Mỹ cần làm gì và mất bao lâu để “dập” được dịch Covid-19?
Cập nhật: 30/03/2020
VOV.VN - Tiếp tục là “tâm chấn” dịch Covid-19 với số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, Mỹ cần làm gì và mất bao lâu để kiểm soát được dịch bệnh này?
Tính tới ngày 29/3, dịch Covid-19 đã khiến hơn 120.000 người nhiễm bệnh và hơn 2.000 người tử vong ở Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định Mỹ vẫn có cơ hội để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 bởi trong dây chuyền lây nhiễm của chủng virus này vẫn có "điểm yếu".
Tiếp tục là “tâm chấn” dịch Covid-19 với số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, Mỹ cần làm gì và mất bao lâu để kiểm soát được dịch bệnh này? Ảnh: Reuters |
Mặc dù có những ổ dịch lây lan mạnh mẽ, chẳng hạn như du thuyền Diamond Princess nhưng virus SARS-CoV-2 thường lây nhiễm "thành chùm" giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của người mắc bệnh, Tiến sĩ David L.Heyman - người đứng đầu đội ngũ chuyên gia cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong các trường hợp khẩn cấp nhận định.
Không ai có thể chắc chắn tại sao virus lại lây nhiễm theo cách thức này nhưng các chuyên gia đã nhìn thấy một cánh cửa hy vọng.
"Chúng ta có thể kiểm soát các ổ dịch. Chúng ta cần xác định và ngăn chặn các đợt bùng phát riêng lẻ và sau đó theo dõi tiếp xúc nghiêm ngặt", Tiến sĩ Heyman cho biết.
Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự có hiệu quả thì sẽ cần tới sự thích ứng nhanh của đội ngũ y tế cũng như sự hợp tác toàn dân. Biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trên chỉ trở nên thực tế khi người dân nhận ra rằng hợp tác cùng nhau là cách duy nhất để bảo vệ họ và những người mà họ yêu quý.
Trong các cuộc phỏng vấn với những chuyên gia hàng đầu thế giới về phòng chống dịch bệnh của New York Times, các nhà khoa học này đều có một sự nhất trí rộng rãi rằng các biện pháp sau đây nên được thực hiện đồng thời và ngay lập tức.
Ngăn chặn sự lây nhiễm giữa các thành phố
Theo các chuyên gia, một ưu tiên trong các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 ở Mỹ là thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội. Thậm chí, các nhà dịch tễ học đã nhận định rằng nếu có một "cây đũa thần" khiến tất cả người dân Mỹ chỉ ở yên trong nhà 14 ngày và ngồi cách xa nhau 2 mét thì toàn bộ sự lây lan sẽ dần chấm dứt.
Virus sau đó sẽ chết trên bề mặt chúng tiếp xúc và bởi hầu hết mọi người đều thể hiện triệu chứng trong 2 tuần nên các trường hợp nhiễm bệnh đều được xác định. Nếu Mỹ có đủ khả năng xét nghiệm cho mọi người dân Mỹ, thì thậm chí cả các ca tiền triệu chứng cũng có thể được phát hiện và cách ly. Cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ qua đi như vậy.
Tuy nhiên, rõ ràng không có "cây đũa thần" nào và Mỹ cũng không có đủ số kit để tiến hành xét nghiệm cho 300 triệu người. Tuy nhiên, giải pháp phong tỏa và giãn cách xã hội sẽ tiệm cận với việc "đóng băng" hoạt động đi lại như trên.
Mỹ đã thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội nhưng dường như các biện pháp này vẫn chưa đủ, nói cách khác là chưa triệt để nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Tất cả các chuyến bay quốc tế đã bị cấm nhưng các chuyến bay nội địa thì chưa bị cấm. California đã yêu cầu tất cả người dân ở nhà trong khi New York đóng cửa tất cả các cửa hàng không cần thiết nhưng các bang khác lại thực hiện các quy định này lỏng lẻo hơn.
Tiến sĩ Anthony S. Fauci - cố vấn trưởng của Lực lượng tác chiến chống Covid-19 của Nhà Trắng thậm chí đã đề nghị các biện pháp hạn chế đi lại nên được áp dụng trên toàn quốc.
Trung Quốc đã phong tỏa Vũ Hán - tâm chấn dịch Covid-19 từ ngày 23/1, khi mà nước này chỉ có 500 ca nhiễm và 17 người chết. Động thái nhanh chóng đó đã đem đến tác động quan trọng: Khi mà virus gần như được cô lập chỉ trong 1 khu vực thì phần còn lại của Trung Quốc sẽ có đủ nguồn lực để chi viện cho Vũ Hán. Mặc dù nhiều thành phố của Trung Quốc vẫn phải ứng phó với các đợt bùng phát nhỏ của dịch Covid-19 nhưng họ đã cử 40.000 nhân viên y tế tới tâm dịch Vũ Hán, gấp đôi lực lượng y tế tại đây.
Do đó, những khu vực còn tương đối chưa bị ảnh hưởng ở Mỹ nên thực hiện nghiêm ngặt các quy định hạn chế đi lại và giãn cách xã hội ngay từ đầu để thứ nhất, là ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô lớn và thứ hai là có đủ nguồn lực y tế để chi viện cho những “điểm nóng” như New York hay Seattle.
Xét nghiệm an toàn và hiệu quả
Hàn Quốc không phải phong tỏa bất kỳ thành phố nào nhưng quốc gia này đã có những động thái nhanh chóng được thực hiện từ sớm khi dịch mới bùng phát. Vào tháng 1/2020, quốc gia này đã có 4 công ty sản xuất kit xét nghiệm và ngày 9/3, Hàn Quốc đã xét nghiệm cho 210.000 công dân - tương đương với tỷ lệ xét nghiệm 2,3 triệu người dân Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chỉ có chưa tới 9.000 người dân Mỹ được xét nghiệm.
Quá trình xét nghiệm phải được thực hiện một cách an toàn dựa trên sự hợp tác của các bên. Những người mắc bệnh nghiêm trọng phải được tiến hành xét nghiệm trước và những người xét nghiệm phải được bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm. Việc xét nghiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và cách ly sớm những người nhiễm bệnh, cũng như hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Mỹ đang dần có những bước đi cải tiến việc xét nghiệm khi một dụng cụ xét nghiệm mới được công ty Abbott phát triển đã được Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông qua, có thể cho ra kết quả dương tính chỉ trong 5 phút và có thể được sử dụng cả ở các phòng khám. Abbott cho biết công ty này sẽ bắt đầu phân phối 50.000 dụng cụ xét ngiệm Covid-19 mang tên ID NOW trong 1 ngày bắt đầu từ tuần này.
Cách ly người nhiễm bệnh
Các chuyên gia nhận định, Mỹ phải có một phương án thay thế để cách ly những người nhiễm bệnh đang ở nhà càng sớm càng tốt bởi điều này có thể gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình họ. Tại Trung Quốc, 75 - 80% các trường hợp lây nhiễm là từ các ổ dịch gia đình.
Trên thực tế, có không ít trường hợp như vậy đã diễn ra ở Mỹ. Sau khi 7 thành viên trong 1 gia đình ở New Jersey mắc Covid-19, 4 người đã tử vong. Một trường hợp khác là sau khi một luật sư ở New Rochelle, New York nhiễm bệnh, vợ và các con của ông cũng đều dương tính với SARS-CoV-2.
Thay vì chính sách khuyến cáo những người nhiễm bệnh ở nhà như Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh đang làm hiện nay, các chuyên gia cho rằng các thành phố nên thành lập các cơ sở để những người mắc bệnh nhẹ và trung bình có thể được cách ly dưới sự giám sát và chăm sóc của các nhân viên y tế.
Vũ Hán đã xây dựng nhiều trung tâm như vậy, còn gọi là các "bệnh viện dã chiến", trang bị các bình oxy và giường cho các bệnh nhân thay vì các máy móc tiên tiến sử dụng trong các đơn vị chăm sóc tích cực.
Các thành phố ở Mỹ hiện có nhiều không gian để xây dựng những khu cách ly như vậy. New York đã sử dụng Trung tâm Hội nghị Jacob K. Javits làm bệnh viện dã chiến với 1.000 giường bệnh được sắp xếp để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định việc theo dõi tiếp xúc các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là vô cùng quan trọng. Những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh phải ở nhà trong 14 ngày và báo cáo về tình hình thân nhiệt của họ 2 lần/ngày.
Sự can thiệp của chính quyền liên bang cũng là yêu cầu cần thiết để đảm bảo duy trì một số khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân giữa đại dịch như cung cấp đủ lương thực, điện nước và các dịch vụ cần thiết khác.
Bao giờ cuộc sống sẽ trở lại bình thường?
Dịch Covid-19 khiến cho cuộc sống của người dân Mỹ dường như dừng lại khi các cửa hàng đều đóng cửa, các sự kiện tập trung đông người bị hủy bỏ và mọi người được khuyến cáo không ra khỏi nhà. Không chỉ người dân Mỹ mà tất cả chúng ta chắc chắn đều đặt ra câu hỏi: Khi nào cuộc sống sẽ quay trở thành bình thường?
Một số giả thiết được đặt ra là khi mùa hè đến có thể dịch Covid-19 sẽ chấm dứt bởi trước đó, nhiệt độ cao và mức độ bức xạ tia UV tăng cao từng ngăn cản sự sinh sôi của virus cúm nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc virus corona chủng mới cũng có phản ứng tương tự.
Chúng ta đã có những bước tiến trong việc điều chế vaccine chống Covid-19 nhưng để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của vaccine, thế giới sẽ phải chờ đợi ít nhất từ 12 – 18 tháng.
Trong thời gian đó, các biện pháp giãn cách xã hội có thể làm chậm lại quá trình lây lan của dịch bệnh để các nhà khoa học có thêm thời gian nhằm tìm ra các phương pháp điều trị Covid-19.
“Những biện pháp tưởng như lỗi thời như phát hiện, cách ly và phong tỏa thực sự có thể làm chậm lại sự lây nhiễm của một bệnh về hô hấp", Bruce Aylward, Cố vấn Cấp cao của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định. Chuyên gia này cũng cho biết, Trung Quốc từng mất gần 10 tuần để dỡ lệnh phong tỏa nhưng việc dịch bệnh kéo dài bao lâu hoặc khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường phụ thuộc vào việc các biện pháp kiểm soát của các quốc gia được thực hiện hiệu quả đến đâu"./.
Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
Theo: New York Times, The Atlantic
Từ khóa: dịch Covid 19, điểm yếu của SARS CoV 2, bao giờ cuộc sống trở lại bình thường, đại dịch toàn cầu, ổ dịch ở Mỹ
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN