Muôn thuở vàng son - Tà áo dài Việt Nam
Cập nhật: 18/09/2022
Thêm 15 ứng viên trượt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024
Tạm giữ tài xế xe ben gây tai nạn liên hoàn ở Bình Dương khiến 1 người chết
(VOV5) -Dù chưa một ngày được gọi là “nghệ nhân may áo dài” nhưng nhà may Minh Tân trên phố Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế do ông Nguyễn Văn Song gây dựng gần ¾ thế kỷ đã trở thành thương hiệu lâu đời và nổi tiếng ở đất cố đô.
Đến Huế, du khách dễ dàng nhận thấy bóng dáng tà áo dài ở khắp nơi từ cầu Tràng Tiền, đến các đền đài lăng tẩm, thành quách hay những lễ hội áo dài rực rỡ sắc màu trong các kỳ festival. Với thợ may áo dài và những người dân Huế, áo dài không đơn thuần là trang phục để mặc mà quan trọng hơn là họ đang gìn giữ và tôn vinh đặc trưng của bản sắc truyền thống, tinh hoa văn hoá của người Việt.
Lễ hội áo dài trong một Festival Huế. |
Nghe âm thanh tại đây:
Gần 70 năm miệt mài với nghề may áo dài, ông Nguyễn Văn Song, năm nay đã 89 tuổi, vẫn cặm cụi, tận tình truyền nghề cho lớp trẻ chau chuốt trong từng đường kim mũi chỉ. Sự hài lòng của khách hàng là điều mà ông mong mỏi nhất.
Ông Nguyễn Văn Song có thâm niên gần 70 năm may áo dài. Ảnh: nhân vật cung cấp. |
Dù chưa một ngày được gọi là “nghệ nhân may áo dài” nhưng nhà may Minh Tân trên phố Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế do ông gây dựng gần ¾ thế kỷ đã trở thành thương hiệu lâu đời và nổi tiếng ở đất cố đô: “Tôi truyền nghề cho rất nhiều cháu rồi. Người ngày xưa làm sắc sảo hơn. Nên bây giờ, tôi bắt buộc phải làm cho cẩn thận. Như cháu Nguyễn Quốc Hòa là con tôi, nối nghiệp. Tôi bày cho bằng cách vẽ làm hộp nút thắt. Con tôi bây giờ đã nhớ và làm đẹp. Trong áo dài, đường kim mũi chỉ phải sắc sảo, đường viền cũng phải sắc sảo. Lúc xưa, tà áo úp. Họ mặc áo dài vào làm sao 4 tà úp lại vào nhau. Và vạt dưới không đánh vồng mà phải úp đều tà. Khó là khó ở đó”.
AnhNguyễn Quốc Hòa và khách hàng may áo dài. |
Với sự khéo léo, tỉ mỉ, cần mẫn, tâm huyết và đam mê, anh Nguyễn Quốc Hòa đã được người cha, ông Nguyễn Văn Song, cho nối nghiệp. Anh cũng đã theo nghề được 30 năm: “Năm 1992, bố tôi bắt đầu truyền nghề cho tôi. Tôi đã nắm hết được những gì ông truyền lại. Có những cái tôi phải phát triển thêm theo xu hướng của áo dài thời đại mới. Trong quá trình học nghề, có những kỷ niệm rất là vui. Lúc đó còn thanh niên, hay ngủ dậy muộn. 4 giờ sáng, ông thức dậy và ông dạy cho tôi từ 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Đến 7 giờ sáng ông bắt đầu làm công việc hàng ngày”.
Bà Nguyễn Khoa Diệu Huyền, một nữ sinh Đồng Khánh xưa, thường xuyên mặc áo dài bởi sự tiện lợi, dễ sử dụng mà vẫn giữ được sự trang nhã và sang trọng. Ở vào tuổi xưa nay hiếm, bà bồi hồi nhớ lại: “Trang phục áo dài truyền thống từ bao đời nay thể hiện đặc trưng cho người phụ nữ Việt Nam và đặc biệt là với người Huế. Trước năm 1975, áo dài mặc khắp nơi ở thành phố này. Có những người buôn thúng, bán mẹt cũng mặc áo dài. Họ cho rằng mặc như vậy là đàng hoàng, lịch sự hơn”.
Áo dài Huế hình thành từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế. Do đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày trong đời sống đương đại. Theo bà Nguyễn Khoa Diệu Huyền, trong tủ quần áo của phụ nữ Huế, ai cũng có một vài bộ áo dài: "Tôi may mắn làm nghề dạy học. Cho nên đến trường, tôi vẫn mặc áo dài để duy trì nét đẹp người phụ nữ Huế, người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời để cho học sinh nhớ đây là tà áo mà chúng ta cần phải giữ gìn. Tôi tự hào ký giả nước ngoài gọi thành phố Huế là thành phố áo dài".
Các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế từ nhiều năm trở lại đây đều có Lễ hội áo dài, khẳng định giá trị của áo dài Việt Nam. Ở Huế, tà áo dài không chỉ tung bay trong các dịp tựu trường, lễ, tết như các địa phương khác mà được mặc quanh năm, làm đồng phục tại nhiều trường học, cơ quan, công ty. Du khách đến Huế quen thuộc với hình ảnh các tà áo dài thướt tha: “Bây giờ các em đi thăm Đại nội và các nơi thấy mặc áo dài theo kiểu xưa. Tà áo thẳng, áo may theo kiểu xưa, những người tiền bối của tôi. Như thế tôi cũng mừng vì em đã tìm về nét xưa. Tìm về nét xưa của dân tộc là điều đáng quý”.
Anh Dương Quang Trí cho biết, trong ngày cưới, hai vợ chồng anh không chọn veston mà quyết định chọn áo dài, khăn đóng xứ Huế. Vì bộ trang phục này mang vẻ đẹp truyền thống của cha ông để lại. |
Qua đôi bàn tay cắt may tinh tế, tài hoa duy trì nghề truyền thống của người thợ xứ Huế, hiện nay, áo dài Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Du khách trong nước, kiều bào hay khách quốc tế đến thăm xứ Huế mộng mơ không quên may cho mình một vài bộ áo dài để tôn vinh nét đẹp, thần thái của người mặc đồng thời lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Nét tinh hoa của quốc phục áo dài Việt xưa và xu hướng áo dài trong đời sống đương đại hôm nay vẫn đang phát huy giá trị vốn có của nó trong thời đại mới.
Từ khóa:
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5