Mỹ gặp khó khi tìm cách gia hạn lệnh cấm vận Iran tại Liên Hợp Quốc
Cập nhật: 14/08/2020
VOV.VN - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay (14/8) bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran.
Bất chấp việc Mỹ đưa ra dự thảo có chút sửa đổi, nhưng cũng khó có thể nhận được sự ủng hộ, với 2 lá phiếu phủ quyết của Trung Quốc và Nga. Lo ngại Mỹ kích hoạt điều khoản tái áp đặt trừng phạt Iran, Liên minh châu Âu đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp làm hài lòng tất cả các bên.
Ảnh minh họa: Reuters. |
Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy các chiến dịch vận động nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với Dự thảo nghị quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trước giờ bỏ phiếu. So với bản gốc có thái độ cứng rắn với Iran, dự thảo nghị quyết sửa đổi của Mỹ có quan điểm mềm mỏng hơn, thay đổi điều khoản gia hạn lệnh cấm vận vũ khí vô thời hạn, cho đến khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra nghị quyết mới.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft hôm qua (13/8) cũng kêu gọi các nước châu Âu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Mỹ: “Đây là câu hỏi về lựa chọn. Các nước châu Âu nên lựa chọn ủng hộ cho Iran hay bỏ phiếu cho hòa bình và an ninh thế giới. Tuy nhiên bất kể kết quả như nào, Mỹ cũng sẽ tiếp tục sử dụng mọi biện pháp để thể hiện trách nhiệm của mình, nhằm đảm bảo an toàn, an ninh của Trung Đông, Israel hay hòa bình và ổn định trên thế giới”.
Những sửa đổi của Mỹ được đưa ra sau khi dự thảo thỏa thuận gốc được dự đoán khó có thể không nhận được đủ 9 phiếu cần thiết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, kể cả khi các nước châu Âu đồng ý dự thảo của Mỹ cũng khó qua cửa ải 2 lá phiếu phủ quyết quan trọng của Trung Quốc và Nga. Phản ứng mới nhất về những nỗ lực của Mỹ, Iran cho rằng Mỹ sẽ thất bại trong việc gia tăng sức ép nhằm vào Iran, đồng thời cảnh báo những hậu quả nếu dự thảo nghị quyết của Mỹ được thông qua.
Kết quả cuộc bỏ phiếu dự kiến thông báo vào đêm nay (14/8) theo giờ Việt Nam. Mỹ trước đó tuyên bố sẽ đe dọa kích hoạt điều khoản khôi phục toàn bộ các lệnh cấm vận (snapback) nhằm vào Iran. Nếu Mỹ kích hoạt các điều khoản áp đặt trừng phạt có thể đẩy thỏa thuận hạt nhân đứng trước nguy cơ đổ vỡ ngay lập tức.
Cảnh báo các nỗ lực đơn phương áp đặt trừng phạt nhằm vào Iran sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, các quốc gia châu Âu đang cố gắng tìm kiếm thỏa hiệp, có thể nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Một số đề xuất đưa ra bao gồm gia hạn lệnh cấm vận có thời hạn, có thể là 6 tháng đến một năm.
Một đề xuất khác là lệnh cấm vận vũ khí, dự kiến hết hạn vào tháng 10/2020, có thể được dỡ bỏ một phần nhưng vẫn tiếp tục duy trì với một số vũ khí nhạy cảm như tên lửa chống hạm. Giới quan sát nhận định, nhóm 3 nước châu Âu tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran bao gồm Pháp, Đức, Anh đang chạy đua với thời gian để tìm ra một thỏa thuận mới, làm hài lòng tất cả các bên, mặc dù không có nhiều hi vọng./.
Từ khóa: Mỹ, cấm vận Iran, Liên Hợp Quốc, dự thảo nghị quyết của Mỹ, cấm vận vũ khí
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN