Nam Đông (Thừa Thiên Huế) trong cơn khát nước sạch
Cập nhật: 25/09/2019
Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần
Thời tiết ngày 24/11: Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to
VOV.VN -Thượng Long là một trong những xã thiếu nước trầm trọng ở của huyện Nam Đông trong mùa nắng nóng này nên người dân phải đi xa nhà xách nước về dùng.
Huyện miền núi Nam Đông được ví là “chảo lửa” ở tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiệt độ ở đây luôn cao hơn đồng bằng 3- 40C.
Mùa khô năm nay, thời tiết khắc nghiệt, tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt ở đây thêm nghiêm trọng, các hộ dân phải đi bộ nhiều cây số đến các khe, suối lấy nước về dùng. Đã 6 tháng trôi qua, các khe, suối cũng cạn khô, thiếu nước sinh hoạt làm cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện bị đảo lộn, khổ sở...
Người dân lấy nước từ những con suôi khô cạn về dùng. |
Thượng Long là một trong những xã thiếu nước trầm trọng ở của huyện Nam Đông trong mùa nắng nóng này. Đặt chân đến đây không khó để thấy người dân mang theo mình xô to, can nhỏ ra suối lấy nước.
Ông Hồ Văn Mão vừa gạn nước múc vào xô cho biết, cả xóm có hơn 30 hộ dân mà có 2 cái giếng cạn đáy. Hàng ngày ông và những hộ dân ở đây phải dậy thật sớm lên các khe, suối cách nhà hơn 3 km mới lấy được ít nước về để dùng, chứ đi muộn là trâu, bò tắm làm đục suối không dùng được. Nước hiếm hoi nên phải dè xẻn từng chút, từ việc dùng nấu ăn, uống cho đến tắm giặt... quý đến từng giọt.
“Ở trong xã phải đi múc nước suối, buổi sáng cả tiếng đồng hồ chưa tới nữa... rất cực khổ cho bà con. Hiện nay, trên đầu nguồn khô cạn nhiều quá, đi kiểm tra nước tự chảy là không sử dụng được, cho nên bà con vất vả lắm”, ông Hồ Văn Mão nói.
Người dân thiếu nước sinh hoạt. |
Các công trình nước tự chảy không phát huy tác dụng do lâu ngày không được duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp, đường ống bị vỡ nhiều đoạn. Hiện người dân sinh hoạt bằng nước giếng và nước khe suối. Mỗi lần đi lại lấy nước rất vất vả, khổ cực, nên ai dùng nước cũng tiết kiệm từng chút.
Ông Lê Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết, tình hình khô hạn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Cả xã có hơn 650 hộ dân, thì hơn một nửa dân thiếu nước sinh hoạt.
“Như hiện nay bà con uống nước sông suối, ao hồ, không đảm báo vệ sinh dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến dịch bệnh như tiêu chảy và dịch bệnh khác. Xã cũng mong muốn sớm được đầu tư xây công trình nước sạch để giúp cho bà con có nước sạch thuân lợi cho việc bảo vệ sức khỏe của người, để người dân có nước sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường”, ông Minh Khánh nói.
Các giếng nước khô cạn. |
Khu vực 5 xã vùng cao huyện Nam Đông gồm: Thượng Long, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Quảng cũng ở trong tình trạng “khát” nước sạch. Các xã này có 3.000 hộ dân, trong đó khoảng 520 hộ đang sử dụng nguồn nước tự chảy, còn lại các hộ khác phải sử dụng nước sinh hoạt lấy từ khe suối, giếng đào, chất lượng nước chưa qua xử lý, thường bị nhiễm chua, phèn.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một số hệ thống nước tự chảy của người dân đến nay đã bị khô hạn nên việc sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày rất khó, việc phục vụ sản xuất càng khó khăn hơn.
“Chúng tôi đã chỉ đạo người dân khơi thông lại các giếng hiện có. Người dân hiện phải đi lấy nước rất xa, đây là vấn đề chung cho 5 xã vùng trên. Về lâu dài cần xử lý nước sinh hoạt cho người dân. Hiện nay, tỉnh cũng đã có chủ trương đầu tư hệ thống cho 5 xã vùng trên. Đến nay, Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông báo kêu gọi xã hội hóa. Trường hợp kêu gọi xã hội hóa không được thì tỉnh sẽ bố trí ngân sách để thực hiện đấu thầu và đầu tư xây dựng nhà máy nước phục vụ 5 xã vùng trên”, ông Trần Quốc Phụng nói./.
Từ khóa: Thừa Thiên Huế khát nước sạch, thiếu nước sạch, khát nước sạch,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN