Mục sư người Mỹ: Nhà thờ Tin Lành và Công giáo tại Việt Nam đều rất phát triển

Cập nhật: 13/12/2024

VOV.VN - Mục sư người Mỹ Bob Roberts nhận xét: Khi tôi đến thăm các nhà thờ ở Việt Nam, tôi rất ấn tượng. Nhà thờ Tin Lành và Công giáo tại Việt Nam đều rất phát triển.

12 mục sư Tin lành quốc tế do mục sư Bob Roberts, Chủ tịch Viện Liên kết Toàn cầu (IGE/Mỹ) làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 01 – 06/12/2024. Mục đích chuyến thăm của đoàn là tìm hiểu về chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo; học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam.

Trong thời gian ở thăm Việt Nam, đoàn có buổi gặp, làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Chính phủ; thăm điểm nhóm Tin lành Aquila (Quốc Oai, Hà Nội) và Hội thánh Tin lành quốc tế (HIF) (có trụ sở tại phố Tôn Thất Thuyết, Hà Nội). Nhân dịp này, Mục sư Bob Roberts đã có cuộc gặp với báo chí Việt Nam, chia sẻ những cảm nhận tích cực của cá nhân ông và các thành viên trong đoàn về bức tranh tôn giáo ở Việt Nam nói chung, trong đó có sinh hoạt tôn giáo của những tín đồ Tin lành. 

“Mỗi lần tới thăm các nhà thờ ở Việt Nam với tôi luôn là một trải nghiệm tích cực”

PV: Xin chào mục sư Bob Roberts, ông đã đến Việt Nam lần đầu từ khi nào và ông có thể giới thiệu về tổ chức của mình?

Mục sư Bob Roberts: Tôi đã đến Việt Nam lần đầu tiên từ năm 1995 và hiện tôi lãnh đạo hai tổ chức hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức đầu tiên là Global Ventures, một tổ chức kết nối con người dựa trên công việc của họ, ví dụ như giáo viên kết nối với giáo viên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kết nối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Chúng tôi xây dựng cầu nối, giao lưu giữa các dân tộc và công việc nhân đạo.

Tổ chức thứ hai là Viện Liên kết Toàn cầu IGE (Institute for Global Engagement). Tổ chức này tập trung vào tự do tôn giáo trên toàn cầu và chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2004. Tôi đã quay lạiViệt Nam sau 20 năm và đang đưa một nhóm các mục sư quốc tế đến đây để họ thấy những tiến bộ mà đất nước này đạt được và Việt Nam thực sự trở thành quốc gia kiểu mẫu cho phần còn lại của thế giới trong việc sáng tạo, tìm ra giải pháp thay đổi.

PV: Trở lại Việt Nam lần này, mục đích chính của ông và đoàn là gì?

Mục sư Bob Roberts: Thứ nhất, có rất nhiều người thuộc Cơ đốc giáo trên thế giới. Việt Nam có một cộng đồng lớn các tín đồ Công giáo, Tin Lành, Tin lành Phúc âm và nhiều nhánh Cơ đốc giáo khác.

Chúng tôi mong muốn kết nối với cộng đồng Cơ đốc giáo toàn cầu. Vì vậy, đoàn chúng tôi tập hợp nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo từ Ấn Độ, Indonesia, Australia và nhiều quốc gia khác trên thế giới để kết nối với Giáo hội công giáo ở Việt Nam, để chứng kiến sự truyền dạy về Chúa ở đây, về các nhà thờ và muốn gặp gỡ các cơ quan chức năng ở Việt Nam có liên quan.

Chúng tôi cũng muốn nhân cơ hội này đưa các mục sư quốc tế đến và chứng kiến sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam thực sự là một đất nước tuyệt vời. Khi tôi đến đây 30 năm trước, chỉ có xe đạp và vài chiếc xe máy, còn bây giờ đã có ô tô, rất nhiều xe máy và không còn xe đạp nữa. Vì vậy, tôi muốn họ đến đây để chứng kiến sự phát triển của Việt Nam và gặp gỡ cộng đồng Cơ đốc giáo tại Việt Nam.

Mỗi lần tới thăm các nhà thờ ở Việt Nam với tôi luôn là một trải nghiệm tích cực. Nhà thờ ở Việt Nam rất sôi động, phát triển và đạt được nhiều thành tựu tuyệt vời. Chúng tôi được nghe kể về các nhà thờ ở Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới.Và khi tôi đến thăm các nhà thờ ở Việt Nam, tôi rất ấn tượng vì họ hiểu rõ Kinh Thánh, tin vào Kinh Thánh và sống theo Kinh Thánh cũng như có nền tảng Kinh Thánh vững chắc.

Tôi ấn tượng khi thấy họ muốn tham gia vào cộng đồng tôn giáo và trở thành những công dân tốt, đóng góp giá trị cho sự thịnh vượng của Việt Nam. Nhà thờ Tin Lành và Công giáo tại Việt Nam đều hoạt động mạnh mẽ. Tôi đã có cơ hội gặp Đức Giáo Hoàng nhiều lần và một lần chúng tôi có cuộc trò chuyện dài về Việt Nam vì đây là đất nước có rất nhiều tín đồ Công giáo (hơn 7 triệu tín đồ- PV). Và tôi đã khuyến khích ngài: "Ngài cần đến thăm Việt Nam vì Giáo hội ở đó rất phát triển, sống động".

Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết những thách thức liên quan tôn giáo  

PV: Ông nhận xét thế nào về cách mà Chính phủ Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo?

Mục sư Bob Roberts: Về cách Chính phủ Việt Nam làm việc trong lĩnh vực tôn giáo, tôi có thể nói rằng họ đang làm rất tốt. Kể từ năm 2001, đã có nhiều đạo luật được ban hành nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo, bảo vệ các nhà thờ và tổ chức tôn giáo, không chỉ Cơ đốc giáo mà còn cả các tôn giáo khác như Phật giáo.

Điều tôi thích ở Chính phủ Việt Nam là họ sẵn sàng đối mặt với những thử thách. Tự do tôn giáo là vấn đề mà tất cả chúng ta phải nỗ lực. Ngay cả ở Mỹ, chúng tôi cũng phải đối mặt với vấn đề Islamophobia (kỳ thị Hồi giáo) hay chống lại chủ nghĩa bài trừ người Do Thái. Đôi khi có những thách thức trong việc xây dựng nơi thờ tự. Vì vậy, ở đâu cũng có thử thách. Điều tôi yêu mến ở Chính phủ Việt Nam là họ luôn sẵn sàng giải quyết những thách thức đó. Và nếu bạn hỏi các tín đồ Tin lành, Tin lành Phúc âm và Công giáo tại đây, họ sẽ nói rằng, dù có khó khăn nhưng họ đều có thể thực hành đức tin của mình một cách tự do và công khai. Đôi khi, họ gặp một vài trở ngại là do chính quyền cấp cơ sở chưa hiểu rõ về luật.

Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là khi những vấn đề đó phát sinh, chúng ta cần phản hồi nhanh chóng. Việt Nam đã làm điều đó rất tốt. Và tôi cũng đã chia sẻ với Chính phủ và Bộ Ngoại giao Mỹ về những thay đổi mà Việt Nam đã thực hiện. Nhiều nhà ngoại giao Mỹ làm việc trong lĩnh vực tự do tôn giáo đều công nhận rằng Việt Nam đã có những bước tiến lớn, không giống như nhiều quốc gia khác, để giải quyết những thử thách đó.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về tự do tôn giáo ở Việt Nam?

Mục sư Bob Roberts: Khi nhìn vào sự tiến bộ của tự do tôn giáo ở Việt Nam, bạn phải nhìn nhận và thấu hiểu từ một góc độ lịch sử. Cơ đốc giáo không phổ biến ở Việt Nam cho đến đầu thế kỷ 20. Sau đó, các nhà truyền giáo đến đây và bắt đầu lan rộng tôn giáo này.

Vào thời gian đầu, nhiều người nhìn nhận Cơ đốc giáo ở Việt Nam như một tôn giáo ngoại lai và cũng có những ngờ vực nhất định. Tôi thấu hiểu điều đó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đều phải học hỏi và xây dựng niềm tin với nhau. Các đạo luật đầu tiên về đạo Tin lành ra đời vào năm 2001 đã đơn giản hóa và đưa ra những thay đổi mới. Các khung pháp lý đầu tiên là những bản lề tối thiểu để tối ưu hóa sự hiểu biết.

Với tư cách là những tin đồ Cơ đốc giáo, chúng tôi có trách nhiệm giải đáp để người dân Việt Nam hiểu rằng, mối quan tâm của chúng tôi là chia sẻ về Chúa Jesus và giúp cho những người muốn đi theo Ngài có thể thoải mái theo đạo.

Chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ hợp tác thông qua việc trao đổi và mời các chuyên gia pháp lý đến từ Mỹ hoặc các nơi khác trên thế giới đến Việt Nam để học hỏi và trao đổi lẫn nhau. Tôi nghĩ Việt Nam đã có sự tiến bộ rất tốt trong việc này. Và các bạn vẫn tiếp tục tiến bộ. Khi tôi phát biểu tại các hội nghị trên toàn thế giới, tôi kể cho họ nghe câu chuyện của Việt Nam. Tôi cố gắng mời các nhà ngoại giao Việt Nam tham gia để kể câu chuyện. Tôi muốn các mục sư Việt Nam đến vì họ sẽ nói về những thay đổi mà họ đã thực hiện được.

PV: Ông có cảm nhận thế nào về không khí Giáng Sinh ở Việt Nam hiện nay?

Mục sư Bob Roberts: Có hai ngày lễ quan trọng nhất đối với Cơ đốc giáo là Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Giáng Sinh là ngày Chúa Jesus ra đời. Lễ Phục Sinh là ngày chúng tôi tin rằng Ngài đã chết trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta và hồi sinh để loài người được đặc xá và tha thứ. Vì vậy, việc đến Việt Nam trong dịp trở lại sau gần 30 năm thật sự rất thú vị. Khi tôi đến Việt Nam cách đây gần 30 năm gần như không có gì để kỷ niệm hay trang trí cho Giáng Sinh. Sau đó dần dần người ta bắt đầu treo những ông già Noel nhỏ. Giờ đây, có thể thấy cây thông Giáng Sinh ở khắp nơi, các quang cảnh Giáng Sinh được tái  hiện, đèn Giáng Sinh, các buổi lễ Giáng Sinh…

Ở Mỹ, mọi người thường ra ngoài lái xe và ngắm nhìn những ánh đèn Giáng Sinh lung linh. Khi vợ chồng tôi khi lái xe quanh Việt Nam vào ban đêm, chúng tôi rất thích thú trước những ánh đèn được trang trí lung linh. Khung cảnh này với tôi giống như ở nhà vậy.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ khóa: mục sư , mục sư người Mỹ, viện liên kết toàn cầu,tự do tôn giáo

Thể loại: Nội chính

Tác giả: quốc phong/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập