Mua đất ở hơn 30 năm nay lại "được công nhận" đất nông nghiệp

Cập nhật: 19/08/2022

[VOV2] - Chính quyền đã cấp đất cho 89 hộ dân hơn 30 năm trước nhưng từ mục đích sử dụng là đất ở, sau một thời gian, đất của họ lại bị "hô biến" thành đất nông nghiệp.

Vào những năm 1988-1993, hệ thống hạ tầng cơ sở ở xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên), thành phố Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Để có tiền nâng cấp đường giao thông nông thôn, trường học, trạm xá, nhà trẻ…. UBND xã Ngọc Thụy tiến hành cấp đất giãn dân cho 89 hộ, có thu tiền tại địa chỉ Hồ xóm đê Gia Quất (cạnh hồ Triều Bình) cho người dân với tổng diện tích hơn 13.000m2. Ngay sau khi đất được giao, các hộ dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chính quyền sở tại. 89 hộ dân đều được cấp phiếu thu tiền, trích lục bản đồ thể hiện rõ diện tích đất ở; địa điểm: Hồ xóm Đê, Gia Quất, số thửa đất, số tờ, mốc giới… đường đi 4m. Ngay thời điểm đó và những năm tiếp theo, các hộ dân đã thực hiện đầy đủ với Nhà nước nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phần đất đã được cấp. Yên chí việc cấp đất ở giữa người dân và chính quyền đã xong, do địa thế nằm ở vùng trũng, sình lầy, 89 hộ dân đã tự đóng góp tiền để san nền, làm đường và xây ngăn mốc giới với mục đích xây nhà để ở. Thế nhưng chính quyền lại “lật kèo” khiến người dân khốn đốn.

Năm 1988, hộ ông Nguyễn Văn Quán và bà Tô Hồng Oanh mua lô đất 160m2 tại thửa đất số 107, tờ bản đồ số 38 thuộc bộ bản đồ địa chính phường Ngọc Thụy đo vẽ năm 1993-1994. Năm 2008, ông có đơn xin cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, UBND phường Ngọc Thụy đã chứng nhận về việc đã đăng ký quyền sử dụng đất số 02. Tại tờ chứng nhận nêu rõ: Mục đích sử dụng: Đất ở 160m2, địa chỉ thửa đất tại Tổ 14 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Chứng nhận này cũng đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường vào sổ số 0003, trang 03, quyển số 01, ngày 15/09/2008 do giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà Trịnh Quốc Huy ký và đóng dấu. Thế nhưng năm 2015, khi đi đăng ký đất đai, ông Nguyễn Văn Quán lại nhận được Giấy đăng ký đất đai do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Long Biên cấp lại với nội dung: Mục đích sử dụng: Đất nông nghiệp.

Không chỉ mình hộ ông Quán, rất nhiều người cũng rơi vào trường hợp tương tự. Hộ bà Phan Thị Bình và ông Chu Tuấn Hạ được cấp diện tích 148,7m2 tại Hồ xóm đê Gia Quất, phiếu thu tiền được thể hiện là ngày 06 tháng 7 năm 1988 tại thửa đất số 72 số tờ bản đồ 9A 1/500. Hàng năm, hộ bà Bình thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Từ chứng nhận năm 2008 ghi rõ mục đích sử dụng là đất ở, năm 2015, cũng mảnh đất đó, UBND quận Long Biên lại "biến" mảnh đất ở thành đất nông nghiệp.

Hộ ông Quán và bà Bình chỉ là 2 trong số rất nhiều người dân được giao đất nhưng lại nhận được 2 văn bản khác nhau, văn bản sau phủ nhận văn bản trước.

Lý do dẫn đến việc một đơn vị nhưng lại chứng nhận mục đích sử dụng đất khác nhau là do ngày 06/10/1994, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định số 361 về việc thu hồi diện tích đất cấp không đúng thẩm quyền thuộc xã Ngọc Thụy. Tuy nhiên, Quyết định lại không kèm theo danh sách đất thu hồi là của những ai, cụ thể ở đâu và hướng giải quyết.

Năm 1996, một số người dân sở tại có đơn gửi cơ quan có thẩm quyền về việc lãnh đạo thôn, xã tham ô số tiền đã bán đất cho 89 hộ. Ngày 11/10/1997, TAND thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm về việc bán đất trái pháp luật và kiến nghị UBND huyện Gia Lâm xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể của những người mua đất tại xã Ngọc Thụy để có biện pháp xử lý hành chính. Thế nhưng điều lạ lùng là ở chỗ khi xét xử, chỉ có các cán bộ đã thực hiện việc bán đất mà không hề có sự tham gia của 89 hộ dân, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Dù vậy, TAND thành phố Hà Nội vẫn phán quyết, cán bộ chính quyền phường Ngọc Thụy giai đoạn 1988 - 1993 phạm tội mua bán đất trái thẩm quyền. Đây cũng là văn bản mà UBND quận Long Biên sau này vin vào để không làm thủ tục pháp lý cho 89 hộ đã “lỡ” mua đất của UBND xã Ngọc Thụy.

Ngày 2/8/2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi sở Tài nguyên và Môi trường thành phố về việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở phường Ngọc Thụy. Tuy nhiên, 6 năm qua, sự việc vẫn dậm chân tại chỗ và rơi vào im lặng.

Điều đáng nói, toàn bộ số tiền các hộ dân đã nộp khi mua đất từ UBND xã Ngọc Thụy lên tới hơn 930 triệu đồng, một con số không hề nhỏ so với vật giá của những năm 1988 - 1993 đối với vùng ven ngoại thành, có gần 80% người dân địa phương làm nông nghiệp. Thế nhưng, sau khi có kết luận của cấp trên về việc đất bán trái thẩm quyền, chính quyền địa phương không hề có sự họp bàn với các hộ này và có hướng xử lý thích đáng. Hơn 30 năm qua, những hộ dân này chưa hề nhận được thông báo họp bàn hướng giải quyết đối với phần đất đã được cấp.

Hiện nay, UBND quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã có phương án thu hồi toàn bộ phần đất bán trái thẩm quyền của 89 hộ dân để làm các công trình, trong đó phần lớn giao cho doanh nghiệp xây nhà ở thương mại. Việc giải quyết đền bù đối với những hộ được giao đất sẽ ra sao khi những mảnh đất ở lại được hô biến thành đất nông nghiệp?

Khi sự việc còn đang lùm xùm và chưa có hướng giải quyết cụ thể, vài năm nay, phần đất của 10 hộ dân với tổng diện tích 1.563 m2 lại bị một cá nhân chiếm dụng, tự làm hàng rào cao tới hơn 2 mét vây quanh, xây dựng một số công trình kiên cố. Tất nhiên, 10 hộ dân chính chủ các thửa đất này không được vào bên trong xem đất của mình như thế nào. Rất nhiều người đặt câu hỏi: Chẳng lẽ chính quyền địa phương lại không biết một công trình ngang trái, “chềnh ềnh” trước mắt? Xin chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng và lãnh đạo UBND quận Long Biên, thành phố Hà Nội./.

 

Từ khóa: Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, đất đai, trái thẩm quyền, chính quyền, người dân, giao đất, khốn khổ

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập