Mỹ gia tăng sức mạnh hải quân, Trung Quốc sẽ không chịu lép vế
Cập nhật: 18/09/2020
VOV.VN - Kế hoạch mở rộng và nâng cấp năng lực hải quân của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc đẩy mạnh quyết tâm hiện đại hóa quân đội.
Các chuyên gia quân sự cho biết, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh kế hoạch hiện đại hóa quân đội sau khi Mỹ công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng và nâng cao năng lực của hải quân của nước này. Điều đó có thể dẫn đến việc gia tăng nguy cơ đối đầu giữa hai quốc gia.
Trước đó hôm 16/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo kế hoạch mở rộng lực lượng Hải quân qua việc gia tăng số lượng các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay có người lái và không người lái để đối phó với thách thức hàng hải ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại trụ sở công ty nghiên cứu Rand Corp ở California, ông Mark Esper nêu rõ, bản đánh giá toàn diện về sức mạnh hải quân Mỹ có tên gọi "Hướng đến Tương lai" đã vạch ra kế hoạch "thay đổi cuộc chơi" nhằm gia tăng số lượng tàu của Hải quân Mỹ từ 293 chiếc ở hiện tại lên đến 355.
Kế hoạch này yêu cầu bổ sung hàng tỷ USD cho ngân sách của Hải quân Mỹ từ nay cho đến năm 2045, để họ duy trì ưu thế trước hải quân Trung Quốc – vốn được coi là đối thủ “đáng gờm”.
Liu Weidong, một chuyên gia về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã quen với các tuyên bố như của ông Esper và dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có đưa ra thông báo này hay không thì nguy cơ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc thực chất vẫn gia tăng, với nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi chiến lược từ phía Washington.
“Washington đã coi Bắc Kinh như một mối đe dọa và một đối thủ lớn, vì thế họ chắc chắn sẽ có những hành động cứng rắn trên biển và điều này có thể dẫn đến một số xung đột”, ông Liu Weidong nhận định.
Song chuyên gia này cho rằng, xung đột có thể được kiểm soát bởi không bên nào muốn xảy ra một cuộc chiến tranh thực sự.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) cho rằng, tuyên bố của ông Esper sẽ chỉ củng cố quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của họ.
“Trung Quốc sẽ không đáp trả các nhận xét của Esper chẳng hạn như công khai chỉ trích những nhận xét như vậy là khơi dậy tâm lý chiến tranh lạnh, nhằm đối phó với Bắc Kinh qua việc sử dụng thuyết “Mối đe dọa Trung Quốc” , ông Koh Swee Lean nói.
Theo chuyên gia này, “nhận xét của ông Esper sẽ không gây ảnh hưởng đến các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hiện đại hóa quân đội. Thay vì đó, nó lại càng khiến Bắc Kinh củng cố quyết tâm thúc đẩy nỗ lực như vậy”.
“Ngoài những ngôn từ mạnh bạo mà chúng ta chứng kiến cho đến thời điểm hiện tại, thì nguy cơ xung đột mà cả hai bên đều có tính toán trước là rất thấp. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng xảy ra các cuộc đụng độ trên không và trên biển giữa hai lực lượng đối đầu”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm trên, ông Song Zhongping, nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Hong Kong nhận xét, Trung Quốc sẽ không đáp trả những tuyên bố của ông Esper bằng hành động mạnh mẽ, mà sẽ tiếp tục quá trình hiện đại hóa quân đội.
“Nguy cơ đối đầu trên biển giữa hai nước ngày càng gia tăng bởi lời kêu gọi thực hiện các “hoạt động tự do hàng hải” của Mỹ. Mỹ được cho là có ý định kiềm chế các động thái tăng cường năng lực hải quân của Trung Quốc”, ông Song Zhongping nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem Trung Quốc là một đối thủ chiến lược vào cuối năm 2017, thời điểm hai bên áp thuế trả đũa lẫn nhau. Sau 3 năm, quan hệ Mỹ Trung đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ khi 2 quốc gia mâu thuẫn về nhiều vấn đề, từ ngoại giao đến công nghệ và quân sự. Trong lĩnh vực công nghệ, chính quyền Tổng thống Trump đã nhắm mục tiêu trừng phạt vào các công ty của Trung Quốc như Tencent và Huawei trong một nỗ lực ngăn chặn các công ty này tiếp cận công nghệ của Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng quan sát các nỗ lực nâng cấp quân đội của Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu hoàn thành hiện đại hóa quân đội đến năm 2035 và tham vọng xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2049.
Mỹ đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 4%, lên 750 tỷ USD trong năm tài khóa 2020 mới nhất. Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 795 triệu USD với công ty đóng tàu Fincantieri của Italy trong năm nay để mua chiếc tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường đầu tiên thuộc thế hệ mới./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN