong những lý do khiến giới trẻ chọn cách sống này là bởi công việc ngày càng khó tìm và cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Áp lực công việc và cuộc sống đè nặng khiến họ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và ngột ngạt.
Đây rõ ràng không phải là một trào lưu được xã hội cổ súy. Nếu nguồn lực trẻ có trình độ học vấn cao không tìm được việc làm, hoặc phải làm những công việc thấp hơn hoặc không đúng với năng lực, sở trường, thậm chí là “nằm thẳng”, đó chính là sự lãng phí nhân lực và về lâu về dài sẽ làm mất đi lợi thế về nguồn nhân lực có học vấn cao.
Ý thức được điều này, nhiều bộ ngành của Trung Quốc đang nỗ lực tạo thêm các cơ hội việc làm mới và hoàn thiện các chương trình giáo dục, đào tạo, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Hồi tháng 3/2024, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết, thị trường việc làm nước này đã có khởi đầu tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực AI và dữ liệu lớn (big data). Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm, khoảng 32.000 hội chợ việc làm đã được tổ chức, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều sự kiện tương tự đang được tiến hành để kết nối nhà tuyển dụng với người tìm việc.
Bộ trưởng bộ này Vương Hiểu Bình cam kết sẽ tăng cường các chính sách nhằm cải thiện việc làm cho thanh niên và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, cung cấp hỗ trợ bằng cách sử dụng dữ liệu lớn, thiết lập các trạm dịch vụ việc làm lân cận và cung cấp các dịch vụ việc làm hiệu quả, thuận tiện và có mục tiêu cho các doanh nghiệp và người lao động.
Quan chức này cũng cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nguồn tạo việc làm lớn như tư nhân, các công ty vừa và nhỏ, đồng thời thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kỹ thuật số, chăm sóc người già… Nhiều công việc và nghề nghiệp mới sẽ xuất hiện, mang đến cho giới trẻ những lựa chọn nghề nghiệp, cũng như không gian mới để trải nghiệm và phát triển.
Để giúp những người trẻ đang tìm việc thích ứng tốt hơn với nhu cầu thị trường, việc cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cũng được Trung Quốc đặt lên hàng đầu, trong đó có việc loại bỏ hoặc tối ưu hóa một số chuyên ngành có tỷ lệ việc làm thấp và chú trọng hơn vào đào tạo thực hành.
Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường đối với các chuyên gia lành nghề, trong năm 2023, Trung Quốc đã trợ cấp đào tạo nghề cho hơn 18 triệu lượt người, tập trung vào các lĩnh vực chính như sản xuất tiên tiến và dịch vụ hiện đại. Trong năm nay, quốc gia này dự kiến chi 66,7 tỷ NDT (khoảng 9,46 tỷ USD), tương đương năm 2023, để hỗ trợ việc làm, đặc biệt tập trung vào lực lượng sinh viên đã và mới tốt nghiệp.
Trong bài phát biểu trước Bộ Chính trị hồi cuối tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề cập đến các sinh viên tốt nghiệp. Ông nhấn mạnh “cần tạo thêm nhiều việc làm để sinh viên áp dụng những gì họ đã học và những gì họ giỏi”.
Trong động thái mới nhất, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 26/7 đã nhóm họp, bàn về tình hình kinh tế hiện nay và những giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế thời gian tới, trong đó có việc tạo việc làm cho các đối tượng trọng điểm, như sinh viên mới ra trường và người lao động nhập cư. Trước đó một ngày, hôm 25/9, nước này cũng vừa đưa ra 24 biện pháp nhằm thúc đẩy tạo việc làm, trong đó bao gồm việc kiện toàn chế độ đào tạo kỹ năng nghề trọn đời và mở rộng các kênh phát triển cho nhân tài có tay nghề cao.
Từ khóa: Trung Quốc, việc làm, thất nghiệp
Thể loại: Thế giới
Tác giả: bích thuận/vov-bắc kinh
Nguồn tin: VOVVN