MSD vận động việc nối lại chăm sóc y tế định kỳ giữa đại dịch COVID-19

Cập nhật: 18/11/2021

VOV.VN - Có mặt ở Việt Nam trong 25 năm, MSD - được biết đến là Merck & Co. ở Hoa Kỳ và Canada, không ngừng hỗ trợ chính phủ trong việc ứng phó dịch bệnh và tiếp tục chung tay nối lại chăm sóc y tế định kỳ.

Khi cả thế giới đang căng mình đối phó với COVID-19, nhiều căn bệnh khác đặc biệt là bệnh mãn tính đang bị ảnh hưởng tiêu cực do sự trì hoãn chăm sóc y tế định kỳ. Theo một khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021, khoảng 94% quốc gia được khảo sát đều báo cáo có một số gián đoạn tới dịch vụ y tế. Những gián đoạn này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cần nỗ lực tập thể từ cả Chính phủ, các tổ chức y tế và công ty trong lĩnh vực dược phẩm để giải quyết. Có mặt ở Việt Nam trong 25 năm, MSD, được biết đến là Merck & Co. ở Hoa Kỳ và Canada, không ngừng hỗ trợ chính phủ trong việc ứng phó dịch bệnh và tiếp tục chung tay nối lại chăm sóc y tế định kỳ.

Nỗ lực ứng phó với COVID-19

Ngay khi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 xảy ra, với mục tiêu chia sẻ trách nhiệm cùng với Chính phủ, MSD đã khẩn trương cùng các thành viên AmCham Việt Nam và Pharma Group (EuroCham) tài trợ những trang thiết bị y tế cần thiết nhất như máy thở.

Hai trong số các thuốc phát minh của MSD có trong danh mục thuốc thiết yếu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nặng của Bộ Y tế. MSD đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ các thuốc này trong đại dịch.

Trên toàn cầu, MSD đã đầu tư hàng tỷ USD vào nỗ lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất liên quan đến COVID-19, huy động chuyên môn khoa học và nguồn lực để đóng góp vào nỗ lực ứng phó đại dịch trên toàn cầu. MSD đã thông báo trong tháng 10 về molnupiravir – thuốc kháng virus đường uống điều trị COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong hoặc nhập viện trong phân tích giữa kỳ trong kế hoạch của Giai đoạn 3 thử nghiệm MOVe-OUT trên bệnh nhân trưởng thành mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình, có yếu tố nguy cơ. Trong phân tích giữa kỳ này, molnupiravir làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viên hoặc tử vong, được hy vọng trở thành một thuốc quan trọng trong nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch. MSD có bề dày thành tích trong việc giúp thuốc và vaccine được tiếp cận và chi trả được trên toàn cầu, và vẫn kiên định với cam kết đó cho molnupiravir. Công ty đã ký kết thỏa thuận nhượng quyền tự nguyện với Quỹ Bằng Sáng chế Thuốc (MPP) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận với molnupiravir ở mức có khả năng chi trả ở 105 quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Các công ty dược phẩm trong nước tự do nộp đơn thông qua MPP.

Chung tay nối lại chăm sóc y tế định kỳ

SARS-COV-2 đặt ra mối đe dọa y tế to lớn với dân số toàn thế giới và đòi hỏi phối hợp hành động khẩn cấp. Tuy nhiên, tác động gián tiếp từ dịch bệnh, như gián đoạn trong tiêm chủng định kỳ hay dịch vụ y tế cũng cần được giải quyết tức thời. Số liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và WHO cho thấy do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có đến 23 triệu trẻ em bỏ lỡ các vắc xin thiết yếu trong năm 2020 trên toàn cầu.

“Ngay cả trong đại dịch, chăm sóc y tế cho các căn bệnh như ung thư, tiêm chủng định kỳ và khám bác sỹ vẫn rất quan trọng. Tại MSD, chúng tôi hợp tác với cộng đồng y khoa và các hiệp hội, tổ chức quốc tế để vừa giải quyết vấn đề liên quan COVID-19 và bảo vệ sự chăm sóc liên tục cho các bệnh nhân”, bà Jennifer Cox, Tổng Giám đốc MSD Việt Nam chia sẻ.

MSD đã tăng cường các hoạt động đa dạng nhằm đảm bảo tiếp cận thuốc và vaccine, giáo dục về tầm quan trọng của chăm sóc y tế định kỳ và đầu tư giải quyết các thách thức y tế có nguy cơ nghiêm trọng hơn do tác động của đại dịch ở những cộng đồng nơi dịch vụ y tế chưa đầy đủ.

Có mặt từ năm 1996, MSD đã đưa vào thị trường Việt Nam hơn 20 thuốc và vắc xin phát minh nhằm giải quyết những nhu cầu y tế chưa được đáp ứng. Hàng triệu bệnh nhân đã được tiếp cận với các sản phẩm của MSD, rất nhiều trong số đó là những sản phẩm mang tính sống còn.

Tại Việt Nam, MSD đã giới thiệu các loại vaccine phòng ngừa các bệnh do Quai bị - Sởi – Rubella, Thủy đậu, HPV (Human Papilloma virus), Rota virus gây ra và sẽ tiếp tục giới thiệu các loại vaccine mới trong những năm tới. Trong đại dịch, MSD duy trì hợp tác với Hội Y học Dự phòng để triển khai chiến dịch tăng cường nhận thức về phòng ngừa ung thư cổ tử cung qua nền tảng trực tuyến. Chiến dịch sẽ tiếp tục được đẩy mạnh khi đại dịch dần được kiểm soát và các chương trình tiêm chủng định kỳ được nối lại.

MSD cũng đi đầu trong lĩnh vực ung thư tập trung vào liệu pháp điều trị miễn dịch, là công ty đầu tiên giới thiệu liệu pháp này tại Việt Nam vào tháng 12 năm 2017, những bệnh nhân ung thư theo tư vấn của bác sỹ có thể tiếp cận liệu pháp này thông qua Chương trình hỗ trợ bệnh nhân đang được triển khai tại 23 bệnh viện trên toàn quốc. Giãn cách xã hội thách thức bệnh nhân ung thư trong việc tiếp cận chẩn đoán và duy trì điều trị. Chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư đã có nhiều kiến nghị đẩy mạnh tư vấn bệnh nhân từ xa cũng như đưa thuốc đến cơ sở y tế phù hợp nhằm giúp bệnh nhân tiếp cận dễ dàng hơn và giảm gián đoạn.

Đại dịch cũng làm rõ nét khoảng cách trong tiếp cận chăm sóc y tế cơ bản ở những cộng đồng khác nhau. Đơn cử như vấn đề tử vong mẹ, khi ngành y tế tập trung nguồn lực cho COVID-19, thách thức này có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có hành động kịp thời, đặc biệt ở khu vực miền núi và dân tộc thiểu số. Tháng 9 năm nay, MSD đã tài trợ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc 1,2 triệu đô la tiếp tục dự án “MSD vì Bà mẹ” trong giai đoạn tiếp theo (2021-2023). Dự án mang tên “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đầu tư vào các can thiệp đổi mới nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam (Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai). Dự án lồng ghép biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, phát triển và vận hành chăm sóc y tế từ xa vào chương trình sức khỏe sinh sản hiện có, nhằm thúc đẩy việc sinh con an toàn.

Nhằm rút ngắn khoảng cách trong việc tiếp cận chăm sóc y tế cơ bản cho người dân sống ở vùng sâu vùng xa, MSD Foundation đã tài trợ 7 triệu USD cho chương trình ECHOTM (Mở rộng Kết quả Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng) của Trung tâm khoa học sức khỏe đại học New Mexico để tiếp tục dự án ECHO giúp cải thiện khả năng tiếp cận đến các phương pháp điều trị đặc biệt đối với những ca bệnh phức tạp, mạn tính cho người dân tại vùng nông thôn thiếu điều kiện chăm sóc y tế ở Ấn Độ và Việt Nam. Dự án là mô hình giáo dục từ xa kết nối chuyên gia với nhân viên y tế ở cơ sở thông qua phòng khám trực tuyến nhằm nâng cao khả năng điều trị các bệnh có thể phòng ngừa và bệnh chuyên khoa ngay tại chính cộng đồng của họ.

Đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế vững vàng và đem đến cơ hội để chúng ta hành động. Trong hành trình đó, sự hợp tác giữa khu vực công và tư là rất cần thiết để hiện đại hóa các chương trình chăm sóc y tế định kỳ và cơ sở hạ tầng tương ứng để giải quyết thách thức y tế hiện tại và tương lai hiệu quả hơn./.

Từ khóa: MSD, chăm sóc y tế, liệu pháp điều trị miễn dịch, MSD Foundation

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập