Mỹ vẫn không cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào sâu lãnh thổ Nga

Cập nhật: 01/10/2024

VOV.VN - Tại cuộc họp báo ngày 30/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí tự chế để tấn công các mục tiêu sau trong lãnh thổ Nga mà không cần sự cho phép của Washington. Tuy nhiên, điều này không được áp dụng đối với các vũ khí viện trợ do Mỹ sản xuất.

Tuyên bố của ông Miller được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ đón tiếp người đồng cấp Zelensky tại Nhà Trắng hồi tuần trước. Tổng thống Ukraine đã đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này, khi ông mang theo "kế hoạch chiến thắng" của mình tới Washington nhằm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho Kiev.

Cũng trong tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã gặp riêng tại Washington để bàn về việc nên hay không nên cho phép Ukraine mở rộng phạm vi tấn công trong cuộc xung đột với Nga, song không có thay đổi nào được đưa ra sau đó.

Kiev đã nhiều lần thuyết phục Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí viện trợ. Trong lúc chờ được Mỹ chấp thuận, Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công thành công vào các mục tiêu bên trong nước Nga bằng vũ khí tự chế, cụ thể là máy bay không người lái tầm xa.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết, trong năm qua, Ukraine đã phá hủy hoặc làm hư hại hơn 200 cơ sở quân sự Nga bằng các máy bay không người lái tự cải tiến. Theo ông Miller, Kiev có thể sử dụng "nhiều" vũ khí tự chế và có "nguồn nguyên liệu khổng lồ" để làm điều đó.  

Khi được hỏi tại sao Washington không chấp nhận "hạ rào" cho Ukraine, ông Miller cho biết: "Khi phê duyệt bất kỳ hệ thống vũ khí mới hoặc bất kỳ chiến thuật mới nào, chúng tôi cần phải xem xét ảnh hưởng của chúng đến cục diện chiến trường, cũng như chiến lược tấn công của Ukraine". 

Vào cuối tháng 8, ông Umerov đã đệ trình lên các quan chức cấp cao của Mỹ danh sách các mục tiêu Nga mà Ukraine muốn tấn công bằng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp, bao gồm các sân bay và căn cứ quân sự. Mỹ và đồng minh vẫn lo sợ một cuộc tấn công sâu hơn và xa hơn nhằm vào lãnh thổ Nga có thể kéo theo những phản ứng dữ dội hơn từ Nga.

Bên cạnh đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ "tìm xem có loại vũ khí nào khác mà Washington có thể cung cấp cho Kiev hay không". Tuần trước, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, tuy nhiên, thời điểm vũ khí viện trợ được chuyển giao tới Kiev vẫn còn mơ hồ, vì ông Zelensky đã gửi kế hoạch "kế hoạch chiến thắng" của mình cho một vị tổng thống sắp mãn nhiệm.

Ngoài ra, "kế hoạch chiến thắng" cũng bao gồm lời mời gia nhập liên minh quân sự NATO mà Kiev mong đợi từ lâu. Theo bà Mariya Zolkina, nhà phân tích chính trị người Ukraine và là nghiên cứu viên tại trường Kinh tế London (LSE), trong khi NATO đưa ra những lời động viên về triển vọng gia nhập trong tương lai của Ukraine, rõ ràng là điều đó sẽ không xảy ra khi Kiev vẫn đang trong tình trạng xung đột với Nga.  

Đến thời điểm này, quân đội Nga vẫn tiến đều trên các chiến trường ở Ukraine, trong khi lợi thế của quân đội Kiev ở tỉnh Kursk đang dần cạn kiệt. Chưa có dấu hiệu cho thấy Washington sẽ thay đổi lập trường sau khi nhận được "kế hoạch chiến thắng" của ông Zelensky, trong khi các sự kiện ở Trung Đông vẫn tiếp tục chuyển hướng sự chú ý của các nhà lãnh đạo Mỹ khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Từ khóa: ukraine, Nga,Mỹ,vũ khí viện trợ,Washington

Thể loại: Thế giới

Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập