Mỹ giết Tướng Iran: “Hồi chuông cáo chung” cho thỏa thuận hạt nhân
Cập nhật: 08/01/2020
Australia xuất khẩu sản phẩm khai thác mỏ giảm do ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc
Ấn Độ, Mỹ thảo luận về tiến trình quan hệ đối tác chiến lược
VOV.VN - Với việc sát hại Tướng Iran, chính quyền Tổng thống Trump đã giáng đòn mạnh vào những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Với việc ám sát Tướng Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, chính quyền Tổng thống Trump đã giáng đòn mạnh vào những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Từng được coi là mang tính lịch sử khi chấm dứt một trong những hồ sơ gây căng thẳng nhất thế giới trong hàng thập kỷ và cũng là dấu mốc trong mối quan hệ luôn căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thỏa thuận này đang đến gần hơn tới bờ vực đổ vỡ, bất chấp nỗ lực cứu vãn trong suốt hơn 1 năm qua.
Hình ảnh đống đổ nát sau vụ không kích của Mỹ bằng máy bay không người lái nhằm vào tướng Qassem Suleiman. Ảnh: Reuters. |
Dù những hệ lụy mà vụ sát hại viên tướng quân đội hàng đầu Iran gây ra vẫn cần thời gian trả lời, song một điều chắc chắn là những hệ lụy này sẽ rất nhiều và rất sâu sắc. Một trong những hệ lụy khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại nhất chính là các nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận lịch sử năm 2015 về chương trình hạt nhân Iran gần như chắc chắn đã “trôi sông đổ biển”.
Theo New York Times, Tướng Soleimani là kiến trúc sư cho gần như mọi hoạt động quan trọng của lực lượng tình báo và quân đội Iran trong 2 thập kỷ qua. Cái chết của ông được xem là đón giáng mạnh vào nỗ lực của Iran trong việc định hình một Trung Đông đang bất ổn theo chiều hướng có lợi cho Tehran. Khi ra lệnh không kích giết Tướng Soleimani, Tổng thống Trump đã có hành động mà hai Tổng thống trước đó là George W. Bush và Barack Obama đã từng bác bỏ, vì sợ rằng nó thể dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Lý do mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra là viên tướng này đã vượt qua giới hạn đỏ khi tấn công người Mỹ.
“Chúng tôi là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và chính quyền của tôi vẫn quyết tâm thúc đẩy hòa bình và hòa hợp giữa các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh, không tìm cách thay đổi chế độ. Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại bảo vệ sự an toàn của người dân Mỹ”, ông Trump nói.
Không một nhà lãnh đạo châu Âu nào là không biết về vai trò của tướng Soleimani và ngay chính cựu Tổng thống Mỹ Obama cũng nắm rõ điều này khi đặt bút ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015. Tuy nhiên, với thỏa thuận này, các nước phương Tây đã nhận được một sự đảm bảo từ Iran, dù bấp bênh nhưng ít nhất cũng cho phép tránh nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại một khu vực vốn luôn bất ổn như Trung Đông.
Sự ổn định tạm thời này đã bị phá vỡ vào giữa năm 2018 khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa hạt nhân, mà ông cho là không nên được ký. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách gây sức ép tối đa với Iran. Những nước châu Âu như Pháp, Anh và Đức đã tìm mọi cách để duy trì thỏa thuận, ít nhất là cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2020 này.
Người phát ngôn Chính phủ Đức Ulrike Demmer nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước một sự leo thang nguy hiểm. Bây giờ, điều quan trọng là phải đóng góp cho các nỗ lực nhằm giảm leo thang căng thẳng một cách thận trọng. Xung đột khu vực chỉ có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao và chúng tôi đang liên lạc về vấn đề này với các đồng minh”.
Trong những ngày tới, Iran sẽ phải thông báo có khôi phục lại hay không các hoạt động làm giàu urani bị cấm trong thỏa thuận. Và thật khó để tin rằng chính quyền Iran có thể tiếp tục duy trì kênh ngoại giao với Châu Âu trong bối cảnh hiện nay.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, dù không hoàn hảo nhưng đã tạo ra một không gian để đối thoại. Không gian này gần như đã bị đóng lại sau vụ sát hại tướng Soleimani. Ngoại giao, chiến lược gây sức ép hay các lệnh trừng phạt còn có thể kiềm chế các bên nữa hay không? Câu trả lời giờ nằm ở trách nhiệm của mỗi bên đối với hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới./.
Video: Iran kéo cờ đỏ trên nhà thờ linh thiêng, báo hiệu ’trả thù” Mỹ?
Thi thể Tướng Soleimani được đưa trở về Iran
Tướng Iran từng lên kế hoạch táo bạo tấn công lực lượng Mỹ tại Iraq?
Từ khóa: căng thẳng Mỹ Iran, thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Trump, Mỹ không kích tướng Iran, Tướng Iran bị sát hại
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN