Năm 2024: Ủy ban Olympic Việt Nam tăng tốc để về đích

Cập nhật: 14/03/2024

VOV.VN - Hôm nay 14/3, Hội nghị Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kì VI (2021 - 2026) đã diễn ra tại Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Hôm nay 14/3, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam (UBOVN) tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành của UBOVN để tổng kết các hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Tham dự và chỉ đạo có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, các Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành UBOVN nhiệm kỳ VI (2021-2026) cùng các khách mời là đại diện một số Vụ chức năng có liên quan của Bộ VH-TT-DL, Phòng chuyên môn của Cục Thể dục thể thao (TDTT).

Trong năm 2023, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, UBOVN đã cùng với Cục TDTT phối hợp chặt chẽ với các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia cũng như các bên có liên quan, hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra. UBOVN đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình hoạt động thể thao, thực hiện tốt các nhiệm vụ về đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục Olympic và Thể thao cho mọi người cũng như chuẩn bị chu đáo các công việc cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 tại Phnom Penh, Campuchia và ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc... đạt kết quả tốt đẹp, góp phần phát triển phong trào Thể dục thể thao quần chúng ở trong nước, nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là với thành tích 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 (giữ vị trí thứ nhất trong bảng tổng sắp huy chương) tại SEA Games 32 và 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ (xếp thứ 21 toàn Đoàn tại ASIAD 19). 

Công tác Thể thao cho mọi người ngày càng được phát triển mạnh, đa dạng trên toàn quốc và ở nhiều đối tượng, vùng miền khác nhau gắn liền với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. UBOVN đã đồng hành cùng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia tổ chức nhiều hoạt động Thể dục Thể thao cộng đồng, nhất là giới Trẻ.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đánh giá: “Những kết quả bước đầu này đã làm rõ hơn vai trò của thể thao Việt Nam và sự hiện diện của thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế. Qua đó góp phần thực hiện tốt chủ chương đối ngoại của Đảng và nhà nước ta. Có thể nói những nhận định này vừa mang tính khái quát vừa khẳng định hướng đi của UBOVN trong năm 2023”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu rõ, cần chú trọng phát triển phong trào Olympic, đưa phong trào Olympic trở thành hoạt động mang tính chiều sâu. Và muốn triển có dấu ấn các hoạt động trong thời gian tới, Ủy ban cần tiếp tục kiện toàn lại các phòng, ban, bộ máy làm việc tinh gọn, hiệu quả. Hội nghị cần chỉ rõ vai trò phối hợp của Ủy ban với các cơ quan, đơn vị liên quan để tìm ra giải pháp hoạt động cho hai năm tiếp theo. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm tới triển khai thực hiện kết luận 70 của Bộ Chính trị.

Chuẩn bị chương trình hoạt động cho năm 2024, UBOVN đang tích cực triển khai một số công tác theo kế hoạch đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phê duyệt. UBOVN đã phối hợp với Cục Thể dục thể thao chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội Olympic lần thứ 33 tại Paris, Pháp từ 26/7 đến 11/8/2024 và Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật Châu Á lần thứ 6 tại Bangkok và Chonburi, Thái Lan từ 21-30/11/2024.

Ngoài ra, UBOVN vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các Chương trình Thể thao cộng đồng, Bóng đá trẻ em, Thể thao học đường và nhiều khóa học, sự kiện khác nhau để phát triển phong trào thể thao cho mọi người trong phạm vi cả nước.

Làm rõ hơn các kết quả mà Ủy ban đạt được trong năm 2023 cũng như phương hướng cho năm 2024, các đại biểu cũng đã có những ý kiến đóng góp thiết thực.

Theo đó, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Trưởng Ban y học và phòng, chống doping chia sẻ về việc xây dựng chính sách trọn đời cho VĐV trong đó chú trọng vào những vấn đề nổi cộm như khi các VĐV gặp chấn thương trong tập luyện, thi đấu sẽ được hỗ trợ thế nào hay chế độ hỗ trợ VĐV chuyển đổi nghề nghiệp ra sao. Bên cạnh đó là các vấn đề phòng, chống doping và y học thể thao.

Ông Nguyễn Đức Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước cho rằng cần nghiên cứu một cách cụ thể việc đầu tư cho các VĐV tiềm năng một cách bài bản, chuyên nghiệp để có các thế hệ VĐV kế cận đủ trình độ, năng lực thi đấu đỉnh cao ở đấu trường quốc tế. Ông cũng cho rằng cần xác định lại vai trò, vị trí của các Liên đoàn, Hiệp hội trong các hoạt động thể thao

“Nhận định của xã hội, nhận định của cơ quan nhà nước đối với các Liên đoàn, hiệp hội chưa đúng mức. Điều kiện để cho các liên đoàn, hiệp hội này hoạt động rất khó khăn, bởi vì toàn bộ vốn liếng, chi phí là hoàn toàn phải tự lo hết. Mà tự lo bây giờ thì tài trợ, doanh nghiệp người ta còn chưa đủ sống sao mà tài trợ. Còn liên doanh, liên kết hay xã hội hoá thì khi tiến hành xã hội hoá sẽ có nhiều vấn đề lắm, do đó rất khó” - ông Nguyễn Đức Hạnh nói.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Chiến Thắng - Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam cho biết: “Tôi cho rằng việc quan trọng nhất là đánh giá thật kỹ, những bất cập, những vướng mắc trong cơ chế, trong sự phối hợp liên ngành ví dụ giữa Bộ, mà thay mặt Bộ là Cục Thể dục Thể thao với các Liên đoàn, với lại sự phối hợp giữa các Liên đoàn với các địa phương, các Liên đoàn với nhau. Đặc biệt là vai trò của UBOVN với các Liên đoàn hiệp hội, phối hợp như thế nào, nếu gỡ được thì thoát được rất nhiều điều”.

Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng chỉ ra rằng, mặc dù đã tinh gọn bộ máy Ban chấp hành, lựa chọn các nhân sự tốt hơn nhưng hoạt động của các Ban chưa phát huy tối đa hiệu quả, sự phối hợp giữa các Ban chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Liên đoàn, Hiệp hội trong quá trình tổ chức chưa bám sát mọi tôn chỉ, mục đích để hoạt động. Công tác truyền thông, giáo dục về phong trào Olympic còn lúng túng.

Là năm thứ 4 của nhiệm kì và cũng là năm tăng tốc về đích, Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị Ủy ban bám sát khẩu hiệu Olympic, các phòng, Ban tập trung tham mưu cho Ủy ban sớm ban hành Chương trình hành động theo kết luận 70 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, bám sát mục tiêu thể thao cho mọi người nâng tỉ lệ tập luyện, rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Bộ trưởng cho rằng vai trò Liên đoàn, Hiệp hội phải làm rõ trong hoạt động thể thao, xem xét các cơ chế chính sách phản biển để có tiếng nói với Đảng và Nhà nước.  Bộ trưởng mong muốn tất cả các Liên đoàn, Hiệp hội thể hiện quyết tâm, thể hiện vai trò đồng hành, vai trò hợp tác.

Bộ trưởng Nguyển Văn Hùng cũng lưu ý về kết luận 72 của Bộ Chính trị về cơ sở  hạ tầng đồng bộ đến năm 2045 đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển trong đó nói rõ có các thiết chế thể thao ngàng tầm khu vực quốc tế. Vì vậy, các phòng, Ban tham mưu phải bám sát để biến Chủ trưởng của Đảng thành hiện thực.

Với yêu cầu thực tiễn, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục cải tiến hoạt động của Ủy ban Olympic Việt Nam tỏng thời gian tới, dành nhiều thời gian để quan tâm tới các chuyên đề theo nhu cầu thực tế.  Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: “Phải dành nhiều thời gian hơn để họp các chuyên đề theo yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn. Có lẽ trong năm nay cũng nên chọn 2 chuyên đề về vấn đề là Chuyên đề về đề cao vai trò của Liên đoàn, hiệp hội gắn với công tác truyền thông. Đây cũng là cái nút mà lâu nay tôi theo dõi thấy là đang rất mắc giữa các liên đoàn với Cục. Chuyên đề thứ 2 là cơ sở vật chất, hướng là xã hội hoá và hiện đại hoá cơ sở vật chất. Có những cái chúng ta phải làm, có những cái chúng ta vận động xã hội, có những cái chúng ta tranh thủ nguồn lực của Uỷ ban Olympic Quốc tế. Có những cái chúng ta kiến nghị Đảng, Nhà nước”.      

Từ khóa: olympic, olympic việt nam, ủy ban olympic việt nam, hội nghị ủy ban olympic việt nam, thể thao việt nam, bộ trưởng nguyễn văn hùng

Thể loại: Thể thao

Tác giả: khuất tú/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập