Mùa mật ngọt ở Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh

Cập nhật: 13/11/2023

VOV.VN - Những năm gần đây, nhu cầu sản phẩm an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn đã được công bố như VietGAP, GlobalGAP, organic... ngày càng tăng, đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy để sản xuất an toàn đồng thời phải hợp tác, liên kết sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Dưới cái nắng gắt, nhiều hộ dân thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vẫn đang tất bật chăm sóc những đàn ong mật. Thời gian qua, những đàn ong mật đang là chiếc phao “cứu cánh” trong phát triển kinh tế của nhiều hộ dân nơi đây. Cũng từ nghề nuôi ong lấy mật đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương.

Không cần mũ lưới, găng tay, ông Nguyễn Hữu Tương nhấc từng cầu ong lên vui vẻ cho biết, bây giờ đàn ong với ông như những người bạn thân thiết, gặp nhau hàng ngày nên cũng không sợ bị chúng đốt. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 50 đàn ong. Nếu trước kia nhà ông nuôi ong bằng cách bẫy ong tự nhiên, sau đó mang về nuôi nhưng sau vài lần khai thác mật, quy trình chăm sóc hạn chế vì vậy phần lớn ong bỏ đi. Từ khi gia đình ông thay đổi cách làm, được cán bộ khuyến nông hương dẫn kỹ thuật, chất lượng mật ong nhà ông đã tốt hơn đồng nghĩa với việc bán được giá cao hơn.

“Sau khoảng hai tháng nuôi, đàn ong của gia đình tôi đã cho thu hoạch mật ba lần, mỗi lần cách nhau 20 ngày và đạt 2 kg/đợt/đàn, giá bán khoảng 300.000 đồng/lít. Hiện nay, mật ong một phần do gia đình tự tiêu thụ còn lại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An thu mua”, ông Nguyễn Hữu Tương cho biết.

Mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng sau gần 2 tháng nuôi, đàn ong của các hộ tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phát triển tốt, ổn định đàn và đã cho khai thác được 3 đợt mật ong thơm lừng, năng suất trung bình đạt 1,8 - 2,1 kg/đợt/đàn. Dự kiến 1 năm sản lượng sẽ thu về 6 đến 7 tấn mật. Giá bán khoảng 300.000 – 350.000 đồng/lít.

Ông Trần Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc cho biết, trước đây, bà con thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc với nguồn thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, những năm gần đây chăn nuôi, trồng cây ăn quả hiệu quả không cao. Nên việc kết hợp nuôi ong lấy mật dưới tán cây vừa không mất diện tích đất bù lại có thêm nguồn thu nhập.

“Phát huy lợi thế của địa phương thì bà con nông dân đã được tập huấn, đầu tư hỗ trợ đưa vào chăn nuôi. Đây là 1 trong những mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập”, ông Trần Văn Vỹ cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An, thôn Khe Giao cho biết, hiện nay, hợp tác xã có 10 thành viên và tất cả đều tham gia dự án nuôi ong lấy mật. Các gia đình có điều kiện thuận lợi như: vườn rộng, có tán cây ăn quả, nhất là các hộ này đã từng nuôi ong lấy mật nên có nhiều kinh nghiệm. Nghề nuôi ong lấy mật đầu tư vốn ít và không vất vả nhưng khi chăm sóc, người nuôi cần sự tỉ mỉ cũng như nắm được tập tính của ong mật thì sẽ cho kết quả tốt nhất. Để tạo dựng thương hiệu mật ong trên thị trường, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An đã xây dựng bộ nhận diện sản phẩm mang thương hiệu mật ong Tâm An và đang tham gia chấm OCOP. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường đều có nhãn mác, bao bì, tem truy suất nguồn gốc.

“Chúng tôi đã thành lập hợp tác xã và đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm, chúng tôi đang tham gia sản phẩm OCOP, các sản phẩm xuất ra thị trường đều có nhãn mác”, anh Nguyễn Văn Kiên chia sẻ.

Nhằm hỗ trợ bà con tham gia hiệu quả, ngay từ khi đưa ong giống về, cán bộ khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã hướng dẫn các hộ từ việc lựa chọn địa điểm đặt tổ, giá đỡ và thường xuyên đến kiểm tra quy trình chăm sóc, thu hoạch mật, nhất là việc dưỡng đàn, giữ đàn khi thời điểm hoa ít. Theo ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, để bà con thay đổi cách làm, cán bộ khuyến nông đã không ngại đến từng hộ hướng dẫn, giảng giải, từ 1 mô hình thành công sẽ nhân rộng ra nhiều mô hình khác.

“Anh em khuyến nông hướng dẫn bà con theo hình thức cầm tay chỉ việc, khi có hiệu quả thì bà con sẽ tự động nhân rộng ra trong vùng”, ông Nguyễn Văn Trí nói.

Với sự thay đổi trong tư duy sản xuất, mô hình nuôi ong của bà con ở xã Sơn Lộc, Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao.

Từ khóa: Mùa mật ngọt, mật ong,VietGAP, GlobalGAP,chăn nuôi

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: hà phương/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập