Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt- Pháp
Cập nhật: 25/01/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Năm 2023, năm đặc biệt trong quan hệ hai nước, Việt Nam và Pháp sẽ cùng nhau kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.
Trong nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam và Pháp đã ghi nhận nhiều tiến triển tốt đẹp trên hầu hết các lĩnh vực: Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, Quốc phòng, Khoa học, Công nghệ, Y tế và Giao lưu nhân dân.
Trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và gây ra những hậu quả nặng nề, nhưng cả Pháp và Việt Nam vẫn duy trì hoạt động ngoại giao cấp cao giữa hai nước và dành cho nhau sự trợ giúp cả về tinh thần cũng như vật chất trong quá trình ứng phó, kiểm soát dịch bệnh. Những nỗ lực đó đã khẳng định tình đoàn kết giữa Việt Nam và Pháp.
Đánh giá thêm về những hoạt động này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery còn cho rằng, đây không chỉ là những hoạt động duy trì mối quan hệ cấp cao giữa Pháp và Việt Nam mà còn góp phần duy trì và thúc đẩy những dự án quan trọng của hai nước. Đặc biệt, việc hai bên tham gia vào dự án liên quan đến chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ là một cơ hội mới để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.
Pháp mong muốn quốc phòng sẽ là lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước trong thời gian tới
Năm 2023, năm đặc biệt trong quan hệ hai nước, Việt Nam và Pháp sẽ cùng nhau kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Nhấn mạnh, đặc thù trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam là có sự thúc đẩy, ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng thời được phát triển từ mối quan hệ rất thân tình từ người dân hai bên, Đại sứ Nicolas Warnery cho rằng, trong bối cảnh thuận lợi như vậy, hai nước có thể phát triển mối quan hệ có bề dày, hướng tới nhiều lĩnh vực mới để tăng cường quan hệ hợp tác song phương.
Về lĩnh vực kinh tế, Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, với nền tảng là Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã được thực thi vào tháng 8/2000, năm 2023 sẽ là thời điểm quan trọng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ giao thương giữa Pháp và Việt Nam, đồng thời để giảm bớt thâm hụt thương mại của Pháp trong cán cân thương mai với Việt Nam. Cùng với kinh tế, chuyển dịch năng lượng công bằng cũng là lĩnh vực có nhiều cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác trên cơ sở mối quan hệ sẵn có trong việc thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, theo Đại sứ Nicolas Warnery, Pháp mong muốn quốc phòng sẽ là lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước trong thời gian tới. “Chúng tôi mong cả hai bên sẽ có những dự án nền tảng để tăng cường mối quan hệ giữa hai bên”, Đại sứ nêu rõ.
Việt Nam- Pháp: Xây dựng câu chuyện ngoại giao mới
Phát biểu tại lễ khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam và Pháp có mối lương duyên về lịch sử, văn hóa và giao lưu nhân dân. Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Pháp, một nước có vị trí và vai trò quan trọng ở châu Âu và trên thế giới. Ở cấp độ khu vực, Pháp đã trở thành Đối tác phát triển của ASEAN và ASEAN đã nâng cấp quan hệ với EU lên Đối tác chiến lược năm 2020. Đây là những cơ sở quan trọng để đưa quan hệ Việt Nam và Pháp có bước phát triển mới.
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 12/2022 cũng nhấn mạnh điều đặc biệt trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam chính là khả năng vượt qua những khác biệt và lịch sử giữa hai nước để hướng tới tương lai, xây dựng câu chuyện ngoại giao mới.
Câu chuyện ngoại giao mới đó, theo Đại sứ Nicolas Warnery, chính là việc hai nước luôn luôn hướng tới để tạo ra sự “thăng hoa” mới trong quan hệ hai nước, dù rằng trải qua một thời gian dài, mối quan hệ giữa hai nước đã có những lúc thăng trầm khác nhau.
“Như tôi đã chia sẻ, đó chính là cơ sở để hai nước trong thời gian qua, không chỉ tăng cường mối quan hệ giữa hai bên mà còn đa dạng hơn nữa các mối quan hệ hợp tác. Chúng ta đã có 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhưng có lẽ đó chỉ là khởi đầu trong mối quan hệ song phương. Bởi chúng ta còn rất nhiều năm nữa để tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước”, Đại sứ khẳng định.
Với tư cách một nhà ngoại giao, theo Đại sứ Nicolas Warnery, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thể hiện được sự năng động của mình trong các hoạt động đối ngoại. Đương nhiên, cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề mang tính toàn cầu hay những thách thức của thời đại. Để giải quyết tốt những vấn đề đó, Việt Nam phải tính toán rất chi ly để đưa ra các giải pháp hợp lý trên cơ sở vẫn phải hòa mình với thế giới, đặc biệt là quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vấn đề đó cũng chính là cơ hội để Việt Nam và các nước có thể hợp tác với nhau.
Năm mới của người Việt Nam sẽ nở hoa như những cánh đào Tết
Tết cổ truyền Quý Mão 2023 là lần thứ 4 Đại sứ Nicolas Warnery được đón Tết tại Việt Nam. Ông nhận thấy không khí Tết rõ nhất ở đất nước hình chữ S là vào những ngày cuối năm trước thời khắc Giao thừa. Sự bận rộn, tấp nập nhìn thấy rõ trong từng gia đình đến các con phố. Nhưng sau thời điểm Giao thừa, nhất là vào ngày mùng 1 Tết, đường phố trở nên tĩnh lặng. Ông cũng thực sự ấn tượng với cây đào Tết của Việt Nam, với mong muốn một năm mới cũng nở hoa như những cành đào.
Việc mà người Việt Nam, người phương Đông nói chung chọn hình tượng mỗi con vật cho 1 năm thay vì những con số khô khan, đó cũng là một điều rất thú vị.
“Nhân dịp năm mới, tôi xin được chúng độc giả của các báo và người dân Việt Nam một năm mới an khang, thịnh vượng”- Đại sứ Pháp chia sẻ./.
Từ khóa: 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp, Đại sứ Pháp nói về quan hệ Việt Nam-Pháp, xây dựng câu chuyện ngoại giao mới giữa Việt Nam và Pháp
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN