Mượn và cho mượn ô tô, ứng xử sao cho khỏi “mất lòng nhau"
Cập nhật: 09/02/2023
Range Rover Velar mới ra mắt tại thị trường Việt Nam
Chiếc Porsche 911 Dakar cuối cùng được sản xuất sẽ là một phiên bản đặc biệt
VOV.VN - Trong mùa du xuân đầu năm, số chuyến đi phát sinh đang gia tăng đột biến, đặc biệt là dịp cuối tuần. Câu chuyện ứng xử thế nào trong việc mượn và cho mượn ô tô – phương tiện đi lại nhưng cũng là một tài sản không nhỏ với nhiều người - cũng khiến nảy sinh khá nhiều băn khoăn về cách ứng xử.
Do đặc thù hành trình dài ngày, nhiều điểm dừng chân, cần chủ động phương tiện và đảm bảo an toàn, nên đa số thị dân coi tự lái xe cá nhân là ưu tiên số một.
Với những người có bằng lái nhưng chưa sở hữu xe hơi, bên cạnh dịch vụ thuê xe tự lái, nhu cầu mượn xe của người thân, bạn bè cũng tăng vọt theo.
Nếu để ý các câu chuyện được bàn luận rôm rả trên các diễn đàn giao thông những ngày qua, các bạn hẳn đã nghe qua một chủ đề nổi bật: Ứng xử thế nào khi mượn và cho mượn ô tô?
Thực tế, đây là câu chuyện không mới nhưng lại khá tế nhị, đòi hỏi ứng xử của các bên cần tinh tế và văn minh.
Một người đã chia sẻ cảm giác bất an khi em vợ hỏi mượn xe. Do thiếu tin tưởng vào kỹ năng và kinh nghiệm của người mượn nên anh viện cớ để từ chối. Nhưng sau đó, anh bị rèm pha là keo kiệt với bên nhà vợ.
Một người khác lâm vào thế khó xử khi vừa mới mua xe đã liên tục bị bạn hỏi mượn vào cuối tuần. Đây là tài sản lớn, mất nhiều năm mới tích cóp sắm được, anh xem như “vợ hai”, trong thâm tâm không muốn cho mượn, nhưng người mượn lại toàn gương mặt thân quen, gặp mặt thường xuyên, nên ngại nói lời từ chối.
Trong hoàn cảnh oái oăm hơn, có người cho mượn xe nhưng sau đó mất thời gian, công sức, tiền bạc để đi giải quyết biên bản phạt nguội vi phạm giao thông mà người mượn gây ra. Thậm chí, chiếc xe còn bị tạm giữ để phục vụ điều tra tai nạn.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, “mất lòng trước được lòng sau”, tốt nhất là xe ai người ấy đi. Nếu chưa có xe thì nên thuê xe tự lái, ràng buộc bằng hợp đồng, rạch ròi trách nhiệm, tiền bạc phân minh để dễ giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Nhưng ở chiều ngược lại, không ít người khẳng định, đây không phải việc quá nhạy cảm, vấn đề nằm ở văn hóa mượn và cho mượn xe. Người mượn cần chứng minh năng lực, điều kiện cầm lái, phải đủ độ thân thiết và tạo được cảm giác tin tưởng để bạn bè, người thân giao xe.
Không nên mượn xe quá đắt tiền hoặc không phù hợp với kỹ năng của bản thân. Việc vệ sinh trong xe, rửa vỏ xe, hoàn trả xăng dầu, trả phí không dừng, hoặc chi phí sửa chữa do va quệt cũng cần được thực hiện trên tinh thần trung thực và tự nguyện.
Còn với người cho mượn, nếu cảm thấy lấn cấn, cũng nên thẳng thắn trao đổi về các điều kiện, yêu cầu với việc sử dụng xe. Kỹ tính, cẩn thận khác với ki bo, kẹt xỉ. Đừng cả nể, xuề xòa, hãy cho người mượn hiểu suy nghĩ, lo ngại của bạn, để người mượn giữ gìn chiếc xe và sẽ không dễ dãi, tùy hứng trong những lần mượn sau.
Đương nhiên, quyền quyết định ứng xử ra sao là của các bạn. Miễn là các bạn cảm thấy thoải mái, không ảnh hưởng tới mối quan hệ sau mỗi lần giao và nhận xe. Một việc tưởng nhỏ thôi, nhưng cũng là kinh nghiệm trong giao tế hàng ngày của mỗi người./.
Từ khóa: Mượn và cho mượn ô tô, lưu ý khi mượn và cho mượn ô tô, cách ứng xử khi mượn và cho mượn ô tô, Mượn và cho mượn ô tô cần lưu ý điều gì, lưu ý khi mượn ô tô, lưu ý khi cho mượn ô tô
Thể loại: Ô tô - Xe máy
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN