Mỹ tính gỡ công nghệ bí mật của UAV MQ-1C trước khi chuyển giao cho Ukraine
Cập nhật: 16/11/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Mỹ đang xem xét sửa đổi máy bay không người lái “Đại bàng xám” MQ-1C trước khi quyết định cung cấp vũ khí này cho Ukraine.
Sau khi các lực lượng Nga rút khỏi thành phố Kherson, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, nhưng trong đó không có loại vũ khí mà quân đội nước này mong đợi bấy lâu nay: máy bay không người lái (UAV) đa năng MQ-1C Gray Eagle được trang bị tên lửa Hellfire.
CNN dẫn nguồn tin từ hai quan chức Mỹ cho biết, Mỹ đang xem xét sửa đổi UAV lợi hại này.
Một quan chức Quốc hội Mỹ nói: “Có thể có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật để việc chuyển giao cho Ukraine trở nên khả thi trong thời gian tới. Nhưng công việc khá phức tạp và cần có thời gian”. Một quan chức khác cũng xác nhận, quân đội đang dẫn đầu nỗ lực nghiên cứu việc sửa đổi UAV do tập đoàn General Atomics chế tạo.
Ông Seth G. Jones, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: “Khi nói về máy bay không người lái, đây là một trong những UAV tốt nhất mà bạn có. Chúng thực sự rất tinh vi”.
UAV MQ-1C có chiều dài gần 9m, sải cánh 17m và cao 2,1m, được trang bị động cơ Thielert có công suất 165 mã lực, có thể bay ở độ cao hơn 7.600m trong gần 30 giờ. Tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire của máy bay này có thể tấn công các mục tiêu di động hoặc cố định trên mặt đất trong phạm vi lên đến 8 km.
MQ-1C có tải trọng vũ khí bên trong 261 kg, tải trọng vũ khí bên ngoài 227 kg. Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát, phát hiện mục tiêu chỉ huy và kiểm soát, chuyển tiếp thông tin liên lạc, thông tin tình báo. So với UAV Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất mà Ukraine sử dụng trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, MQ-1C có kích thước lớn hơn nhiều với tải trong cất cánh tối đa lớn gấp 3 lần.
Tuy vậy, nếu không có bất cứ sự thay đổi nào, Grey Eagle sẽ không nằm trong danh sách viện trợ sắp tới của Mỹ dành cho Ukraine.
“Chúng tôi vẫn thực sự quan tâm đến việc cung cấp vũ khí đặc biệt này, miễn là chúng tôi có thể thực hiện những sửa đổi cần thiết và chúng vẫn hữu ích cho Ukraine trên chiến trường”, quan chức Mỹ cho biết.
Mỹ lo công nghệ bí mật rơi vào tay Nga
Giới phân tích cho rằng, việc chuyển giao UAV MQ-1C Grey Eagle - hậu duệ của máy bay không người lái chiến thuật (UAV) RQ / MQ-5 Hunter nếu được thông qua sẽ là một bước tiến mới trong nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ngoài khả năng sát thương cao, Grey Eagle sẽ cho phép quân đội Ukraine thu thập thông tin tình báo và thực hiện trinh sát từ xa hơn, mở rộng khả năng hỗ trợ các lực lượng pháo binh tấn công mục tiêu trên mặt đất và đối phó với các UAV của Nga.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, Mỹ vẫn ngần ngại cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí tiên tiến và có tầm bắn xa, chẳng hạn như loại tên lửa có thể giúp Ukraine tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga vì không muốn bị xem là “một bên trong xung đột” và vượt lằn ranh đỏ của Nga.
Đối với UAV Grey Eagle, một quan chức Mỹ cho biết, mối lo ngại không phải là leo thang xung đột mà nằm ở an ninh công nghệ. Washington muốn tránh khả năng UAV đắt tiền này bị bắn hạ ở chiến trường Ukraine và rơi vào tay Nga. Khi đó, Moscow có thể dễ dàng nắm bắt công nghệ bí mật của nó.
“Đây là loại vũ khí đắt tiền và có nhiều lo ngại về việc chúng có thể bị bắn hạ”, quan chức nói trên cho biết, song từ chối nêu rõ bộ phận nào của máy bay được coi là nhạy cảm nhất.
Chuyên gia Seth G. Jones cho rằng, công nghệ nhạy cảm nhiều khả năng tập trung vào khả năng chụp ảnh, thu thập thông tin tình báo và các cảm biến.
Mỹ từng sửa đổi vũ khí trước khi cung cấp cho Ukraine
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ xem xét sửa đổi vũ khí trước khi chuyển giao cho Ukraine. Hồi tháng 3 vừa qua, tạp chí Wall Street Journal đưa tin, Mỹ đã gỡ một số phụ kiện bí mật khỏi tên lửa phòng không Stinger sau đó mới đóng gói và cung cấp cho Ukraine.
Ngoài UAV Grey Eagle, Mỹ cũng từ chối yêu cầu cung cấp tên lửa tầm xa ATAMCS có tầm bắn khoảng 300km. CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Ukraine khao khát sở hữu loại vũ khí này đến mức họ đã tiết lộ cho đối tác Mỹ một số mục tiêu cụ thể. Hồi đầu tháng này Mỹ đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó có cam kết cung cấp hơn 1.000 UAV Phoenix Ghost. Đây là những UAV cảm tử có kích thước nhỏ hơn, chỉ sử dụng một lần.
Ukraine cũng đã yêu cầu phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu, nhưng đến thời điểm hiện tại không có bất cứ quốc gia NATO gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine, dù đó là chiến đấu cơ có từ thời Liên Xô như MiG-29. Một quan chức trong quốc hội Mỹ cho rằng, việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine sẽ không tạo ra nhiều thay đổi trên chiến trường vì có rất ít cuộc không chiến, hơn nữa các phi công Ukraine không được đào tạo về cách sử dụng chúng, ngoài ra còn những hạn chế về khả năng bảo dưỡng, bảo trì. Câu hỏi tiếp theo là động thái này nếu được thực hiện sẽ tác động ra sao đến tính toán của Tổng thống Nga Putin khi ông nhiều lần cảnh báo có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Chúng ta không nên thực hiện quá nhiều biện pháp mà Nga cho là gây leo thang căng thẳng cho đến khi vượt qua lằn ranh đỏ của họ. Nhưng lằn ranh đó là gì thì đây là điều các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ không ngừng cố gắng để tìm ra”, quan chức này lưu ý./.
Từ khóa: Mỹ cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine, lý do Mỹ chưa cung cấp UAV MQ-1C cho Ukraine, máy bay không người lái đại bàng xám, mỹ gỡ công nghệ nhạy cảm của UAV đại bàng xám, mỹ cung cấp vũ khí cho ukraine, xung đột nga ukraine, tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire, vũ khí hạt nhân, mỹ sửa đổi máy bay không người lái MQ-1C, Ukraine yêu cầu mỹ cung cấp máy bay không người lái, lằn ranh đỏ của nga
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN