Mỹ - Hàn "ra sức" kêu gọi, đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ sớm nối lại?
Cập nhật: 29/09/2020
Việc Mỹ chỉ định Houthi là khủng bố đánh dấu “sự kết thúc” của lực lượng này?
Tổng thống Nga Putin sẵn sàng đàm phán với ông Trump về Ukraine
VOV.VN - Giữa lúc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều bế tắc, quan hệ liên Triều xấu đi, 2 ngày nay, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc liên tiếp đưa ra lời kêu gọi nối lại đối thoại với Triều Tiên.
Hôm qua (28/9, theo giờ Mỹ), Đặc phái viên về vấn đề hạt nhân, đồng thời là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - ông Stephen Biegun khẳng định, Mỹ và Hàn Quốc quyết tâm thúc đẩy các nỗ lực phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên thông qua tiến trình đối thoại.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Đặc phái viên Hàn Quốc về Triều Tiên Lee Do-hoon, ông Biegun nhấn mạnh, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục nỗ lực thực hiện biện pháp ngoại giao để đạt được nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, hướng tới phi hạt nhân hóa, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho tất cả người dân Triều Tiên và thiết lập trạng thái bình thường trong mối quan hệ của Mỹ với Triều Tiên. Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ cũng cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc không thể tự đạt được những mục tiêu đó, nếu không có sự tham gia của Triều Tiên. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều để ngỏ khả năng đàm phán một khi Triều Tiên tỏ ý sẵn sàng.
Về phần mình, Đặc phái viên Hàn Quốc về Triều Tiên, ông Lee Do-hoon cho biết, cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ đã diễn ra trên tinh thần xây dựng. Hai bên đã thảo luận cách thức xử lý tình hình hiện nay và cách thức nối lại cuộc đối thoại với Triều Tiên, xây dựng một cơ chế hòa bình.
Còn tại Hàn Quốc, hôm nay (29/9), Ngoại trưởng nước này Kang Kyung-wha cũng đã buổi tiếp với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. Tới thăm khu phi quân sự, ranh giới giữa hai miền Triều Tiên, Ngoại trưởng Anh khẳng định, vương quốc này luôn ủng hộ sự cố gắng của Hàn Quốc trong việc cải thiện và thúc đẩy mối quan hệ với Triều Tiên, khẳng định quyết tâm của các bên để phi hạt nhân hóa.
Trước đó, hôm qua (28/9), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đưa ra đánh giá cao lời xin lỗi “chưa từng có tiền lệ, rất hiếm khi và đặc biệt” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi tới Hàn Quốc sau vụ binh sĩ Triều Tiên bắn chết 1 quan chức nước này, được cho là đào tẩu và xâm phạm lãnh hải Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, lời xin lỗi “vô cùng ý nghĩa này” thể hiện ý chí của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhằm tránh mối quan hệ liên Triều đổ vỡ. Tổng thống Hàn Quốc hy vọng rằng vụ việc bắn chết quan chức Hàn Quốc “rất thương tâm” này sẽ biến thành cơ hội để hai miền Triều Tiên nối lại đối thoại và hợp tác.
Cũng theo Tổng thống Moon Jae-in, hai bên cần phải đi sâu tìm hiểu sự việc và cùng nhau đưa ra những biện pháp thiết thực để ngăn chặn sự việc tái diễn. Tổng thống Hàn Quốc cũng nhắc lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng khôi phục đường dây liên lạc quân sự giữa hai miền Triều Tiên.
Trước đó, trong bài phát biểu gửi tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), đồng thời cho biết sẽ cung cấp một sự đảm bảo an ninh mà Triều Tiên từ lâu tìm kiếm, qua đó mở cánh cửa tới phi hạt nhân hóa.
“Đã đến lúc xóa bỏ bi kịch kéo dài trên Bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh phải chấm dứt, hoàn toàn và mãi mãi. Tôi tin rằng hòa bình sẽ bắt đầu với việc tuyên bố kết thúc chiến tranh, một hành động có thể khẳng định những cam kết chung đối với hòa bình. Tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ mở ra cánh cửa cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”, Tổng thống Hàn Quốc khẳng định.
Dù Mỹ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đang “ra sức” kêu gọi Triều Tiên đối thoại, song sau một thời gian đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao không đạt kết quả như ý muốn, Triều Tiên dường như đang trở lại con đường cũ với chính sách đề cao khả năng răn đe hạt nhân. Hôm nay (29/9), cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đã có bài xã luận, trong đó nhấn mạnh thành tựu lớn nhất của đảng Lao động Triều Tiên là xây dựng khả năng phòng thủ quốc gia “mạnh nhất”.
Cũng theo như lời của giới chức Triều Tiên trước đó, việc nối lại đàm phán với Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa với Mỹ chỉ có thể nối lại sau cuộc bầu cử Mỹ, nhấn mạnh các cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều không thể chỉ là một quân bài chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump./.
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN