Mức độ nguy hiểm của Mỹ qua vụ ám sát tướng Iran bằng tên lửa

Cập nhật: 07/01/2020

VOV.VN - Mỹ vừa bất ngờ dùng tên lửa ám sát 1 viên tướng Iran, qua đó chứng tỏ sự lợi hại của lực lượng quân sự Mỹ và mức độ khó lường của chính quyền Trump.

Đòn đánh tàn độc và lạnh lùng

Chỉ trong giây lát, chiếc xe chở tướng Iran Qassem Soleimani đã bốc cháy ngùn ngụt vào rạng sáng ngày 3/1/2020 (giờ địa phương) ở khu vực lối ra của Sân bay Quốc tế Baghdad (Iraq). Hai quả tên lửa Hellfire của Mỹ đã xé nát viên tướng kỳ cựu này cùng một viên chỉ huy của lực lượng dân quân Iraq thân Iran.

muc do nguy hiem cua my qua vu am sat tuong iran bang ten lua hinh 1
Một trong 2 chiếc xe trong đoàn xe chở tướng Iran Soleimani bị cháy rụi và méo mó sau khi trúng tên lửa Hellfire của Mỹ trong vụ ám sát. Ảnh: Daily Mail.

Ngoài mục tiêu Soleimani (người phụ trách lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran), cuộc không kích này còn đoạt thêm mạng của khoảng 8 người nữa, theo thông tin từ Iran.

Quân đội Mỹ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng thống Trump, đã ra tay tàn độc và bất ngờ. Tổng thống Trump không tiết lộ trước về kế hoạch này cho đồng minh. Bản thân Iran cũng dường như không phòng bị trước đòn đánh này.

Phương thức ám sát lần này khai thác sở trường của quân đội Mỹ và quân đội Israel: Phi cơ không người lái (UAV) loại chuyên cho nhiệm vụ chiến đấu, có khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu bằng cách phóng đi tên lửa có dẫn đường.

Bộ chỉ huy đặc biệt của Mỹ, dựa trên các thông tin tình báo, đã phối hợp điều khiển UAV bám sát mục tiêu và ra đòn đúng thời điểm, khi chiếc xe chở Soleimani chuẩn bị rời khỏi sân bay. Lực lượng ra đón Soleimani là dân quân Iraq chứ không phải là quan chức trong chính phủ Iraq và xung quanh đoàn xe đón Soleimani khi ấy không có dân thường.

Mọi thứ diễn ra gọn ghẽ và đầy lạnh lùng. Ông Trump đã định án tử hình trước cho Soleimani, còn quân đội Mỹ răm rắp làm theo. Từ một vị trí bí mật nằm cách xa nơi tác chiến của máy bay, các kỹ thuật viên Mỹ điều khiển UAV rồi bấm nút khai hỏa tiêu diệt mục tiêu y như trong một trò chơi điện tử chiến tranh – một game đẫm máu thực sự.

Một điều đặc biệt nữa là sau khi đã tiến hành trót lọt phi vụ này, quân đội và chính quyền Mỹ đã công khai nhận trách nhiệm về vụ không kích, thậm chí còn khẳng định rõ ràng rằng Lầu Năm Góc đã tiến hành tấn công mục tiêu theo lệnh trực tiếp từ Tổng thống Mỹ Trump.

Cuộc không kích này còn táo tợn ở chỗ nó diễn ra trên đất Iraq, trái với thỏa thuận giữa Mỹ và Iraq, và xâm phạm chủ quyền của Iraq, theo như chính lời của các quan chức cấp cao trong chính phủ Iraq. Còn Nga cũng đã lên tiếng khẳng định rằng vụ ám sát do Mỹ tiến hành là “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế”.

Mỹ thừa biết mình đang làm gì

Rõ ràng đây không phải là một cuộc tấn công ngẫu hứng, cũng chẳng phải là một cuộc không kích vào các chiến binh thông thường. Mỹ biết, họ vừa hạ sát một viên tướng cấp cao của Iran, một người không chỉ đơn thuần là chỉ huy quân sự mà còn là nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới Iran, được người dân nước này tôn sùng. Các hành động của họ đã được tính toán kỹ và dựa trên thông tin tình báo đầy đủ và khi triển khai thì sử dụng các phương tiện hiện đại, với độ chắc chắn cao. Cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đều lên tiếng bảo vệ quyết định của Tổng thống Trump cho hạ sát tướng Soleimani.

muc do nguy hiem cua my qua vu am sat tuong iran bang ten lua hinh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và tướng Iran Qassem Soleimani. Ảnh: People.

Sau khi tin tức về vụ tấn công được lan truyền rộng rãi, hành động của Tổng thống Trump mặc dù vấp phải sự phản đối từ nhiều thành viên đảng Dân chủ nhưng đồng thời cũng được rất nhiều đảng viên Cộng hòa cổ xúy. Có vị thượng nghị sĩ Mỹ còn lên truyền hình nhiệt tình bày tỏ sự ủng hộ cho hành vi giết chóc này. Nghĩa là, việc ông Trump quyết định giết hại một viên tướng Iran trên đất Iraq có cơ sở ủng hộ không hề nhỏ trong hệ thống chính trị Mỹ.

Động cơ của ngài Trump và ê-kíp?

Theo các tuyên bố bề mặt của chính quyền Mỹ, họ quyết định giết Soleimani là vì ông này trực tiếp hoặc gián tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của hàng loạt lính Mỹ và dân Mỹ ở Iraq và những nơi khác kể từ năm 2003 (khi Mỹ đưa quân xâm chiếm Iraq và lật đổ Tổng thống Saddam Hussein), cũng như đứng đằng sau các vụ bắn rocket vào các căn cứ của liên quân ở Iraq, và đặc biệt là vụ hàng loạt người biểu tình xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vào tháng 12/2019. Theo Mỹ, ông Soleimani còn đáng phải chết vì đang âm mưu tổ chức thêm các cuộc tấn công đe dọa sinh mạng người Mỹ và lợi ích Mỹ (tuy nhiên chính quyền ông Trump chưa đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố này).

Có thể hiểu được phần nào các “lý do” trên do Mỹ đưa ra. Mỹ đã mất khá nhiều lính ở Iraq kể từ khi can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông này vào năm 2003. Trong vụ cơ sở ngoại giao Mỹ ở Benghazi (Libya) bị tấn công vào năm 2012, có tới 4 người Mỹ thiệt mạng, bao gồm cả Đại sứ Mỹ và các nhân viên CIA. Do đó, việc hạ sát tướng Iran có thể là để trả thù cho các lính Mỹ từng bị giết và tung ra đòn răn đe đến đối thủ của Mỹ, ngăn ngừa họ lại tấn công vào căn cứ Mỹ và Đại sứ quán Mỹ.

Nhưng vẫn có gì đó chưa ổn lắm. Vì ngay trước đòn hạ sát này, để trả đũa, Mỹ đã không kích làm hàng chục dân quân Iraq thiệt mạng. Hơn nữa, các trường hợp lính Mỹ bị giết ở Iraq đều phần lớn ở cấp thấp, chứ không ở cấp cao và có tầm ảnh hưởng tương tự như tướng Soleimani của Iran. Vả lại, khi Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq, lật đổ bất hợp pháp Tổng thống Saddam Hussein mà không có lý do chính đáng cũng như sự phê chuẩn của Liên Hợp Quốc, thì việc một bộ phận người dân Iraq nổi dậy (với sự hỗ trợ từ Iran) chống lại Mỹ, xua đuổi quân Mỹ là điều dễ hiểu.

Như vậy rất có thể sẽ có những động cơ thực chất lớn hơn đằng sau động thái giết tướng Iran. Chính quyền ông Trump nhiều khả năng đang vận dụng kế “giết gà dọa khỉ” trong binh pháp Trung Hoa xưa.

Từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại Iran, như vào năm 2018 rút ra khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (ký hồi năm 2015), rồi sau đó vây ép kinh tế Iran bằng nhiều lệnh trừng phạt. Nhưng các nỗ lực này chưa làm Iran nao núng, thậm chí còn làm cho nước này thêm quyết tâm trong việc quay lại với lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, thời gian qua, Iran đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng của mình ở Iraq.

Trước tình hình đó, có thể ông Trump và các trợ lý đã chấp nhận chơi nước cờ mạo hiểm là trừ khử tướng Iran và làm rùm beng về điều đó, nhằm gửi thông điệp hăm dọa tới giới chức Iran rằng người Mỹ sẵn sàng áp dụng cả các biện pháp cực đoan với Iran nếu Iran không chịu quy phục.

Soleimani là một viên tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc, rất khôn ngoan và cứng rắn, lại được tôn sùng ở Iran, được lòng của đông đảo dân chúng mà còn bị Mỹ “xử” như vậy thì khó đoán chắc Mỹ sẽ không dám làm gì với các quan chức cao cấp khác của Iran nếu xuất hiện cơ hội thuận lợi.

Ngoài ra trong bối cảnh bầu cử Mỹ đang tới gần, có thể đây còn là nước đi kép của đội ngũ ông Trump – họ muốn xây dựng hình ảnh một lãnh tụ Trump mạnh mẽ, cứng rắn, “nói là làm”, thực tâm và hiệu quả trong việc bảo vệ dân Mỹ và lợi ích Mỹ, từ đó gia tăng khả năng giành thêm phiếu cử tri cho ứng viên Trump. Bên Nga, chính trị gia Putin từng thành công với việc này khi quyết đoán trấn áp khủng bố và chỉ đạo can thiệp quân sự vào Gruzia để “bảo vệ công dân Nga” tại đây.

Tất nhiên với các động thái này, chính quyền Donald Trump dễ đẩy nước Mỹ bước vào một cuộc chiến nóng với Iran. Và khi đó các tập đoàn vũ khí của Mỹ (hậu thuẫn cho đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump) sẽ lại được hưởng lợi lớn. Nhưng có lẽ ông Trump sẽ lại tìm cớ để giữ cho cuộc chiến đó mang tính chóng vánh, có thể chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn vụ Mỹ không kích Syria dồn dập vào tháng 4/2018./.

Từ khóa: Mỹ ám sát tướng Iran, giết tướng Iran, Soleimani, Mỹ-Iran, chính quyền Mỹ

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập