Một ngày trải nghiệm làm nhân viên khách sạn của học sinh phổ thông
Cập nhật: 13/10/2022
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Sáng 13/10, hơn 90 học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu.
Tại đây, các em được thăm quan quầy bar, chứng kiến những màn tung hứng điêu luyện của các bartender, học hỏi công thức pha chế đồ uống hay tự tay gấp khăn, trang trí bàn tiệc, trải nghiệm công việc của những nhân viên buồng phòng...
Mơ ước làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nhưng đây là lần đầu tiên Phạm Thị Thanh Hòa, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Võ Thị Sáu mới nhìn thấy hình ảnh trực quan về công việc của một đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch, bartender, kế toán và quản trị khách sạn.
“Trải nghiệm hướng nghiệp cho em một cái nhìn trực quan hơn về công việc của những người làm trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Em cảm thấy khó hơn nhiều so với mình tưởng tượng”.
Mong muốn trở thành đầu bếp sau khi tốt nghiệp, Đoàn Công Huỳnh, HS trường THPT Võ Thị Sáu cho biết khi đi thăm quan và thử sức với các vị trí việc làm tại Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, em cảm thấy mọi thứ mới lạ nhưng lại càng hứng thú nghề nấu ăn.
Còn với Nguyễn Thanh Hiếu tuy không định hướng theo ngành du lịch song em cho biết, quá trình trải nghiệm giúp em hiểu rõ hơn học du lịch thì làm gì. “Qua buổi trải nghiệm em thấy mình có thêm nhiều sự lựa chọn”.
Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp của các em nằm trong chương trình triển khai đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (kế hoạch 135).
Bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cho biết, là cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, nhà trường cố gắng phối hợp địa phương hướng nghiệp và đào tạo nghề du lịch tại Bà Rịa Vũng Tàu.
“Các chương trình hướng nghiệp phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Từ năm 2022, theo đề án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, đặc biệt chú trọng huấn luyện đào tạo nghề, đón các cháu đến thăm quan và hướng nghiệp, tổ chức hoạt động đưa vào thăm quan giờ học lý thuyết và thực hành để các em có trải nghiệm và hiểu biết tốt về hoạt động đào tạo”.
Hướng nghiệp - quan trọng nhưng không dễ dàng
Ngoài hoạt động trải nghiệm thực tế ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo thầy Trần Văn Sơn, giáo viên kỹ thuật công nghệ, trường TPHT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ, nhà trường còn lồng ghép hoạt động hướng nghiệp vào các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, tiết học trong chương trình trải nghiệm Giáo dục phổ thông 2018.
“Hướng nghiệp cực kỳ quan trọng với HS phổ thông, được định hướng tốt thì chọn được con đường tốt nhưng khó khăn là đội ngũ giáo viên. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản nào đào tạo GV dạy trải nghiệm. Hoạt động này vẫn do GV ở các bộ môn khác đảm nhiệm”, trong khi đó môn trải nghiệm hiện giữ vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 3 tiết/tuần.
Một khó khăn nữa khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đó là nguồn kinh phí đưa học sinh đi đến doanh nghiệp, các trường ĐH-CĐ.
“Hiện nay, việc các trường tự liên hệ cho học sinh đến trải nghiệm tại các doanh nghiệp tương đối khó khăn. Do đó, cần UBND tỉnh, các sở ban ngành làm đầu mối.
Theo thầy Sơn, HS có thể học chương trình văn hóa vào buổi sáng, còn buổi chiều tham gia gia các hoạt động ngoại khóa về âm nhạc, nghệ thuật, thể dục thể thao, hoạt động trải nghiệm thực tế tại địa phương, doanh nghiệp hoặc các cơ sở giáo dục ĐH – CĐ.
“Phải định hướng nghề nghiệp cho các em từ sớm, đặc biệt đẩy mạnh ở bậc THPT để các em hiểu rõ, có kế hoạch cho tương lai. Chỉ có trải nghiệm thực tế, phải nhúng tay vào việc thì mới hình dung ra đó là việc gì, dần định hình nghề nghiệp tương lai.
Kế hoạch thực hiện đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (kế hoạch 135), có mục tiêu tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước; đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Ít nhất 40% học sinh tốt THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp./.
Từ khóa: hướng nghiệp, trải nghiệm, khách sạn, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2