Mua nhà đất bằng vi bằng, người dân ở Bình Dương nguy cơ mất trắng tài sản

Cập nhật: 17/01/2021

VOV.VN - Theo luật sư, việc mua nhà đất bằng vi bằng thì sẽ không được sang tên sổ đỏ. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, pháp luật không thể dựa vào vi bằng để công nhận mảnh đất, ngôi nhà đó thuộc về người mua.

Thời gian qua, tại Bình Dương đang rộ lên tình trạng giao dịch nhà đất bằng vi bằng của các văn phòng thừa phát lại. Tuy nhiên khi sự cố xảy ra, họ mới vỡ lẽ, bởi giá trị pháp lí của vi bằng trong mua bán nhà, đất là “con số 0”.

Ăn ngủ không yên vì mua nhà bằng vi bằng

Những ngày gần đây, 12 hộ dân sống trong một khu nhà ở tại khu phố 4, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương sống trong lo lắng bởi chủ đất là ông Dương Văn Thái (32 tuổi, ngụ phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã đem sổ đất thế chấp ngân hàng và đang bị Công an tỉnh Bình Dương truy tìm với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Võ Thành Trong, một trong 12 hộ dân kể lại, năm 2019, ông Dương Văn Thái xây 12 căn nhà 1 trệt 1 lầu, diện tích từ 60-66m2 bán cho người dân thông qua hình thức vi bằng với giá từ 700-800 triệu đồng/căn. Người dân nhiều lần yêu cầu được đứng tên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà để thành người đồng sở hữu nhưng chủ đất hẹn tới hẹn lui. Cho rằng, việc mua bán nhà đất bằng vi bằng của thừa phát lại có giá trị pháp lý chắc chắn, nên người dân cũng không quá sát sao vụ chủ đất chậm trễ đưa tên vào sổ đỏ chung. Về sau mới vỡ lẽ vì chủ đất đã đem đi cầm cố ngân hàng. 

Cũng mua nhà với hình thức lập vi bằng thừa phát lại, nên giờ đây nhiều hộ dân ở phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đúng ngồi không yên khi biết UBND phường đang kiến nghị UBND thành phố Dĩ An ra quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả khu nhà mình đã mua vì xây dựng sai phép. Theo chính quyền địa phương, khu đất này vốn là đất trồng cây lâu năm, rộng 432m2.

Chủ đất là bà Nguyễn Thị Hiệp (40 tuổi, quê Bình Định) đã xin giấy phép xây dựng công trình nhà ở cấp 3 cho người lao động thuê. Sau đó, bà Hiệp bất ngờ hô biến khu đất này thành nhà ở thương mại; rồi ký hợp đồng mua bán với nhiều khách hàng dưới hình thức lập vi bằng, giấy tay. Mỗi căn nhà được bán với mức giá từ 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, một người mua nhà của bà Hiệp mong muốn được chính quyền hỗ trợ để không bị mất nhà. Theo ông Hùng, căn nhà số tiền lớn, để mua được phải tích cóp nhiều năm. Bây giờ, chính quyền không hỗ trợ đến khi xảy ra tranh chấp thì nhiều chuyện rắc rối xảy ra. Bản thân ông và gia đình giờ đi làm gì cũng không yên tâm, sợ xảy ra tranh chấp liên quan tới pháp luật.

Vi bằng chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền

Nhu cầu nhà ở tại Bình Dương hiện nay rất lớn, song mức giá bất động sản ở đây không phù hợp với đa số người dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Chính vì vậy để có một căn nhà, nhiều người đã chọn mua nhà giấy tay, lập vi bằng vì cho rằng, đây cũng là cơ sở pháp lý trong giao dịch đất đai. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật cho biết, vi bằng không thể thay thế giấy chứng nhận sở hữu đất. Bởi, Nghị định 08 năm 2002 của Chính phủ quy định, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cho nên việc mua nhà đất bằng vi bằng thì sẽ không được sang tên sổ đỏ. Khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật không thể dựa vào vi bằng để công nhận mảnh đất, ngôi nhà đó thuộc về người mua.

Thạc sĩ luật Nguyễn Văn Việt thuộc Trung tâm tư vấn pháp luật tỉnh Bình Dương cho biết, bên cạnh một số người dân không hiểu pháp luật thì cũng có trường hợp tổ chức, cá nhân cố tình đưa ra hình thức mua bán thông qua hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng hợp tác đầu tư, hay vi bằng để dụ khách hàng.

Theo luật sư Việt, bất động sản là nguồn đầu tư sinh lời kinh khủng nên có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thu hút đó và dùng mọi thủ đoạn để người dân tin theo nhằm chiếm đoạt tài sản. Rủi ro cho người mua là không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và công nhận quyền sử dụng đất đó bởi giá trị pháp lí vi bằng không có.

Mặc dù việc mua bán đất bằng vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng hình thức này đang được giao dịch rất phổ biến ở Bình Dương. Câu hỏi đặt ra là, liệu có sự bắt tay giữa văn phòng thừa phát lại với các chủ đất để hợp thức hóa hình thức mua bán đất đai cho người dân. Đây là vấn đề mà ngành chức năng ở Bình Dương cần có câu trả lời cho dư luận (?!)./.

Từ khóa: vi bằng, tranh chấp đất, người dân Bình Dương mua đất

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập