Mỹ “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến trừng phạt Iran
Cập nhật: 21/09/2020
VOV.VN - Mỹ càng quyết tâm trừng phạt Iran bao nhiêu thì thực tế càng cho thấy nước này đơn độc bấy nhiêu bởi đáp lại lời kêu gọi của Washington chỉ là những cái lắc đầu và sự im lặng từ đồng minh.
Mỹ quyết tâm trừng phạt Iran
Thông báo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 19/9 rằng Washington sẽ đơn phương tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Iran vốn được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có thể khiến mối quan hệ giữa các quốc gia "dậy sóng".
Trong những tuần gần đây, Mỹ đã nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc mở rộng lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc với Iran, theo dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 18/10 tới. Nhà Trắng cảnh báo, nếu lệnh cấm vận trên không được gia hạn, chính quyền Tổng thống Trump sẽ khôi phục tất cả lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran từng được thực hiện trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015.
Thay vì nhận được sự ủng hộ, Mỹ đang ngày càng bị cô lập vì động thái trên. Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, là một phần trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ vẫn có quyền hợp pháp để kích hoạt cơ chế "chuyền lùi". Tuy nhiên, 5 bên ký kết thỏa thuận còn lại gồm Nga, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp và Đức nhận định, Mỹ đã mất vai trò hợp pháp kể từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận trên năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngày 14/8, nghị quyết của Mỹ về việc mở rộng vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc với Iran, đã bị bác bỏ sau khi Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Thông báo của ông Pompeo về việc Mỹ khôi phục lệnh trừng phạt được đưa ra vào 20h ngày 19/9 (giờ địa phương), 30 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ thông báo với Hội đồng Bảo an rằng, Iran đã "không thực hiện đáng kể" nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhà Trắng dự kiến sẽ ban hành một sắc lệnh ngày 21/9 (giờ Mỹ) về việc Washington sẽ thực hiện việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt như thế nào. Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao nước này cũng sẽ cho biết có bao nhiêu thành viên Liên Hợp Quốc cũng như các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài sẽ bị trừng phạt vì các vi phạm.
“Đơn thương độc mã”
Động thái trên của chính quyền Tổng thống Trump được cho là một phần trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ từ các cử tri của nhà lãnh đạo Mỹ khi cuộc bầu cử năm 2020 đã cận kề với mục tiêu làm nổi bật những thành quả về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, dường như kế hoạch của ông Trump với Iran đang đầy những "lỗ hổng".
Lấy Qatar làm ví dụ, mặc dù là nơi đặt một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông nhưng quốc gia này cũng là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Iran, khi hai bên vận hành chung mỏ khí tự nhiên lớn nhất vùng Vịnh. Hay thậm chí Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nước vừa ký thỏa thuận hòa bình với Israel, năm nay, nước này đã cấp giấy phép cho các công ty Iran để có thể nối lại các hoạt động ở Dubai.
Oman, một "ứng viên" khác có thể là nước tiếp theo ký thỏa thuận với Israel, cũng có mối quan hệ thân thiết với Iran và có vai trò như một bên trung gian giữa Mỹ và Saudi Arabia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy, dù nước này dừng mua dầu và khí tự nhiên nhưng vẫn duy trì trao đổi thương mại và các mối quan hệ khác với Tehran.
Iraq, quốc gia có trao đổi thương mại hàng năm với Iran ước tính khoảng 12 tỷ USD, phụ thuộc vào Iran về điện, nước và khí tự nhiên. Trong khi Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi có chính sách thân Mỹ và công khai phản đối sự hiện diện của Iran tại Iraq nhưng Baghdad không có lựa chọn thay thế bởi Iran là huyết mạch kinh tế của nước này.
Liệu những nước trên, vốn đều là đồng minh hữu hảo của Washington, có bị chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt nếu tiếp tục các mối quan hệ với Iran? Liệu quân đội Mỹ có sẵn sàng di dời các căn cứ quân sự ở Qatar và Oman?
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Iran. Tuy Trung Quốc đã giảm đáng kể lượng dầu mua từ Iran nhưng Bắc Kinh và Tehran được cho là đang đàm phán một thỏa thuận kinh tế chiến lược 25 năm, theo đó, Trung Quốc sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào Iran và đổi lại, nước này sẽ được mua dầu với giá giảm mạnh.
Dự thảo thỏa thuận trên là một phần trong "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và địa chính trị khắp Á - Âu. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu lời đe dọa trừng phạt của Tổng thống Trump có ảnh hưởng đến tầm nhìn của Bắc Kinh khi mà Trung Quốc công khai chỉ trích việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí và các lệnh trừng phạt mới của Washington?
Còn với Nga, Moscow không có ý định đứng về phía Washington, đặc biệt là khi Mỹ đang tăng cường việc rút quân khỏi khu vực Trung Đông. Trong một thông báo đưa ra hôm 20/9, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Các sáng kiến và hành động bất hợp pháp của Mỹ hoàn toàn không có vai trò pháp lý với các nước khác, cũng như không khiến họ có nghĩa vụ phải hạn chế sự hợp tác với Iran".
Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Tổng thống Trump sẽ nối lại các lệnh trừng phạt với Iran như thế nào, nhất là sau khi tuần trước nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố ông sẽ tiến hành một "thỏa thuận lớn" với Iran nếu đắc cử./.
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN