Nậm Pồ (Điện Biên): Tranh thủ thời gian “vàng” để dạy học
Cập nhật: 16/11/2021
Nghệ An: Phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không
Đi ăn cưới về, nhóm 9 người rủ nhau vào chung cư dùng ma tuý
[VOV2] - “Buổi tối, hầu như tất cả các trường học của huyện đều sáng đèn. Tranh thủ thời gian vàng, các trường tổ chức ôn tập kiến thức để vừa đảm bảo chương trình vừa nâng cao chất lượng dạy và học”, Bà Hoàng Thị Bích, Phó phòng Giáo dục Nậm Pồ cho biết.
Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN), bà Hoàng Thị Bích, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, đến nay là tròn 12 tuần các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 2, lớp 6.
Theo đánh giá ban đầu của giáo viên, chương trình và sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cơ bản phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, riêng với môn tiếng Việt (lớp 2), nhất là phân môn Tập làm văn nội dung kiến thức, yêu cầu cần đạt hơi nặng so với học sinh.
“Bình thường một học sinh lớp 2 chỉ viết từ 2-3 câu thì bây giờ với chương trình, SGK mới yêu cầu các em viết đến 1 đoạn văn. Trong khi học sinh miền núi khả năng ngôn ngữ tiếng Việt còn nhiều hạn chế”, bà Hoàng Thị Bích chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Bích - Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ (Điện Biên)
Nói về những khó khăn khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trên địa bàn huyện, bà Hoàng Thị Bích trở ngại lớn nhất của huyện là một số phân môn học đặc thù như âm nhạc, tin học... thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, khi tổ chức tập huấn chương trình, SGK mới chủ yếu triển khai theo hình thức online nên việc tiếp cận phương pháp dạy học mới đối với giáo viên có một số hạn chế.
Để khắc phục hạn chế này, phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức cho giáo viên trau dồi kiến thức, kỹ năng bằng nhiều kênh khác nhau như qua internet, tổ chuyên môn, cụm trường học… nên về cơ bản giáo viên hội nhập tương đối tốt tinh thần đổi mới của chương trình, sách giáo khoa mới.
“Chúng tôi chỉ đạo các trường khuyến khích giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, lựa chọn kiến thức, ngữ liệu phù hợp với học sinh của mình. Vì vậy, giáo viên tiếp cận phương pháp, giáo dục học sinh hoàn toàn thoải mái và đạt chất lượng. Tổ chức dạy học đến đâu chắc đến đấy. Nhất là khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới lớp 1 không còn tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp nữa”, bà Hoàng Thị Bích cho biết.
Liên quan đến việc thích ứng an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bà Hoàng Thị Bích khẳng định, để đảm bảo kế hoạch, thời gian năm học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Nậm Pồ đang tận dụng tối đa thời gian “vàng” để tổ chức dạy học cho học sinh, trong đó có việc tăng giờ, tăng tiết…
Trong trạng thái bình thường, các trường thường tổ chức dạy 7 tiết/ngày nhưng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 các trường tranh thủ thời gian "vàng", chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nên các trường có thể dạy 8-9 tiết/ngày. Tăng giờ, tăng tiết nhưng việc vận dụng thời gian, lựa chọn kiến thức cũng linh hoạt, phù hợp không gây áp lực cho học sinh.
“Hầu như buổi tối tất cả các trường tiểu học, THCS đều sáng ánh đèn. Chúng tôi tổ chức cho các em học từ 7-9 giờ tối, giúp các em ôn lại các kiến thức mà buổi ban ngày chưa kịp ôn làm sao vừa đảm bảo chương trình nhưng nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò”, bà Hoàng Thị Bích chia sẻ.
Từ khóa: Nậm Pồ, Điện Biên, thời gian vàng, dịch COVID-19, dạy học, sách giáo khoa, chương trình phổ thông
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2