Mức tăng trưởng ấn tượng năm 2020 là nền tảng vững chắc cho sự phát triển giai đoạn tới

Cập nhật: 07/01/2021

(VOV5) -Bất chấp những tác động nặng nề trên phạm vi toàn cầu của đại dịch Covid-19, trong năm 2020, Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 2,91%, thuộc top đầu thế giới.

Theo các chuyên gia, kết quả ấn tượng này có sự đóng góp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, và quan trọng hơn hết là dựa trên nội lực thực có của Việt Nam. Đó chính là nền tảng vững chắc để kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng ổn định trong giai đoạn tới.

Đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng GDP năm qua là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 53%, một lần nữa khẳng định công nghiệp chế biến, chế tạo chính là lĩnh vực có vai trò chủ chốt, dẫn dắt nền kinh tế. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng huy động được thêm 20% nguồn vốn, còn khối doanh nghiệp vẫn có hơn 135 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, dù giảm về số lượng nhưng vốn đăng ký bình quân lại cao hơn tới 32,3% so với năm 2019. Quan trọng hơn, có tới 81% doanh nghiệp cảm thấy lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Mức tăng trưởng ấn tượng năm 2020 là nền tảng vững chắc cho sự phát triển giai đoạn tới - ảnh 1Sự thành công của các quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, trở thành nước có thu nhập cao là bằng chứng cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo là con đường phát triển, là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.- Ảnh minh họa/ Bộ Công thương

Đây được coi là những tín hiệu, chỉ dấu quan trọng đối với sự tăng trưởng ổn định, vững chắc của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nhìn nhận:“Tình hình Covid-19 chung, mọi nền kinh tế lớn tăng trưởng âm hoặc bằng không đã là mừng. Thế mà nền kinh tế của chúng ta đạt được tới tốc độ cao Top đầu thế giới. Trong khủng hoảng của toàn cầu mà đạt được kết quả này thì chúng ta đã có lực để sẵn sàng vươn ra hội nhập kinh tế toàn cầu. Điều đó không phải là kỳ vọng, ảo tưởng hay quá tô hồng vẽ phấn, mà bởi chúng ta nhìn thấy nhịp độ phát triển trên thực tế”.

Nhiều chuyên gia khẳng định việc điều chỉnh lãi suất linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 đã tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi nhanh và giúp thị trường chứng khoán huy động được thêm 20% nguồn vốn, là một trong những giải pháp đóng góp nhiều nhất cho mức tăng trưởng GDP. Đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục chứng minh vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi thiết lập kỷ lục xuất siêu mới với 19,1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Việt Phong – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho rằng, kết quả khả quan này là động lực quan trọng để kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt trong những năm tới:“Con số xuất siêu 19 tỷ USD cho chúng ta thấy Việt nam đã tận dụng được những lợi thế của Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) với nhiều sản phẩm được ghi nhận ở thị trường khó tính EU. Điều này sẽ tác động tới tỷ giá hối đoái-tỷ giá ngoại hối, là động lực cho Việt Nam trong năm 2021, 2022 và giai đoạn tiếp theo”.

Cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, khống chế tốt lạm phát và quan trọng hơn cả là có chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đưa ra chỉ tiêu phấn đấu vượt mức tăng GDP 6% năm 2021 mà Quốc hội đặt ra.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, mức tăng trưởng, kinh tế Việt Nam, kiểm soát dịch bệnh, khống chế lạm phát, GDP, Vụ Thống kê thương mại, tình hình Covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập