Mua bán người: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu thiếu hiểu biết
Cập nhật: 19/08/2024
VOV.VN - Từ năm 2013, ngày 30/7 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày thế giới phòng, chống mua bán người. Mua bán người được xếp là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người. Tại Việt Nam, diễn biến của tội phạm mua bán người trong thời gian gần đây cho thấy, ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu như thiếu kiến thức, kỹ năng.
Dù đã trở về quê hương nhưng nhiều nạn nhân vẫn bàng hoàng, sợ hãi khi kể về quá trình bị lừa bán, bị cưỡng ép lao động, bị đánh đập dã man nơi đất khách, quê người.
Một nạn nhân chia sẻ: "Qua bên đó chủ toàn là người Trung Quốc, mình làm toàn sử dụng máy tính để dụ mấy người giàu để nạp tiền chơi game. Một tháng phải kiếm cho chủ 1-2 tỷ. Nếu không đủ họ chích điện, đánh đập mình, bán mình đi cho chủ khác."
Một nạn nhân khác cũng cho hay: "Hằng ngày, họ cấp cho bọn em mỗi đứa 10 cái Facebook, mình lập xong mình tải Facebook của người khác về, lập thành Facebook của mình xong đi chào mời, nhắn các đường link cờ bạc trên hội nhóm lừa người ta vào chơi cờ bạc. Nó áp đặt sản lượng, nếu không có khách vào chơi là bị đánh bằng dây lưng, bị phạt ăn cơm trắng, phạt tăng ca, phạt đứng nắng."
Theo Bộ Công an, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi sảo quyệt. Đáng chú ý, tình hình mua bán người trên các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào diễn biến hết sức phức tạp. Nếu như trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thì hiện nay các nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều. Địa bàn mua bán người cũng thay đổi, có xu hướng dịch chuyển vào các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: "Xuất hiện phương thức thủ đoạn mới là giả nhận làm con nuôi để thực hiện hành vi mua bán người. Tội phạm mua bán người chỉ tính 6 tháng đầu năm 2024 xảy ra 39 vụ chiếm chỉ 0,1 % cơ cấu tội phạm thôi, tuy nhiên tăng 18,2% so với cùng kỳ. Cả nước đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này."
Các đối tượng buôn người đã triệt để lợi dụng công nghệ cao để lôi kéo dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội, các tài khoản ảo, bằng các chiêu trò kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có,... Sau đó, các đối tượng này tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.
Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng Phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho biết, tội phạm mua bán người gây ra những hậu quả hết sức nặng nề đối với nạn nhân: "Tất cả các nạn nhân bị mua bán đều rơi vào tình trạng bị bóc lột, bị cưỡng bức lao động, cưỡng bức tình dục. Khi trở lại rất nhiều người bị sang chấn tâm lý. Đa số bị mặc cảm tự ti. Bởi người ta đã trải quan rất nhiều trải nghiệm đau buồn. Khi họ trở về Việt Nam thì việc tái hòa nhập cộng đồng là vấn đề khó khăn. Bởi vì có những người phải bỏ ra một số tiền chuộc rất lớn. Vì thương con, có những gia đình phải thế chấp cả nhà cửa để nộp tiền chuộc."
Từ thực tiễn chỉ đạo triệt phá các chuyên án, đường dây tội phạm mua bán người, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cảnh báo: "Tất cả chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Bởi nó xuất phát từ thủ đoạn của các đối tượng đánh vào tâm lý, nhận thức của nhân dân còn hạn chế. Việc nhẹ lương cao, thiên đường nơi xứ người. Vì thể mỗi người dân phải nâng cao nhận thức về xã hội, về công việc. Không có việc nhẹ, lương cao, không có cái gì miễn phí cả. Phải chăm chỉ trong cuộc sống, chúng ta phải lao động và yêu mến quê hương. Quê hương là nơi chúng ta phải gắn bó, không ở đâu là thiên đường cả."
Mua bán người là một trong những tội phạm xâm hại nghiêm trọng đến quyền con người. Dù các lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống, nhưng danh sách nạn nhân của những kẻ buôn người vẫn chưa dừng lại. Để tránh mắc bẫy "việc nhẹ, lương cao", mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những chiêu trò của tội phạm, đồng thời cảnh báo cho cả những người thân của mình.
Từ khóa: Cạm bẫy, việc nhẹ, lương cao,Liên hợp quốc,phòng chống mua bán người,mua bán người,lừa bán,cưỡng ép lao động
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: quang chính/vov1
Nguồn tin: VOVVN