Mỹ, Hàn Quốc kích hoạt hệ thống giám sát tên lửa Triều Tiên

Cập nhật: 25/01/2024

VOV.VN - Mỹ và Hàn Quốc hôm qua cảnh báo sẽ tăng cường giám sát và duy trì hệ thống phòng thủ trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên.

Triều Tiên hôm nay (25/1) xác nhận thử tên lửa hành trình chiến lược mới, đồng thời cho biết đang mở rộng kho vũ khí nhằm ứng phó với các mối đe doạ tiềm tàng. Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên đã làm tăng nguy cơ những vụ đụng độ ngoài ý muốn.

Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA cho biết tên lửa Pulhwasal-3-31 vẫn đang trong giai đoạn phát triển và vụ phóng tên lửa này không gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng. KCNA đồng thời nhấn mạnh cuộc thử nghiệm là một quá trình cập nhật liên tục và bắt buộc nhằm phát triển các hệ thống vũ khí uy lực.

Quân đội Hàn Quốc trước đó cho biết Triều Tiên hôm qua đã phóng một số tên lửa hành trình hướng ra Hoàng Hải. Đây là vụ phóng tên lửa hành trình đầu tiên được biết đến của Triều Tiên kể từ tháng 9/2023.

Người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Đại tá Lee Sung-jun cho biết: "Xét đến khoảng cách bay, tên lửa hành trình Triều Tiên phóng đi hôm qua có khoảng cách bay ngắn hơn so với các vụ phóng trước đó. Chúng tôi tin rằng Triều Tiên đang nâng cấp khả năng của tên lửa hành trình hiện có. Cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích các chi tiết khác ."

Theo quân đội Hàn Quốc, nước này đang tăng cường giám sát và phối hợp chặt chẽ với Mỹ để theo dõi các dấu hiệu tiếp theo của Triều Tiên. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cảnh báo duy trì hệ thống phòng thủ “thích hợp” trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Tên lửa hành trình của Triều Tiên không bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên các chuyên gia tại Mỹ và Hàn Quốc tin rằng, đây là những loại vũ khí có khả năng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quốc gia láng giềng Đông Bắc Á. Chúng được thiết kế để khó bị radar phát hiện hơn và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn lên tới 2.000 km. Kể từ năm 2021, Triều Tiên đã tiến hành ít nhất 10 vụ thử tên lửa hành trình tầm xa từ cả đất liền và trên biển. 

Đánh giá về năng lực phát triển vũ khí của Triều Tiên, chuyên gia Shin Seung-ki tại Hàn Quốc cho biết: “Từ quan điểm của Hàn Quốc và Mỹ, đã có những lo ngại về việc Triều Tiên tăng cường kho vũ khí, cũng như cải thiện khả năng triển khai nhanh chóng tên lửa. Việc nước này phóng tên lửa siêu thanh mới đây là một ví dụ vì nó có khả năng tránh bay ở độ cao thấp hơn so với tên lửa đạn đạo truyền thống. Rõ ràng, Triều Tiên đang tìm cách nâng cao khả năng ứng phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc một cách hiệu quả hơn”.

Năm 2024 được dự báo là một năm sóng gió trên bán đảo Triều Tiên khi lần đầu tiên kể từ năm 2017, Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại các cuộc tập trận bắn đạn thật tại vùng đệm trên biển giữa hai nước. Và trong tuần trước, căng thẳng đã tăng lên một cấp độ mới khi Triều Tiên tuyên bố không còn theo đuổi việc thống nhất hoà bình như một mục tiêu chính sách quan trọng. Các hình ảnh vệ tinh được AP công bố mới đây cho thấy Triều Tiên đã phá bỏ một công trình ở thủ đô Bình Nhưỡng vốn được xem là biểu tượng cho sự hòa giải với Hàn Quốc.

Từ khóa: triều tiên, tên lửa, tên lửa triều tiên, mỹ giám sát tên lửa triều tiên, triều tiên thử tên lửa, tên lửa hành trình, kích hoạt hệ thống giám sát

Thể loại: Thế giới

Tác giả: thu hoài/vov1 tổng hợp

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan