Mường Nhé phát triển nông nghiệp bền vững hướng tới xuất khẩu
Cập nhật: 28/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao hướng tới xuất khẩu, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.
Gia đình ông Thào Seo Sình ở bản Huổi Ping, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (Điện Biên) năm 2016 mua hơn 1.000 cây quế giống từ tỉnh Lào Cai về trồng trên một số diện tích nương ngô kém hiệu quả. Sau 8 năm, vườn quế của gia đình ông đã phát triển lên 12ha. Từ mô hình của gia đình ông, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Mường Toong đã chuyển sang trồng quế, nâng diện tích quế toàn xã hiện nay lên hơn 200 ha.
“Nói về kinh tế, để phát triển kinh tế, cây quế so với các loại cây khác, như cây lúa, cây ngô, sắn mà mình trồng thì giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Ít nhất mỗi ha bây giờ cho khai thác cũng khoảng 400-500 triệu đồng” - ông Sình nói.
Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cũng chia sẻ: “Một ha quế bây giờ tính ra theo kinh tế hộ gia đình là 500 triệu đồng, đấy là hiệu quả kinh tế rõ rệt cho khai thác và thu hoạch. Định hướng sau này xã sẽ phát triển trên 500 ha quế để nhân rộng mô hình”.
Ngoài cây quế, cao su cũng là cây công nghiệp đã nhiều năm gắn bó với người dân Mường Nhé. Sau hơn 10 năm bén rễ, hiện toàn huyện đã có hơn 1.200 ha cây cao su và đều đang cho khai thác mủ.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2023, sản lượng khai thác của công ty đạt hơn 1.000 tấn mủ; tổng doanh thu gần 29 tỷ đồng. Năm 2024, sản lượng dự kiến vượt mức kế hoạch từ 5-10%; doanh thu dự kiến đạt 35 tỷ đồng. Việc phát triển cây cao su đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương.
“Thành quả đến lúc này cây cao su đã phát huy tác dụng, phải nói rằng chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa cây cao su lên đã thành công. Công ty làm ăn có lãi, đặc biệt đã giải quyết được công ăn việc làm cho lao động tại chỗ” - ông Nguyễn Ngọc Hoàn nói.
Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: những năm gần đây, địa phương đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho người dân ở một số dự án trồng quế, ngô, sắn, sa nhân... bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực. Mục tiêu giai đoạn tới, Mường Nhé sẽ tập trung phát triển một số cây trồng chính như cây dược liệu dưới tán rừng, quế. Phấn đấu đến năm 2030, huyện trồng được 4.500 ha quế và 500 ha cây dược liệu dưới tán rừng để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu, hướng tới xuất khẩu.
“Huyện đã xây dựng đề án tái sản xuất, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp; trọng tâm là phát triển cây nông nghiệp, công nghiệp có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, huyện đã đầu tư các hạng mục công trình để thu hút những doanh nghiệp ở nơi khác đến để đầu tư vào huyện” - ông Tạ Văn Sơn nói.
Thời gian tới, việc nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú lên cửa khẩu song phương sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi mua bán, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu giữa 2 bên biên giới. Đây cũng sẽ là tiền đề, là cơ sở quan trọng để huyện biên giới Mường Nhé, Điện Biên hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản ra thế giới.
Từ khóa: Mường Nhé, Mường Nhé, phát triển nông nghiệp, xuất khẩu, xuất khẩu nông lâm sản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: vũ lợi/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN