Muốn làm giàu nhanh từ ham mê tiền ảo, lĩnh án 8 năm tù
Cập nhật: 25/07/2023
Khởi tố nhiều giám đốc doanh nghiệp vì mua bán trái phép hóa đơn
Công an Quảng Bình khởi tố 2 phóng viên, cộng tác viên cưỡng đoạt tài sản
VOV.VN - Vì ham mê đầu tư tiền ảo, muốn làm giàu nhanh chóng, nhưng thiếu hiểu biết nên bị thua lỗ, bị cáo đã 2 lần “chiếm đoạt” tiền trái phép của 3 tổ chức và cá nhân, lĩnh án 8 năm tù khi vừa tròn 30 tuổi.
2 lần tự ý nhận tiền đặt cọc của khách mua xe ô tô
Phan Tấn Phúc (quê quán tỉnh Khánh Hòa) là nhân viên của Chi nhánh BMW Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, Quận 7, TP Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ tư vấn giới thiệu, bán xe ô tô hiệu BMW cho khách hàng. Quá trình làm việc, Phúc đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của khách hàng và của Chi nhánh BMW Phú Mỹ Hưng.
Vụ thứ nhất, ngày 20/12/2020, Phúc tự ý nhận của khách hàng Nguyễn Văn Hùng số tiền 100 triệu đồng tiền mặt với cam kết là tiền đặt cọc mua 01 xe ô tô BMW 530i trị giá hơn 2,7 tỷ đồng; đến ngày hôm sau, 21/12, Phúc đến nhà ông Hùng ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh yêu cầu đưa thêm 100 triệu tiền mặt để đặt cọc xe, ông Hùng đồng ý và có hỏi về phiếu thu nhưng Phú nại ra lý do đang trên đường đi công tác nên tiện ghé vào lấy tiền mà không mang theo phiếu thu.
Sau khi nhận 200 triệu đồng của ông Hùng nhưng Phú đã không nộp, không báo cho Chi nhánh BMW biết, mà báo cho ông Hùng sẽ thanh toán 30% giá trị hợp đồng vào ngày ký kết hợp đồng mua xe.
Ngày 24/12/2023, Phúc đem các giấy tờ, hợp đồng mua bán xe đến nhà ông Hùng để ông Hùng xem, ký.
Sau khi ký hợp đồng mua bán xe ô tô BMW 530i trị giá hơn 2,7 tỷ đồng, Phúc yêu cầu ông Hùng chuyển khoản vào tài khoản của Chi nhánh BMW Phú Mỹ Hưng số tiền 829 triệu (tương đương 30% giá trị xe), và ký tiếp một hợp đồng dịch vụ về việc Chi nhánh BMW Phú Mỹ Hưng sẽ thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu xe cho ông Hùng, trị giá 314 triệu đồng.
Với số tiền hợp đồng dịch vụ 314 triệu đồng, Phúc yêu cầu ông Hùng chuyển vào tài khoản cá nhân Phúc để anh ta đi làm dịch vụ.
Sau khi nhận tiền, Phúc tiếp tục không nộp, không thông báo cho Chi nhánh BMW biết mà lại nói ông Hùng sẽ thanh toán tiền dịch vụ khi nhận bàn giao xe, nên Chi nhánh BMW đã ứng trước ra số tiền 314 triệu để làm dịch vụ đăng ký xe cho ông Hùng.
Đối với số tiền 200 triệu Phúc nhận đặt cọc trước đó, Phúc nói dối với ông Hùng là Chi nhánh BMW sẽ hoàn lại cho ông Hùng khi nhận bàn giao xe. Tổng cộng, Phúc đã nhận tiền trái phép của ông Hùng là 515 triệu đồng.
Vụ thứ 2, ngày 29/11/2020, gia đình ông Đoàn Đức Đẩu ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đến Chi nhánh BMW Phú Mỹ Hưng và được Phúc tư vấn chọn mua một xe ô tô BMW 730Li trị giá hơn 4,3 tỷ đồng; đến ngày 30/11/2023, Phúc điện thoại yêu cầu ông Đẩu chuyển khoản đặt cọc 10% giá trị xe, ông Đẩu đã chuyển vào tài khoản cá nhân của Phúc 450 triệu đồng.
Sau khi nhận tiền từ ông Đẩu, Phúc chỉ trích ra 50 triệu đồng để đề xuất Chi nhánh BMW lập hợp đồng mua bán xe ô tô BMW 730Li trị giá hơn 4,3 tỷ đồng, và hợp đồng dịch vụ đăng ký quyền sở hữu xe cho ông Đẩu trị giá hơn 511 triệu đồng.
Ngày 07/12/2020, Phúc yêu cầu ông Đẩu chuyển hơn 511 triệu đồng tiền hợp đồng dịch vụ đăng ký xe vào tài khoản của Phúc; tiền mua xe còn lại thì ông Đẩu chuyển vào tài khoản của Chi nhánh BMW.
Ngày 07/01/2021, ông Đẩu yêu cầu Phúc giao xe ngay vì ông đã thanh toán hết mọi khoản tiền, lúc này Phúc lo sợ bị phát hiện đã chiếm đoạt 450 triệu tiền đặt cọc nên đã nói dối lãnh đạo Chi nhánh BMW là ông Đẩu sẽ thanh toán 450 triệu còn lại khi nhận bàn giao xe. Đến ngày 09/01/2021, Chi nhánh BMW đồng ý xuất xe cho Phúc đi giao cho ông Đẩu.
Ngày 13/01/2021, Phúc đến nhà ông Đẩu bàn giao hồ sơ xe và nói dối là số tiền hơn 511 triệu đồng tiền dịch vụ đăng ký xe của ông Đẩu do Chi nhánh BMW trục trặc nên chưa giải ngân cho Phúc đi làm đăng ký xe, và Phúc đề nghị ông Đẩu ứng trước để Phúc đi làm, ông Đẩu không đồng ý…
Cùng lúc này, Chi nhánh BMW phát hiện ông Đẩu đã nhận xe nhưng không thanh toán đầy đủ tiền mua xe và biết Phúc đã tự ý nhận tiền mua xe, tiền làm dịch vụ tổng số tiền hơn 961 triệu đồng của ông Đẩu từ trước, và chiếm đoạt của khách hàng Hùng 515 triệu (trong vụ thứ nhất) nên đã trình báo công an.
Tổng cộng, Phan Tấn Phúc đã chiếm đoạt của 2 khách hàng và Chi nhánh BMW Phú Mỹ Hưng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Số tiền trên, Phúc đã sử dụng đầu tư vào trang mạng tiền ảo “Binomo” và bị thu lỗ hết, không có khả năng hoàn trả.
8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Ngày 08/9/2022, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa Phan Tấn Phúc ra xét xử sơ thẩm với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện VKS Nhân thân TP Hồ Chí Minh đã giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Phan Tấn Phúc với tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Phúc từ 12 đến 14 năm tù giam.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo tại tòa, Luật sư đã đưa ra các chứng cứ đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phúc, như: bị báo có thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải; sau khi sự việc bị phát hiện, bị cáo đã thông qua gia đình nộp lại số tiền đã chiếm đoạt để khắc phục hậu quả; bị cáo được hai bị hại là khách hàng có đơn xin giảm nhẹ một phần hình phạt; bị cáo có thân nhân tốt, lần đầu phạm tội, theo đó cần áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 để giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX thấy rằng, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 Bộ luật hình sự nên HĐXX xét cần áp dụng thêm Điều 54 Bộ luật hình sự đối với bị cáo cho bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Từ những lý lẽ bào chữa của Luật sư và nhận định của tòa án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Tấn Phúc 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”./.
Từ khóa: lừa đảo, tiền ảo binomo, đặt cọc
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: ctv vững nguyễn/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN