Một số tồn tại trong hoạt động khám chữa bệnh đã được tiếp thu, chỉnh lý khá rõ ràng

Cập nhật: 06/01/2023

VOV.VN - Ở kỳ họp bất thường này, một số tồn tại trong hoạt động khám chữa bệnh được thảo luận lần cuối. Tuy nhiên, về cơ bản, tất cả các vấn đề đều khá rõ ràng, đã được xem xét một cách cụ thể và toàn diện.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 vừa qua, vấn đề tài chính khám, chữa bệnh và tự chủ bệnh viện là 2 trong số nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội. Chính vì vậy, sau khi xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Dự án luật tại Kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị nội dung.

Tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 (5/1), sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu cơ bản những ý kiến đóng góp để giải quyết tốt hơn những vướng mắc hiện nay trong công tác khám, chữa bệnh và trong ngành Y tế. Nhiều ý kiến kỳ vọng, cùng với việc đưa ra thảo luận tại kỳ họp bất thường, dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện một bước và được thông qua.

Đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Xã hội tại phiên khai mạc đã nêu được các vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý thời gian qua. Nhân dân đang mong mỏi qua kỳ họp bất thường này, Dự thảo Luật khám chữa bệnh được hoàn thiện để giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay.

Theo đại biểu đoàn Khánh Hòa, một số nội dung bất cập của ngành Y tế nói chung và công tác khám chữa bệnh nói riêng hiện nay đó là địa vị pháp lý, vai trò, hoặc cơ chế hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Đặc biệt vướng nhất hiện nay là cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công lập, giá các dịch vụ khám, chữa bệnh..., Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Hữu Trí, ở chừng mực nào đó, trong các điều khoản luật sửa đổi lần này được nêu trong báo cáo của Ủy ban Xã hội đã giải quyết được một bước.

Về nội dung tự chủ tài chính trong các bệnh viện công, một số đại biểu cho rằng, vấn đề này chưa thể giải quyết dứt điểm trong luật lần này. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, qua giám sát vấn đề tự chủ còn là câu chuyện dài, đi từng bước, tiến tới giải quyết mục tiêu chăm sóc tốt nhất người bệnh và đảm bảo cho các bệnh viện phát triển. Hai vấn đề này không mâu thuẫn nhưng trong nguồn lực quốc gia, nếu chúng ta thêm bất kỳ gì thì tính toán nguồn lực dành cho y tế, bản thân người khám bảo hiểm đồng chi trả.

"Đây là vấn đề lớn, người dân phải được chăm sóc y tế tốt hơn và làm sao khi được chăm sóc, các bệnh viện được phát triển tốt hơn, chúng ta phải có những nơi khám chữa bệnh theo yêu cầu”, đại biểu Hoàng nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, về cơ bản những vấn đề đang tồn tại, vướng mắc trong hoạt động khám chữa bệnh cũng như hoạt động của các cơ sở y tế trong thời gian vừa qua đã được đặt ra, nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng, xem xét, thảo luận để tìm ra giải pháp tối ưu. Ở kỳ họp bất thường này, một số nội dung cần phải được thảo luận lần cuối. Tuy nhiên, về cơ bản, tất cả các vấn đề đều khá rõ ràng, đã được xem xét một cách cụ thể và toàn diện.

"Tôi hy vọng Luật khám, chữa bệnh lần này sau khi được thông qua sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc đặt ra với hoạt động khám chữa bệnh cũng như cơ sở y tế", đại biểu Lâm bày tỏ./.

Từ khóa: dự thảo luật khám bệnh chữa bệnh, kỳ họp bất thường lần 2, tồn tại trong hoạt động khám chữa bệnh

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập