Mỹ tuyên chiến với Nga khi cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng ATACMS?
Cập nhật: 4 ngày trước
Mẹ ném con 3 tháng tuổi xuống mương nước
Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ đẩy thế giới vào thế chiến III?
VOV.VN - Chuyên gia Yuri Knutov cảnh báo, việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với việc Mỹ đã tuyên chiến với Nga.
Chuyên gia quân sự Nga Yuri Knutov cảnh báo, cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS vào vùng Bryansk của Nga ngày 19/11 cho thấy Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ đã tuyên chiến với Nga.
“Về cơ bản, đây là hành động tuyên chiến với đất nước chúng tôi”, ông Knutov nói với Sputnik.
Theo ông Knutov, đây chính xác là lý do khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden và Lầu Năm Góc không chính thức xác nhận đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để chống lại Nga, từ đó tranh đưa ra lời tuyên chiến chính thức.
Đề cập việc Anh và Pháp cũng bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow/Scalp để tấn công lãnh thổ Nga, ông Knutov cho rằng đây là một phần trong kế hoạch của 3 nước gồm Mỹ, Pháp và Anh, nhằm thực sự tiến hành cuộc chiến chống lại Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thừa nhận ông chưa thể xác nhận thông tin chính quyền Tổng thống Biden đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào Nga. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, các cuộc tấn công của Ukraine bằng ATACMS vào Bryansk là "dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn leo thang".
Theo ông Lavrov, Ukraine không thể sử dụng các bệ phóng ATACMS có công nghệ phức tạp nếu không có sự trợ giúp của Mỹ. Ông cũng nhắc lại cảnh báo trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moscow sẽ buộc phải thay đổi lập trường nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để chống lại Nga.
Ngoại trưởng Nga cho hay, Moscow coi việc Ukraine phóng tên lửa tầm xa vào Nga là một giai đoạn mới của cuộc chiến mà phương Tây là một bên tham chiến.
Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, cho phép Moscow có quyền lựa chọn triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu bị tấn công từ một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một quốc gia hạt nhân.
Liên quan đến cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS gần đây vào Bryansk, ông Knutov đánh giá những tên lửa này là mục tiêu khó khăn đối với hệ thống phòng không của Nga, một phần là do nhiều tên lửa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là biến thể mang đầu đạn chùm. Ngay cả khi tên lửa bị đánh chặn, cũng vẫn có nguy cơ đầu đạn phát nổ và trúng mục tiêu dự định, gây thiệt hại cho bất kỳ thứ gì trong tầm bắn của đạn chùm.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 19/11 lực lượng Ukraine đã tấn công vào vùng Bryansk bằng 6 tên lửa ATACMS. Quân đội Nga đã sử dụng hệ thống phòng không S-400 và hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir để đánh chặn các tên lửa của Ukraine.
“Các hệ thống phòng không S-400, có khả năng đánh chặn các mục tiêu nhanh và cơ động hơn, khá thành công khi đối phó với ATACMS. Hệ thống phòng không Pantsir, loại vũ khí có khả năng đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa chiến thuật như ATACMS, cũng khá thành công”, ông Knutov nhấn mạnh.
Theo ông Knutov, việc Nga đánh chặn thành công các tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất, bao gồm cả trong cuộc tấn công mới nhất của Ukraine vào vùng Bryansk, có thể dẫn đến nhu cầu về các hệ thống phòng không Nga gia tăng trên thế giới.
Hiện nay, có nhiều nước quan tâm đến các hệ thống như S-300V4, S-350 Vityaz, S-400, Buk-M3 hoặc Pantsir, chúng đều là các hệ thống có thể đánh chặn thành công tên lửa ATACMS.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng Nga sở hữu hệ thống phòng không tốt nhất thế giới, đó là lý do ngày càng nhiều nước quan tâm đến hệ thống phòng không của chúng tôi”, ông Knutov giải thích.
Mặc dù nhu cầu về hệ thống phòng không của Nga trên thế giới bị cản trở phần nào bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng ông Knutov dự đoán nếu xung đột ở Ukraine lắng xuống, “nhu cầu về hệ thống phòng không của Nga sẽ tăng gấp bội".
Ông cũng cho hay, các nhà sản xuất quốc phòng của Nga liên tục cải tiến hệ thống phòng không để chúng hiệu quả hơn trong việc chống lại các mối đe dọa như tên lửa ATACMS.
Khi các chuyên gia phòng không thu thập được dữ liệu về hành trình bay của tên lửa mục tiêu, họ sẽ sử dụng chúng để cải thiện phần mềm của các hệ thống phòng không, từ đó cải thiện khả năng đánh chặn.
Từ khóa: ATACMS, Nga, Ukraine, ukraine tấn công Nga bằng ATACMS, Mỹ, Mỹ tuyên chiến với Nga
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN