Mỹ cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể đánh bại “rồng lửa” S-400
Cập nhật: 10/08/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Tên lửa chống bức xạ được cho là sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho Ukraine khi thời gian gần đây khi có nhiều báo cáo cho rằng các hệ thống phòng không của Nga đã hạn chế khả năng hoạt động của không quân Ukraine ở khu vực Donbass.
Mỹ ngày 9/8 xác nhận đã cung cấp tên lửa chống bức xạ tốc độ cao cho các lực lượng vũ trang Ukraine để đánh bại các hệ thống phòng không của Nga. Washington không nêu rõ là chủng loại tên lửa nào, nhưng một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với CNN rằng loại được gửi cho Ukraine là tên lửa chống radar tốc độ cao AGM-88 (HARM).
Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách Colin Kahl cho biết, Mỹ đã chuyển giao một số lượng lớn tên lửa chống bức xạ có thể được phóng từ máy bay chiến đấu của Ukraine. Tên lửa này có thể ảnh hưởng đến radar và nhiều phương tiện khác của Nga.
Ông Colin Kahl đưa ra tuyên bố này ngay sau khi một số kênh Telegram của Nga công bố hình ảnh những mảnh vỡ nhiều khả năng là các bộ phận của tên lửa AGM-88 HARM bị phá hủy khi nhắm bắn vào một mục tiêu của Nga.
Hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết, Kiev sẽ sớm nhận được các tên lửa chống radar cho phép quân đội nước này phá hủy hệ thống radar của Nga một cách hiệu quả, “về cơ bản chọc mù đối phương” và “giành lợi thế trong cuộc phản công”.
Vũ khí thay đổi cuộc chơi?
Theo các chuyên gia quân sự phương Tây, tên lửa chống bức xạ sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho Ukraine khi thời gian gần đây khi có nhiều báo cáo cho rằng các hệ thống phòng không của Nga đã hạn chế khả năng hoạt động của không quân Ukraine ở khu vực Donbass.
Foreign Policy dẫn lời một quan chức Ukraine cho biết: “Người Nga đã tạo ra một khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập mạnh mẽ ở Donbass và trong trường hợp đó, việc thực hiện các chuyến bay qua đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Lực lượng phòng không Nga luôn sẵn sàng bắn hạ máy bay của chúng tôi”.
Một số phi công lái máy bay chiến đấu của Ukraine cho biết, ngay cả máy bay không người lái Bayraktar TB nổi tiếng thế giới do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được sử dụng để tấn công các đoàn xe bọc thép của Nga ở giai đoạn đầu, cũng “gần như vô dụng” trước mối đe dọa từ hệ thống phòng không tại Donbass.
Do vậy, AGM-88 HARM có thể là “vũ khí thay đổi cuộc chơi” và bổ sung đáng kể cho tên lửa của Ukraine, giống như hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.
HIMARS mang đến cho Ukraine khả năng tấn công chính xác cao và nhanh chóng ở các tầm bay mà không cần huy động sức mạnh không quân, giúp Kiev bù đắp cho quy mô nhỏ của lực lượng không quân. Còn AGM-88 sẽ nâng khả năng của Ukraine lên một tầm cao mới, giúp quân đội nước này phá hủy radar của hệ thống phòng không Nga và cho phép máy bay chiến đấu hoạt động an toàn ở Donbass cũng như hỗ trợ các binh sĩ mặt đất.
Sức mạnh của AGM-88 HARM
Công ty Texas Instruments ban đầu phát triển AGM-88 HARM để thay thế cho các tên lửa chống radar AGM-45 Shrike và AGM-78 Standard ARM, nhưng sau đó đã chuyển giao hoạt động sản xuất này cho tập đoàn Raytheon khi Raytheon mua lại mảng kinh doanh của họ.
AGM-88 HARM là tên lửa không đối đất được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất, có tầm hoạt động gần 50km. Tên lửa có thể tấn công các radar của phòng không như S-400 và các radar chống pháo của Nga. HARM tiếp nhận các thông số của mục tiêu từ máy bay trước khi phóng.
Mỗi tên lửa AGM-88 có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h. HARM được tích hợp hệ thống dẫn đường ở phần mũi, bao gồm 1 ăng ten cố định và thiết bị tìm kiếm bức xạ radar của đối phương.
Tên lửa có 3 biến thể là: AGM-88A, AGM-88B và AGM-88C. Phần đầu đạn của 2 biến thể A và B chứa 25.000 mảnh thép nhỏ, chất nổ, ngòi nổ. Phần đầu đạn của AGM-88C có 2.845 mảnh vonfram và một lượng lớn thuốc nổ cấp độ cao hơn, có khả năng sát thương lớn hơn. Những đầu đạn này sẽ phá hủy hệ thống ăng ten và thiết bị dẫn sóng của mục tiêu khiến nó không hoạt động. Tên lửa này được đẩy bằng động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn và không có khói.
Khả năng triển khai trên chiến trường
Nhiều người đã đặt câu hỏi quân đội Ukraine sẽ sử dụng AGM-88 như thế nào trong trường hợp họ tiếp nhận tên lửa này từ Mỹ.
Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng tên lửa cho tiêm kích F/A-18 và phiên bản tác chiến điện tử của tiêm kích này là EA-18G Growler. Không quân Mỹ (USAF) sử dụng tiêm kích F-16 chuyên dụng được trang bị Hệ thống Nhắm mục tiêu HTS, để triển khai tên lửa. Không quân Italy cũng trang bị AGM-88 cho máy bay chiến đấu Tornado của nước này.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine chỉ có phi đội già cỗi gồm các chiến đấu cơ MiG-29, Su-24, Su-25 và Su-27, có từ thời Liên Xô. Chúng thiếu những nền tảng thích hợp để truyền thông tin cho tên lửa do phương Tây sản xuất.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, nhiều khả năng máy bay của Ukraine đã được sửa đổi để có thể tích hợp AGM-88, hoặc những máy bay từ thời Liên Xô do các quốc gia NATO chuyển giao cho Kiev trước đó đã được nâng cấp cấu trúc theo tiêu chuẩn NATO và có hệ thống điện tử hàng không thích hợp để tương tác với tên lửa.
Tuy vậy, ông Thomas Withington, chuyên gia phân tích về kỹ thuật điện tử phòng không cho rằng, việc sửa đổi một máy bay có từ thời Liên Xô để triển khai AGM-88 rất khó khăn.
“Trước hết, tên lửa và hệ thống máy tính của máy bay cần phải có khả năng giao tiếp với nhau. Ở phương Tây điều này được thực hiện thông qua các nền tảng như khung dữ liệu MIL-STD-1553B”.
Chuyên gia này giải thích, khung dữ liệu MIL-STD-1553B giống như một “ổ cắm USB” dành riêng cho máy bay quân sự, cho phép hệ thống máy tính nhận diện vũ khí được triển khai trên máy bay và “giao tiếp” với nó. “Điều đó có nghĩa là phi công có thể gửi tọa độ mục tiêu tới vũ khí thông qua máy tính và vũ khí cũng có thể gửi lại thông tin về trạng thái hoạt động của nó cho phi công”, ông Withington lưu ý. Vẫn chưa rõ liệu AGM-88 từng được triển khai trên một máy bay chiến đấu không thuộc phương Tây hay chưa.
Còn cựu phi công lái máy máy bay chiến đấu Jaguar, ông Vijainder K. Thakur cho biết, để phóng tên lửa chống bức xạ từ máy bay chiến đấu, máy tính của của máy bay phóng cần được cung cấp tọa độ chính xác. Ông lưu ý “Ukraine đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các công nghệ của Nga vì thế có đủ khả năng để phát triển hệ thống giao tiếp giữa tên lửa và hệ thống máy tính của máy bay chiến đấu, chăng hạn như MiG-29”.
Một khả năng khác là Mỹ chuyển giao cho Ukraine các loại tên lửa diệt radar do Liên Xô phát triển như Kh-31 hoặc Kh-58. Cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ có thể sở hữu những loại vũ khí này thông qua chương trình Tận dụng Khí tài Nước ngoài (FME) hoặc mua trực tiếp từ Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ Mỹ-Nga tan băng trong những năm 1990, và trong thời gian đó, tập đoàn McDonnell Douglas (sau này là Boeing) đã hợp tác với công ty Zveda-Strela của để phát triển một phiên bản khác của Kh-31 dành cho quân đội Mỹ sử dụng làm mục tiêu tốc độ cao trong các cuộc diễn tập./.
Từ khóa: Mỹ cung cấp vũ khí cho ukraine, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, tên lửa chống radar, không quân ukraine, không quân nga, giao tranh tại donbass, hệ thống phòng không của nga, hệ thống phòng không s-400, tên lửa AGM-88 HARM, sức mạnh của AGM-88 HARM, tên lửa chống radar, vũ khí của Nga, vũ khí của Ukraine, vũ khí đánh bại hệ thống S-400
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN