“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Cập nhật: 01/05/2020

VOV.VN -Dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, mà là khủng hoảng kinh tế và lao động. Cần bảo vệ người lao động linh hoạt, kịp thời.

Tranh thủ nâng cao tay nghề lao động

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1 năm 2020 là 2,22%, tăng 0,07% so với quý 4/2019 và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước. Tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng là gần 5 triệu người. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu lao động; ngành bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động.

"mot mieng khi doi bang mot goi khi no" hinh 1
Cứu trợ người dân gapwk khó khăn trong đợt giãn cách xã hội.

Trong đó, có 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% là mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất 5 năm.

Cũng theo khảo sát của cơ quan thống kê, gần 85% doanh nghiệp cho biết là gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong số này, doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn với tỷ lệ 90% tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm.

Dự báo tình hình việc làm trong thời gian tiếp theo, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động phân tích, mặc dù tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam được đánh giá tốt, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người lao động, nhưng chắc chắn trong quý II vẫn còn dư âm ảnh hưởng. Trong bối cảnh này, người lao động sẽ cần thêm nhiều kỹ năng mới, tăng sự thích nghi để đáp ứng nhu cầu của chủ sử dụng lao động.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất. 5,3% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết đã tranh thủ thời gian này để đào tạo nâng cao tay nghề và trình độ chuyên nghiệp cho người lao động.

Ông Khương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần giám định và thẩm định giá Thăng Long chia sẻ: “Công ty vẫn duy trì việc làm cho nhân viên. Ngoài việc giải quyết công việc còn tồn lại công ty coi đây là cơ hội để nhân viên có thời gian trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm. Đặc biệt, là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng như xử lý công việc”.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2 (MIFACO) cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh chùng xuống trong giai đoạn này tạo ra khoảng thời gian để doanh nghiệp nhìn nhận lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tìm ra các khía cạnh, các khâu chưa hiệu quả, từ đó đưa ra phương án cải thiện để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động. Đây là thời điểm tốt để nâng cao tay nghề cho anh em công nhân, nâng cao năng suất lao động, sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động sau dịch.

“Áo có thể không mặc nhưng ăn không thể ngưng”

Sau 3 tháng dịch bệnh diễn ra, nhiều lao động mất việc đã bắt đầu không đủ sức cầm cự được nữa. Là công nhân lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng, vợ là giáo viên dạy tiếng Anh tại các trung tâm khu vực Hà Nội, dịch bệnh kéo dài, công việc tạm ngưng khiến gia đình anh Phạm Công Luận trọ tại Mỹ Đình, Hà Nội lâm vào cảnh khốn khó. Hai đứa con anh đứa học lớp 7, đứa học lớp 2 đang trong độ tuổi ăn học, cộng thêm hơn một tháng nay bố anh Luận ốm nằm viện, khiến anh phải đôn đáo chạy vạy khắp nơi vay tiền trang trải cuộc sống. Anh tâm sự: “Chỗ nào vay được tôi đã hỏi vay hết rồi. Tình cảnh hiện tại khiến tôi cảm giác như đi vào ngõ cụt. Tôi rất nóng lòng để sớm nhận được tiền hỗ trợ từ phía Chính phủ”.

Bàn về các giải pháp hỗ trợ thị trường lao động đang gặp khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê đánh giá: “Chính phủ đã phản ứng nhanh nhạy khi đưa ra nhiều gói hỗ trợ thiết thực và điều quan trọng là triển khai nhanh và đúng, trúng đối tượng. Ngoài ra, cần xem xét tới việc triển khai chính sách kích cầu nội địa để tạo công ăn việc làm, tăng cường sản xuất trong nước”

PGS.TS Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Tư vấn giáo dục nghề nghiệp và An sinh xã hội, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm: “Đã gọi là cứu trợ cần nhanh vì áo có thể không mặc nhưng ăn không thể ngưng. Tránh tình trạng “đau đẻ còn chờ sáng trăng””. Thời gian qua, nhiều phản ứng kịp thời từ cộng đồng xã hội như cây ATM gạo đã góp phần tạo niềm tin cho người lao động bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

PGS.TS Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, cần dựa vào tình trạng lao động của từng cá nhân, từng vị trí việc làm trên cơ sở người thật việc thật. Đặc biệt, tránh tình trạng lạm dụng chính sách, bà Hương cho rằng quan trọng nhất là hệ thống kiểm soát, bởi lẽ thời gian cách ly qua rồi, nhiều doanh nghiệp, người lao động hoạt động trở lại, vấn đề đặt ra rà soát thế nào để đảm bảo chính xác, minh bạch. Cùng với đó là ý thức, trách nhiệm của doanh nhiệp và người lao động trong việc kê khai.

Bên cạnh đó, cần sự chung tay của các cơ quan chức năng liên quan như cơ quan thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, địa phương phân chia công việc để tránh sự ùn ứ, chậm trễ trong triển khai.

Ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong Quyết định, Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và xử lý nghiêm cá nhân, cơ quan, tổ chức lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi.

Đặc biệt, tổng thời gian thực hiện tới lúc triển khai hỗ trợ cho nhóm đối tượng chỉ kéo dài tối đa 10 ngày. Nhiều trường hợp chỉ kéo dài 5 hoặc 6 ngày./.

Từ khóa: dịch covid-19, khủng hoảng lao động, khủng hoảng kinh tế, mất việc làm, cứu trợ

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập