Mua sắm sau dịch Covid-19: Tăng cung phải gắn với kích cầu
Cập nhật: 22/07/2020
VOV.VN - Muốn tăng sức mua xã hội cần phải tăng cung hàng hóa có chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng phong phú đúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid 19 đã khiến tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi đầu tư xuất khẩu tiêu dùng nội địa đều bị suy giảm mạnh, riêng lĩnh vực tiêu dùng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,8% so với cùng kì 2019 (nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm đến 5,3% so với cùng kì năm trước).
Khả năng chi tiêu hạn chế khiến lượng cầu hàng hóa có phần giảm sút. |
Đến nay, tuy dịch bệnh tuy đã cơ bản được giải quyết, song thu nhập việc làm của người lao động bị suy giảm dẫn tới sức mua của toàn xã hội cũng giảm theo. Mặt khác, các gia đình cũng đi vào tiết kiệm chi tiêu, dành những khoản dự phòng cho những việc đột xuất, từ đó dẫn tới nhu cầu có khả năng thanh toán bị suy giảm mạnh trong thời gian có dịch và sau dịch.
Trong khi đó, tiêu dùng xã hội đóng vai trò là một trong những trụ cột quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia. Nền kinh tế sản xuất ra nhiều sản phẩm nhưng sức tiêu thụ yếu sẽ tạo nên một bài toán nan giải. Câu chuyện dư thừa cục bộ của một số loại hàng hóa nông sản, thủy sản vẫn tiếp tục tái diễn, đây chính là một bài học sâu sắc cho việc tăng cung hàng hóa phải đi đôi với việc tạo sức mua, kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), những tháng đầu năm 2020, thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phân phối của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức từ dịch bệnh. Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường; những vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa… đang gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước,
“Khắc phục những khó khăn trong cung ứng và tiêu dùng nội địa sau dịch Covid-19 cần phải làm từng bước. Đặc biệt tới đây, khi Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi, việc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối, sản xuất trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối, sản xuất lớn đến từ nước ngoài vốn đã có tiềm lực rất mạnh, nguồn hàng hóa phong phú, dồi dào. Điều này có thể dẫn đến khả năng các doanh nghiệp phân phối, sản xuất trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần”, bà Nga cho biết.
Người dân có thu nhập mới tăng cầu tiêu dùng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để kích cầu nội địa sau dịch Covid-19 cần phải phát huy những tiềm năng vốn có của thị trường nội địa Việt Nam. Nhất là khi các kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, trong lúc phải cạnh tranh một cách quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Kích cầu tiêu dùng trong điều kiện thu nhập của người dân còn khó khăn là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp. |
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ rõ, muốn phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng cá nhân giai đoạn sau dịch trước hết cần phải phải tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong toàn xã hội. Trong đó, muốn tăng sức mua xã hội cần phải tăng cung hàng hóa có chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Sản xuất và phân phối nhất thiết phải lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lý nhằm kích thích chuỗi phát triển bền vững. Hàng hóa sản xuất phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, vừa giảm khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa”, ông Phú nói.
Ngoài ra, muốn kích cầu thị trường nội địa theo ông Phú cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia, bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh. Đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics,… cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường.
Bà Lê Việt Nga cũng chỉ rõ, trong Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu xây dựng và phát triển thương mại trong nước hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững; phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sản xuất và người tiêu dùng.
Để làm được điều này, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ, trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến. Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng để quản trị quan hệ khách hàng hiệu quả.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di dộng và mạng xã hội./.
Từ khóa: tiêu dùng nội địa, nhu cầu mua sắm, phân phối hàng hóa, thu nhập người dân
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN