Mỹ khuyến khích đồng minh NATO gửi F-16 cho Ukraine

Cập nhật: 18/08/2023

VOV.VN - Đan Mạch và Hà Lan có thể gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine ngay sau khi khóa huấn luyện phi công hoàn tất, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một lá thư được Reuters tiết lộ ngày 17/8.

“Tôi viết thư này để bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ đối với cả việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine và việc đào tạo các phi công Ukraine bởi những người hướng dẫn F-16 có trình độ”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết trong một bức thư gửi những người đồng cấp ở La Hay và Copenhagen.

Ông Blinken cam kết Mỹ sẽ chấp thuận tất cả các yêu cầu cần thiết của bên thứ ba đối với việc cung cấp máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất, để Ukraine có thể “tận dụng tối đa các khả năng mới ngay khi nhóm phi công đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo”.

Bức thư được đưa ra chỉ một ngày sau khi người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat nói với các phóng viên rằng Kiev có “hy vọng cao” về việc nhận tiêm kích phương Tây trong năm nay, nhưng “thật không may, chúng tôi sẽ không thể bảo vệ Ukraine bằng F-16 trong mùa thu và mùa đông này”.

Đan Mạch và Hà Lan đang dẫn đầu “liên minh” huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất. Liên minh này cũng bao gồm Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển. Khoảng một nửa số quốc gia này không thực sự có F-16 trong quân đội và cũng chưa nước nào công khai cam kết gửi F-16 tới Kiev.

Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, Jake Sullivan, hồi đầu tháng 7 cho biết, những chiếc máy bay chiến đấu được gửi cho Ukraine “có khả năng” sẽ đến từ “các quốc gia châu Âu dư thừa nguồn cung F-16”.

Giới chức Ukraine nói rằng khóa huấn luyện phi công sẽ bắt đầu “vào khoảng tháng 8”, với các máy bay sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng 3/2024 nếu mọi thứ diễn ra theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, một bài báo gần đây của Washington Post cho rằng 6 phi công đầu tiên sẽ cần một khóa học tiếng Anh kéo dài 4 tháng trước khi họ có thể bắt đầu các bài học bay.

Khi Tổng thống Biden lần đầu tiên đề cập đến vấn đề F-16 vào tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng việc gửi chúng đến Ukraine sẽ là “sự leo thang không thể chấp nhận được” và cảnh báo phương Tây không nên “đùa với lửa”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 cũng dự đoán F-16 sẽ “cháy” giống như xe tăng phương Tây cung cấp cho Kiev, đồng thời nhấn mạnh Moscow sẽ tìm mọi cách tấn công các địa điểm bên ngoài Ukraine nếu loại máy này được triển khai ở đó. Việc vận hành F-16 đòi hỏi phải có đường băng nguyên vẹn, không bị hư hỏng mà Ukraine không sở hữu.

Từ khóa: f-16, ukraine, mỹ, nato, mỹ khuyến khích đồng minh gửi f-16 cho ukraine, huấn luyện phi công, cung cấp f-16 cho ukraine, nước nào cung cấp f-16 cho ukraine, xung đột nga ukraine,

Thể loại: Thế giới

Tác giả: hoàng phạm/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập