Mỹ cắt tài trợ cho WHO và tác động tới vị thế của Mỹ
Cập nhật: 16/04/2020
Lễ trao giải AAA 2024 quy tụ dàn sao đình đám bậc nhất xứ Kim Chi
Ben Thanh-Suoi Tien metro line - catalyst for HCM City's tourism development
VOV.VN - Quyết định tạm ngừng cấp ngân sách cho WHO sẽ càng khiến uy tín, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế suy giảm.
Từ tuần trước Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo khả năng cắt tài trợ cho WHO nhưng cũng tuyên bố là sẽ tiến hành điều tra trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, mới đây ông Donald Trump đã tuyên bố dừng tài trợ cho WHO dù chưa có kết quả điều tra.
Quyết định tạm ngừng cấp ngân sách cho WHO có thể khiến uy tín, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế suy giảm. Ảnh: Reuters |
Vì sao Mỹ cắt tài trợ cho WHO ở thời điểm này
Hiện tại, có hai luồng quan điểm trái chiều cả trong chính giới, chuyên gia, truyền thông và người dân Mỹ về động thái mới nhất của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, có hai lý do chính thúc đẩy ông hành động quyết liệt và nhanh chóng như vậy.
Thứ nhất, xuất phát từ sự thúc đẩy của các quan chức có quan điểm cứng rắn trong Chính quyền, các nghị sỹ theo đường lối bảo thủ bên phía đảng Cộng hòa, kể cả một số cơ quan nghiên cứu “bảo thủ” và “thân” đảng Cộng hòa.
Phát biểu trên truyền hình Fox News, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, nói rằng WHO “vấy máu trên tay” do đã không hành động và liên tục thiên vị Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Tuyên bố của ông Navaro đưa ra ngay trước thời điểm Tổng thống Trump chính thức tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho WHO, cho rằng ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn đúng khi chỉ thị tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về điều gì đã xảy ra và vai trò của Trung Quốc trong vấn đề này. Ông Navaro nhấn mạnh, Chính quyền Trump không thể chấp nhận một WHO mà sẽ khiến Mỹ thất bại trước đại dịch.
Hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Rick Scott, từ trước đó đã tuyên bố ủng hộ giảm đóng góp của Mỹ cho WHO và nhiều lần thúc giục Tổng thống Trump sớm hành động.
Trong khi đó, Quỹ Di sản (Heritage) đề xuất, thay vì ngừng cấp ngân sách cho WHO trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện tại, Mỹ nên đặt điều kiện cấp ngân sách trong tương lai cho những hành động cụ thể của WHO.
Thứ hai, động thái mới nhất của Tổng thống Trump nhằm làm chệch hướng sự chú ý của dư luận trong nước trước việc Nhà Trắng được cho là đã sai lầm và thất bại trong xử lý đại dịch Covid-19.
Theo Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy, thành viên cấp cao Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Thượng viện, Nhà Trắng biết rằng họ đã xử lý sai cuộc khủng hoảng này ngay từ đầu, phớt lờ nhiều cảnh báo và lãng phí thời gian quý báu, bác bỏ luận cứ y khoa, so sánh bệnh Covid-19 với cảm lạnh thông thường và nói rằng 'mọi thứ sẽ ổn thôi'.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng Tổng thống Trăm đang tìm cách làm chệch hướng sự chỉ trích của dư luận về thất bại của chính mình. Theo ông Schiff, hợp tác quốc tế về y tế công cộng chưa bao giờ có ý nghĩa then chốt hơn lúc này. Việc Mỹ ngừng cấp ngân sách cho WHO sẽ chỉ khiến đại dịch Covid-19 tồi tệ hơn.
Về phần mình, tỷ phú Bill Gates, nhấn mạnh việc Mỹ ngừng cấp kinh phí cho WHO trong một cuộc khủng hoảng y tế thế giới cũng nguy hiểm như chính cuộc khủng hoảng đó. Theo ông Bill Gates, công việc WHO đang thực hiện là làm chậm sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và nếu việc đó phải ngừng lại, không một tổ chức nào có thể thay thế WHO. Thế giới hiện cần WHO hơn bao giờ hết.
WHO bị ảnh hưởng như thế nào
Nếu Mỹ chính thức ngừng cấp toàn bộ kinh phí cho WHO, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động của tổ chức này trong thời gian tới. Đó không chỉ là dẫn dắt nỗ lực toàn cầu để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 hiện tại, mà còn triển khai những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Bởi trên thực tế, những năm vừa qua, Mỹ luôn là nhà bảo trợ lớn nhất cho các hoạt động của WHO. Được biết, những năm trước, ngoài khoản đóng góp chính thức, hàng năm Mỹ còn có một số khoản hỗ trợ bổ sung cho hoạt động của WHO. Năm ngoái (2019), Mỹ đã đóng góp hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% tổng ngân sách hoạt động của WHO.
Hiện WHO đã đề xuất khoản ngân sách gần 4,9 tỷ USD cho giai đoạn 2020-2021, tức tăng 11% so với giai đoạn 2018-2019, nhưng vẫn đang chờ được phê duyệt khoản ngân sách đó. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, diễn biến khó lường và dịch chuyển xuống Nam bán cầu, WHO đang nỗ lực tìm kiếm khoản ngân sách bổ sung, trị giá ít nhất 1 tỷ USD nhằm giúp các nước chậm và đang phát triển ứng phó với dịch bệnh. Phần lớn những nước này nằm ở Nam bán cầu, với hệ thống y tế quốc gia vừa yếu, vừa thiếu. Do vậy, nếu dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại nhóm nước này, sẽ gây tổn thất lớn hơn về kinh tế và sinh mạng, tạo gánh nặng cho cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước phát triển như Mỹ.
Vị thế của Mỹ bị ảnh hưởng ra sao?
Quyết định tạm ngừng cấp ngân sách cho WHO của Tổng thống Trump sẽ càng khiến uy tín, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế suy giảm và gây bất lợi cho Washington trong cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt.
Thực tế cho thấy, những năm vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh những nỗ lực nhằm xác lập vị thế trong các định chế khu vực và toàn cầu, nhất là hệ thống các tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc. Những nỗ lực đó của Trung Quốc càng gia tăng kể từ khi ông Trăm lên nắm quyền, theo đuổi mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, rút khỏi các tổ chức và cam kết quốc tế.
Theo chuyên gia Richard Gowan, Giám đốc Nhóm khủng hoảng quốc tế, Tổng thống Trump đã đúng khi nói rằng Mỹ đóng góp lớn hơn cho các chi phí của WHO nói riêng và ngân sách nhân đạo của Liên Hợp Quốc nói chung so với đóng góp của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã tìm cách trở thành một nhà lãnh đạo đa phương với “giá rẻ” trong thập kỷ qua, sử dụng quyền lực chính trị của mình để tạo ảnh hưởng, nhưng lại không đầu tư nghiêm túc vào các tổ chức như WHO, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hoặc Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR),...
Tuy nhiên, việc Chính quyền Trump quyết định rút khỏi, hoặc giảm cam kết đóng góp cho các tổ chức quốc tế như WHO, nhất là trong bối cảnh tổ chức này đang dẫn dắt thế giới đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, sẽ càng khiến “chỉ số tín nhiệm” của Mỹ trên trường quốc tế sụt giảm hơn nữa.
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố ngừng cấp kinh phí cho WHO, lãnh đạo một loạt các tổ chức quốc tế bao gồm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell đều cho rằng đây không phải là thời điểm cắt kinh phí cho WHO khi tổ chức này đang dẫn dắt nỗ lực toàn cầu chống Covid-19. Điều đó cho thấy cộng đồng quốc tế không đồng tình với quyết định của ông Trump, ít nhất là trong thời điểm này, và động thái này chắc chắn đã làm ảnh hưởng tới vị thế cũng như hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế./.
Từ khóa: Mỹ cắt tài trợ cho WHO, WHO, Tổng thống Trump
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN