Mỹ-Trung-EU và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa đại dịch Covid-19
Cập nhật: 08/04/2020
Người đẹp Malaysia đăng quang Miss Charm 2024, Việt Nam đạt Á hậu 2
Gia đình bé Pam được vinh danh tại Lễ trao giải Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam
VOV.VN - Trung Quốc đang mơ có thể vượt tầm ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu trên toàn cầu khi đã tạm yên dịch Covid-19, nhưng điều này liệu có dễ dàng?
Khi Trung Quốc biết “chớp thời cơ”
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic từng gây rúng động khi “chỉ đích danh” các nước không hỗ trợ nước này trong đại dịch Covid-19 và những nước mà Serbia “có thể nhờ cậy được khi nguy khốn”. Điều này là bởi, đứng đầu danh sách các “Mạnh Thường Quân” không phải là những cái tên quen thuộc vốn là đồng minh của họ. Thay vì thế, đó lại là Trung Quốc.
Tổng thống Serbia Vucic (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP |
“Giờ tất cả các bạn đều hiểu rằng, tinh thần đại đoàn kết không hề tồn tại. Tinh thần đoàn kết châu Âu cũng không tồn tại. Đó chỉ là một kiểu ‘chuyện cổ tích’ trên giấy”. Ngày hôm nay tôi đã gửi đi một bức thư đặc biệt tới quốc gia duy nhất có thể giúp chúng tôi, đó là Trung Quốc”, ông Vucic nói và cho biết, EU đã từ chối đề nghị giúp đỡ của ông.
Những lời lẽ của ông Vucic không chỉ là một “vết cứa sâu” vào trong lòng Liên minh châu Âu mà còn là lời cảnh báo tới các nhà lãnh đạo phương Tây.Không chỉ Serbia, Italy – một trong 2 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 - tại châu Âu cũng đã nhận được những món hàng thiết yếu về y tế và cả các chuyên gia y tế từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những “lời ngợi ca” từ những nước tiếp nhận viện trợ từ Trung Quốc, vẫn còn đó cả những hoài nghi và chỉ trích đến từ Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác vốn vẫn bảo lưu quan điểm rằng, chính sự chậm chễ trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã khiến dịch bệnh lây lan toàn cầu như hiện nay.
Nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc: “Tôi rất cảm kích trước sự ủng hộ của Trung Quốc tới Italy, Iran và nhiều nơi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tôi nghĩ thông thường đó là một nghĩa cử nhân đạo nhưng họ thường làm vì một mục đích khác. Lẽ ra họ đã có thể làm tốt hơn khi dịch bệnh mới bùng phát trong nước và thế giới sẽ không bị đẩy vào vòng nguy hiểm. Họ cần được khen ngợi nhưng cũng cần chịu trách nhiệm về những gì đã làm”.
Trong khi đó, ông Lee Seong-hyon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong ở Seoul, Hàn Quốc nhận định: “Trung Quốc đang “đánh bóng” hình ảnh của mình với suy nghĩ đại dịch này chính là cơ hội để họ thúc đẩy ‘sức mạnh mềm’ với EU và nhiều quốc gia khác”.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan tại Đại học Hong Kong Baptist, nhận định: “Trung Quốc rất giỏi nắm bắt thời cơ để tiến lên phía trước trong khi các nước khác vẫn đang bị phân tán nguồn lực”. Cùng chung quan điểm này, Giáo sư John Delury tại Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc cho rằng: “Giờ là lúc Trung Quốc “rảnh tay” tìm kiếm các cơ hội có lợi nhất cho mình.
“Cuộc chiến khẩu trang” và cách hành xử kiểu “miền Tây” của Mỹ
Chỉ mang tính tạm thời
Trong khi đó, chuyên gia Rachel Rizzo tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cho rằng, “bước ngoặt có tính quan trọng nhất” khiến quan hệ Mỹ-EU rạn nứt đã xảy ra ngày 12/3 khi Tổng thống Trump ra sắc lệnh cấm người từ các nước châu Âu vào Mỹ với lý do ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.Khi đó, nhiều Đại sứ ở châu Âu đang làm việc tại Washington, Mỹ cho biết, sắc lệnh này được đưa ra rất đột ngột khiến họ “trở tay không kịp”.
Tuy nhiên, theo bà Rachel Rizzo dù Trung Quốc có gửi nhiều hàng viện trợ ra quốc tế đến đâu đi chăng nữa để thể hiện thiện chí hợp tác quốc tế của mình, nước này cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm trong việc hành xử trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Bà Rachel Rizzo cảnh báo: “Những gì mà Trung Quốc gọi là thiện chí chỉ mang tính tạm thời”.
“Tôi nghĩ dù Trung Quốc có giúp châu Âu hay bất kỳ nước nào khác đi chăng nữa, sự giận giữ dành cho họ cũng không vì thế mà giảm đi. Dần dần, điều này có thể tác động trở lại và gây ra những hiệu ứng không mong muốn trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu trong tương lai”, bà Rachel Rizzo nói thêm.
Nhân viên y tế Trung Quốc sang Italy hỗ trợ nước này đối phó Covid-19. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, Giáo sư Cabestan tại Đại học Hong Kong Baptist, cảnh báo, với việc tiếp nhận ủng hộ từ Trung Quốc, Italy đang thể hiện sự tách biệt với nhiều quốc gia Tây Âu trong cuộc chiến chống Covid-19 và Tây Ban Nha dường như cũng đang tiếp bước Italy trong việc này.
“Việc gửi chuyên gia và các trang thiết bị y tế đến Italy có thể giúp Trung Quốc có thêm một người bạn mới và Tây Ban Nha cũng đã có tên “trong danh sách chờ”. Có thể một số quốc gia châu Âu sẽ trở nên thân thiện hơn với Trung Quốc nhưng họ sẽ rất khó để thuyết phục Brussels hay London làm điều tương tự”, Giáo sư Cabestan cảnh báo.
Cũng theo Giáo sư Cabestan, có một lý do khác khiến Trung Quốc không tiếc nguồn nhân lực và vật lực ủng hộ các nước khác: “Đừng quên điều này, Trung Quốc đang trong cuộc chạy đua với nhiều quốc gia để sản xuất vaccine hoặc thuốc điều trị Covid-19. Đó chính là lý do họ đưa các chuyên gia y tế ra nước ngoài để thu thập thông tin về tình hình dịch bệnh”./.
Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN