Mỹ đóng cửa Đại sứ quán sẽ là ác mộng với sự ổn định của Iraq?

Cập nhật: 29/09/2020

VOV.VN - Lời đe dọa đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Iraq có thể làm bùng nổ cuộc đối đầu Mỹ - Iran, tạo ra "bất ngờ tháng 10" trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và cơn ác mộng đối với sự ổn định của Iraq.

Lời đe dọa đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Iraq

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã cảnh báo Iraq rằng Mỹ sẽ đóng cửa đại sứ quán ở Baghdad nếu chính phủ Iraq không có động thái ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn nhằm vào lợi ích của Mỹ. Tuyên bố được đưa ra khi có hàng chục cuộc tấn công bằng tên lửa, thiết bị nổ nhằm vào các lợi ích Mỹ hoặc quốc tế, trong đó có Đại sứ quán Mỹ ở vùng Xanh cũng như các cuộc tấn công nhắm vào sân bay Baghdad.

Cụ thể, đã có 25 cuộc tấn công vào các đoàn xe chở hàng tiếp tế đến các cơ sở của Mỹ hoặc liên quân trong ở vùng Xanh và 24 vụ tấn công tương tự đã diễn ra vào tháng trước. Các quan chức Mỹ đã cáo buộc các phe phái thân Iran, bao gồm cả Lữ đoàn Hezbollah ở Iraq đứng đằng sau các vụ tấn công này.

Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do khiến Mỹ đưa ra lời đe dọa này. Chính quyền của Tổng thống Donal Trump đang thất vọng về vai trò điều hành của Thủ tướng Mustafa al-Kazemi người được coi là đồng minh nổi bật của Mỹ. Mỹ cho rằng để xảy ra các vụ tấn công vừa qua là do ông al-Kazemi chưa cứng rắn với với các nhóm vũ trang thân Iran.

Giới phân tích khu vực cho rằng, Mỹ hoàn toàn có thể tăng cường an ninh để bảo vệ các lợi ích của mình ở Iraq cũng như phối hợp với chính quyền Iraq để ngăn chặn các cuộc tấn công. Tuy nhiên, việc Washington đe dọa đóng đại sứ quán ở Baghdad tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho ông Al-Kazemi, làm tăng rạn nứt trong nội bộ Iraq. Động thái này gây ra nhiều mối lo ngại về việc có thể làm bùng nổ cuộc đối đầu Mỹ - Iran trong những tuần tới, tạo ra "bất ngờ tháng 10" trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hay cơn ác mộng đối với sự ổn định của Iraq.

Thế khó của Iraq

Lời đe dọa của Mỹ được cho là đang làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trên chính trường Iraq liên quan đến việc “ngả” sang Mỹ hay “ngả” Iran, khi một số nhân vật đã lên tiếng kêu gọi thành lập ủy ban để điều tra các hoạt động tấn công nhằm vào quân đội Mỹ.

Iraq từ lâu đã bị mắc kẹt trong tình thế “một cổ hai chòng” giữa hai đồng minh Iran và Mỹ. Nước này khó tránh khỏi chính sách "gây áp lực tối đa" mà Washington theo đuổi chống lại Tehran kể từ năm 2018. Đây cũng là mặt trận đối đầu gần như trực tiếp giữa Mỹ và Iran với lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn. Đỉnh điểm nhất là Mỹ sát hại chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, thiếu tướng Qassem Soleimani và chỉ huy lực lượng dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis trong cuộc không kích tại sân bay ở thủ đô Baghdad, Iraq ngày 3/1 vừa qua. Quốc hội Iraq sau đó cũng đã bỏ phiếu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên đất Iraq. Cùng với đó là các cuộc đáp trả dù không mạnh mẽ nhưng là các cuộc tấn công gia tăng nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở Iraq trong suốt nhiều tháng qua.

Dường như yêu cầu của Mỹ về việc ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn nhằm vào người Mỹ đang tạo ra một tình thế khó xử lớn đối với tân Thủ tướng Iraq, Mustafa al-Kazemi, người vẫn được chính quyền Mỹ yêu thích cho đến nay. Bởi nếu lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn vẫn tiếp tục tấn công các cơ sở của Mỹ, chính quyền ông Donald Trump có khả năng sẽ phản công. Điều đó có thể khiến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran bùng nổ trong vài tuần tới, đồng thời làm ông Al-Kazemi ở một vị trí rất dễ bị tổn thương và nguy hiểm, mở ra cánh cửa cho các lực lượng dân quân bành trướng và có thể thực hiện các biện pháp cực đoan chống lại nhà nước.

Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Iraq tấn công lực lượng dân quân Shiite thân Iran như ông Pompeo yêu cầu thì Iran có thể sẽ trả đũa và khiến chính quyền ông Kazemi sụp đổ. Có vẻ như những lời đe dọa mới của Mỹ đã làm tăng thêm sự rạn nứt giữa các phe trung thành với Iran và những phe thân Mỹ ở Iraq.

Dù mới chỉ là lời đe dọa từ Mỹ nhưng các phe phái ở Iraq đã có những phản ứng khác nhau. Giáo sĩ và chính trị gia có ảnh hưởng Moqtada al-Sadr đã kêu gọi thành lập một ủy ban an ninh, quân sự và quốc hội để điều tra các vụ tấn công tên lửa. Lời kêu gọi được nhiều quan chức Iraq đồng thuận. Nhưng các lực lượng thân Iran lại coi ông al-Kazemi là người của Washington ở Baghdad và thể hiện sự tức giận trước những lời hứa của ông nhằm kiềm chế họ. Một quan chức của đảng Shiite có ảnh hưởng cho biết họ đang gửi thông điệp từ Iran đến Mỹ rằng, những diễn biến chính trị gần đây không thay đổi bất cứ điều gì và không nhà lãnh đạo nào có thể thực hiện kế hoạch của Mỹ ở Iraq. Điều này có thể khiến thủ tướng Al-Kazemi rơi vào tình thế khó xử.

Mỹ không nói suông?

Việc đóng cửa Đại sứ quán tại Baghdad hiện nay mới là lời đe dọa nhưng theo các nguồn tin khu vực, Mỹ đã “rục rịch” chuẩn bị cho kế hoạch này. Nhiều thông tin dẫn lời các quan chức Iraq giấu tên xác nhận rằng Washington đã bắt đầu các hoạt động chuẩn bị để đóng cửa đại sứ quán. Theo thông tin từ truyền thông địa phương sáng 27/9, Đại sứ Mỹ tại Baghdad đã rời thủ đô Baghdad để đến Lãnh sự quán Mỹ ở Erbil, chuẩn bị cho sự ra đi của các thành viên còn lại và sau đó đóng cửa tòa nhà đại sứ quán ở trung tâm thủ đô Iraq. Một số nhà ngoại giao phương Tây ở Baghdad đã được thông báo về kế hoạch này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cảnh báo rằng, "việc đóng cửa đại sứ quán ở Baghdad nằm trong tay Tổng thống và ông Trump sẵn sàng ký quyết định này". Điều này cho thấy việc Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Baghdad gần như chắc chắn xảy ra.

Bên cạnh đó, dù hầu hết các đảng phái chính trị, ngay cả những người trung thành với Tehran tuyên bố từ chối các cuộc tấn công nhằm vào trụ sở của các cơ quan đại diện và lợi ích nước ngoài ở Iraq nhưng các lực lượng cực đoan và các nhóm khủng bố vẫn đe dọa tiếp tục các cuộc tấn công. Điều này càng khiến Mỹ sớm thực hiện kế hoạch đóng cửa Đại sứ quán tại Baghdad để bảo đảm an toàn cho hàng trăm nhà ngoại giao ở vùng Xanh, Baghdad.

Việc Mỹ đóng cửa Đại sứ quán còn dẫn đến việc chấm dứt tất cả các hoạt động của liên minh khác do sự phụ thuộc của họ vào sự hiện diện của Mỹ. Nhiều khả năng các nước khác sẽ thực hiện các bước tương tự. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng, Washington nên tránh sử dụng các biện pháp cực đoan như vậy trong tương lai và thay vào đó phối với chính phủ ông Al-Kazemi về các loại phương án ứng phó tích cực khác. Cách tiếp cận thông minh nhất là Mỹ giúp các quan chức ở Iraq khôi phục an ninh khu vực quốc tế hay Khu vực Xanh./.

Từ khóa:

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập