Mua bán đất mặt ruộng ở xứ Gò - cảnh báo lợi ít, hại nhiều

Cập nhật: 20 giờ trước

VOV.VN - Cứ vào mùa khô hạn như hiện nay, khi cánh đồng vùng ngọt hóa Gò Công (một phần của huyện Chợ Gạo và các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và thành phố Gò Công), tỉnh Tiền Giang thường xuất hiện tình trạng mua, bán đất mặt ruộng. Điều đáng nói là việc mua bán tài nguyên này mang tính tự phát

 

Việc mua bán đất mặt ruộng ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã xảy ra nhiều năm qua khi vào mùa khô hạn, hết vụ mùa, mặt ruộng “nứt nẻ chân chim” thì không ít nông dân vùng Gò Công bán đi một lớp đất mặt ruộng để vừa có thêm nguồn thu nhập và làm cho mặt ruộng trũng, thấp hơn để dễ dàng bơm, lấy nước từ kênh nội đồng vào ruộng. Gần đây, khi nguồn cát lấp khan hiếm, giá cao thì đất mặt ruộng còn phục vụ cho việc san lấp mặt bằng nên đất mặt ruộng công dụng hơn. 

Một nông dân ở huyện Gò Công Đông chứng kiến nhiều trường hợp bán đất mặt ruộng cho biết: “Có rất nhiều trường hợp bán đất. Dân nói do ruộng trũng quá làm lúa thất thu, hay bán lấy tiền xài, một công đất bán đến 5 triệu đồng, sướng lắm. Đất trũng làm ruộng tiết kiệm nước, năm nay bán ít đó chứ mấy năm trước bán nhiều lắm. Người này bán, người kia cũng bán, hết cánh đồng xã luôn, chính quyền xã biết có lên ngăn rồi cũng xong thôi”.

Có mặt tại ấp Thanh Nhung 2, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông vào ngày 25/3, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều phương tiện như: xe máy cày, xe ben thậm chí xe ba bánh… liên tục chở đất mặt ruộng về nơi tập kết.  Các “thương lái’ mua đất của nông dân tại ruộng với giá 3-5 triệu đồng/công (1.000 mét vuông) sau đó bán lại cho các hộ có nhu cầu với giá cao hơn kiếm lời.

Bà Đặng Thị Khánh, nông dân xã Phước Trung cho rằng, việc bán đất mặt ruộng đã làm cho ruộng hộ kế bên bị “gò” không thể làm lúa được, nhất là vào vụ Đông Xuân bơm nước vô sẽ chảy ra đám ruộng trũng thấp: “Không phải họ bán đất vì lợi nhuận mà do cao quá, gò quá nên họ bán đất nên ảnh hưởng người kế bên không làm lúa được, khi bơm nước vô tràn qua bên ruộng đó hết. Như ruộng nhà tôi phải lên gò luôn, làm lúa không được”.

Theo Sở Nông nghiệp- Môi trường Tiền Giang, việc khai thác đất mặt ruộng áp dụng gần như đối với khoáng sản, nếu khai thác phải có nằm trong quy hoạch. Các trường hợp khai khác  đất mặt ruộng tại vùng Gò Công đều không có giấy phép. Sở NN-MT tỉnh Tiền Giang đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp các địa phương kiểm tra, đề xuất hướng xử lý theo quy định.

Từ đầu mùa khô đến nay, có nhiều  địa bàn xảy ra tình trạng mua, bán đất thu lợi như xã Kiểng Phước, Gia Thuận, Phước Trung (huyện Gò Công Đông), Bình Đông (TP. Gò Công), Bình Tân, Long Bình, Đồng Thạnh (Gò Công Tây). Tại các thửa ruộng này, có xe máy cày, xe xúc, xe ben... thực hiện các công đoạn cào xới và xúc đất lên xe chở đến nơi tiêu thụ.

Điều đáng nói là từ trước đến nay, chính quyền và ngành chức năng địa phương còn có biểu hiện lơ là, chưa kiên quyết xử lý  tình trạng mua, bán đất mặt ruộng trái phép. Ông Dương Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông - địa phương là một trong số các “ điểm nóng” xảy ra nhiều trường hợp mua bán đất mặt ruộng thừa nhận.

“ Chúng tôi đã mời các chủ xe chở đất 2 lần trong hơn 1 tháng nay, đã ra quyết định xử phạt 4-5 trường hợp kể cả việc tự ý bắc cầu qua kênh nữa. Có nhiều trường hợp bán đất, cải tạo đất có làm đơn xin và không làm đơn. Nói chung UBND xã xử lý quyết liệt và có giao công an, mà nhiều khi anh em bận đi họp, tập huấn nên họ lén lút chở đất. Có nhiều trường hợp vi phạm ở TP. Gò Công, ở huyện Gò Công Tây khi mình mời lên xử phạt họ không tới, có trường hợp họ không hợp tác, bỏ xe rồi tự lấy xe về. UBND xã đang làm báo cáo gửi UBND huyện”, ông Toàn nói.

Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh đạo các địa phương vùng Gò Công đều thừa nhận, việc khai thác đất mặt ruộng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là sai quy định. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp mua bán đất mặt ruộng trái phép thuộc thẩm quyền của lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn. Nơi nào để vi phạm xảy ra, chủ tịch UBND các địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đến nay chưa có lãnh đạo UBND xã nào bị xử lý khi trên địa bàn còn tồn tại " đất tặc".

Theo các nhà chuyên môn, đất mặt ruộng là tầng canh tác được hình thành trong thời gian rất dài. Đặc tính của đất mặt ruộng là có hàm lượng chất hữu cơ cao. Nếu khi khai thác lớp đất mặt ruộng thì coi như đã lấy đi tầng có chất hữu cơ cao, tầng còn lại hàm lượng sét rất cao. Một khi mất tầng canh tác, cây trồng sẽ thiếu chất dinh dưỡng. Tầng bên dưới nén chặt hơn nên việc cày xới sẽ tốn nhiều công lao động, phân bón hơn và mất nhiều thời gian để khôi phục lại. Về góc độ thủy lợi, nếu bốc đi lớp đất mặt ruộng đại trà sẽ tạo vùng trũng, nguy cơ xảy ra ngập úng. Minh chứng như vụ lúa Đông Xuân vừa rồi nhiều ruộng lúa khu vực Gò Công khi chín bị ngập nước gây khó khăn và thất thoát khi thu hoạch lúa.

Theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật ( Sở Nông nghiệp - Môi trường tỉnh  Tiền Giang), việc nông dân muốn hạ thấp đất mặt ruộng để sản xuất lúa thì phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nhất là phải giữ lớp đất phù sa để ruộng không bị giảm màu mỡ.

“Hiện nay, có những vùng đất gò cao khi bơm nước lên giữ nước không được nên người dân bắt đầu hạ thấp mặt đất xuống để giữ nước. Bây giờ lấy đất thì phải san lớp đất mặt ở trên có chất dinh dưỡng khoảng 20cm theo quy định của Nghị định 112/CP. Khi lấy lớp đất dưới phải san đất đó trở lại thì nó ít ảnh hưởng chứ còn lấy lớp đất mặt thì chắc chắn là bị ảnh hưởng. Còn trường hợp mua bán đất nếu được cấp phép cũng phải lấy đất theo cách đó", ông Men nói.

Thực tế cho thấy, việc mua bán đất mặt ruộng chưa đúng quy định ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang không chỉ làm giảm độ màu mỡ của đồng ruộng mà còn gây ô nhiễm môi trường do khói bụi, thất thu thuế; đồng thời phương tiện chở đất còn vi phạm về tải trọng, kém an toàn giao thông. Những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Tiền Giang đã tổ chức kiểm tra và xử lý nhiều phương  tiện chở đất từ nơi này đến nơi khác vi phạm về tải trọng, thiếu xe chắn, gây khói bụi... để đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng.

Từ khóa: tiền giang, tiền giang, đất tặc, xứ gò, cảnh báo lợi bất câp hại

Thể loại: Xã hội

Tác giả: chu trinh/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập