Mỹ tăng cường quân, khu vực Trung Đông đang cận kề nguy hiểm?
Cập nhật: 25/09/2019
Dừng sản xuất Anh trai vượt ngàn chông gai và Chị đẹp đạp gió năm 2025
Hành trình gìn giữ di sản trang phục của người Hà Nhì Điện Biên
VOV.VN - Quan hệ Mỹ-Iran cũng như vùng Vịnh đang trong trạng thái “nhạy cảm” mà bất cứ tính toán sai lầm nào cũng có thể thổi bùng xung đột khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm qua (20/9) cho biết, nước này sẽ triển khai thêm quân tới vùng Vịnh theo yêu cầu của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Việc Mỹ triển khai thêm quân và khả năng là khí tài quân sự tới khu vực thể hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh, sau vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia mà Mỹ công khai đổ lỗi cho Iran.
Quan hệ Mỹ-Iran cũng như vùng Vịnh đang trong trạng thái “nhạy cảm” mà bất cứ tính toán sai lầm nào cũng có thể thổi bùng xung đột khu vực. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, việc triển khai quân tới khu vực là nhằm ủng hộ các đối tác Trung Đông, đảm bảo dòng chảy thương mại và thể hiện các cam kết của Mỹ đối với các quy tắc quốc tế. Một số nguồn tin cũng cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc triển khai các trang thiết bị quân sự tới cả Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), giữ một tàu sân bay trong khu vực vô thời hạn.
Truyền thông Mỹ hôm qua cũng đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình một loạt các lựa chọn quân sự cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để phản ứng với vụ tấn công vào cơ sở dầu của Saudi Arabia, bao gồm các mục tiêu không kích trong lãnh thổ Iran hoặc các biện pháp phản ứng khác. Với tuyên bố của Tổng thống Mỹ để ngỏ "mọi sự lựa chọn" trong việc trừng phạt Iran sau vụ tấn công, tình hình an ninh Trung Đông đang bị đặt vào tình thế nguy hiểm.
Thực tế việc triển khai quân tới Trung Đông là bước đi cần thiết của Mỹ khi nước này không thể mãi "im lặng" sau vụ tấn công vào an ninh của các đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia. Vụ việc này có thể coi là một thử thách đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia. Trong thông báo của mình, các quan chức Mỹ cũng khẳng định, việc triển khai sẽ bao gồm một lực lượng binh lính “vừa phải” và chủ yếu nhằm mục tiêu phòng vệ. Khi được hỏi liệu quyết định của Mỹ đưa quân đến Trung Đông cho thấy Tổng thống Trăm đã quyết định không tiến hành không kích quân sự trả đũa ngay lập tức chống lại Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khẳng định, kế hoạch này nhằm cải thiện khả năng phòng vệ của các đồng minh, nhưng Mỹ cũng sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào.
“Đây là bước đi đầu tiên mà chúng tôi đưa ra để phản ứng với các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Mỹ có sự hiện diện mạnh tại khu vực Vùng Vịnh. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng có thể phòng vệ và làm bất cứ điều gì cần thiết. Tuy nhiên đó không phải là hướng của chúng tôi hiện nay. Hiện chúng tôi tập trung vào việc giúp bảo vệ các cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia”, ông Esper cho biết.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, Tổng thống Trump được cho là đã cố gắng để giảm tối đa và chấm dứt hành động can dự quân sự tại các điểm nóng. Trong khi đó, một cuộc chiến tranh quy mô lớn trong khu vực cũng tác động cực lớn đối với an ninh và sự ổn định của Trung Đông, cũng như nền kinh tế toàn cầu và sẽ không bên nào được hưởng lợi mà không phải trả giá đắt, trong đó có Saudi Arabia. Do đó, nguy cơ xung đột vũ trang quy mô lớn cũng khó xảy ra trong tương lai gần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/9 nói rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng và ông ủng hộ chiến lược gia tăng trừng phạt hơn là hành động quân sự:“Tôi nghĩ các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả và giải pháp quân sự cũng sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, đây là một giải pháp thảm khốc để giành thắng lợi. Chắc chắn không ai có thể đánh thắng chúng tôi bằng quân sự. Chúng tôi đang có các vũ khí mạnh và hiện đại nhất nhưng chúng ta hãy cầu nguyện là không bao giờ phải sử dụng nó”.
Để thực hiện chiến lược này, ngày 20/9, Mỹ tiếp tục thông báo gia tăng vòng trừng phạt mới nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran.
Luôn khẳng định Mỹ không muốn chiến tranh và tìm kiếm xung đột với Iran, nhưng có thể nói mối quan hệ Mỹ- Iran nói riêng và khu vực Vùng Vịnh nói chung đang trong trạng thái “nhạy cảm”, với bất cứ một phản ứng hay tính toán sai lầm nào cũng có thể là mồi lửa làm thổi bùng xung đột trong khu vực./.
Từ khóa: Mỹ tăng cường quân, chảo lửa Trung Đông, xung đột khu vực, quan hệ Mỹ Iran, tấn công cơ sở dầu Saudi Arabia
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN