Một gia đình Khmer có nhiều thế hệ gắn bó với nghề “trồng người” cao quý
Cập nhật: 29/06/2024
VOV.VN - Lương thấp, áp lực xã hội đã khiến nhiều giáo viên bỏ nghề, tìm việc khác. Tuy nhiên, đó chỉ là con số rất ít. Vẫn còn rất nhiều người vì tình yêu trẻ, niềm đam mê với nghề giáo sẵn sàng cống hiến, nỗ lực vượt qua khó khăn để giữ lửa nghề và hun đúc cho thế hệ mai sau.
Ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú là nơi được nhiều người biết đến với tên gọi là “Làng giáo viên”. Sở dĩ có tên như vậy vì người dân nơi đây làm nghề giáo viên chiếm số đông, với khoảng 200 thầy cô giáo trong một ấp. Trong đó, một điều rất đặc biệt và đáng ngưỡng mộ là có một số hộ gia đình gắn bó với nghề giáo nhiều thế hệ.
Chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình thầy giáo Thạch Vila, giáo viên Trường Tiểu học Phú Mỹ B được thầy cho biết, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống gắn bó với nghề giáo, từ ông nội, đến cha thầy và đến thầy là thế hệ thứ 3. Đặc biệt, thế hệ của thầy có đến 6 anh chị em theo sự nghiệp trồng người của gia đình; trong đó, có người đi dạy lâu nhất là trên 30 năm, ít nhất cũng 20 năm. Sở dĩ, mọi người yêu nghề giáo viên là vì từ nhỏ luôn thấy cha đi dạy, thấy cha soạn giáo án để đến lớp, năm tháng đó trong lòng đã ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo như cha của mình.
Thầy Vila cho biết thêm, dù trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cha mẹ luôn cố gắng nuôi dạy anh, chị, em học hành đến nơi, đến chốn. Nối gót cha, thầy Vila quyết tâm theo nghề giáo. Tốt nghiệp sư phạm, năm 1992, thầy được phân công giảng dạy tại quê hương xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú. Thời đó, lương giáo viên thấp, nên có nhiều người đã bỏ nghề, nhưng với anh chị em của thầy, vì yêu nghề, thương các em học sinh, cố gắng bám trụ đến hôm nay.
"Đây là nghề truyền thống của gia đình, thấy cha đi dạy chúng tôi cũng yêu thích và chọn học nghề giáo. Trước đây, ở ấp này việc đi học cũng rất là khó khăn. Còn gia đình cha tôi thì con đông nên cha tôi cũng hướng cho chúng tôi vào sư phạm. Thế là mỗi người đều vào học và đến bây giờ đều ra làm nghề giáo"- thầy ThạchVila nói.
Chọn gắn bó với nghề dạy học, tình yêu trường, lớp, yêu các thế hệ học trò luôn cháy bỏng trong trái tim và nhiệt huyết của các thầy, cô giáo. Bằng tất cả cái tâm với nghề, họ hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đào tạo nên các thế hệ học sinh có đủ đức, đủ tài. Và càng tự hào hơn khi có đến 6 anh chị em trong gia đình của thầy Thạch Vila tiếp bước nghề giáo cha ông, dù gặp nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu nghề và truyền thống gia đình đều nỗ lực vượt qua.
Như cô Thạch Thị Bạch Tâm em gái của thầy Vila đang là giáo viên Trường Mầm non Phú Mỹ, cô cho biết, tiếp nối truyền thống của gia đình, cô luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tại trường mầm non Phú Mỹ. Trong suốt quá trình giảng dạy cô đạt nhiều thành tích xuất sắc, là giáo viên dạy giỏi của trường. Cô Thạch Thị Bạch Tâm chia sẻ: "Tôi yêu nghề này từ lúc nhỏ lận, tôi ước mơ lớn lên sẽ được làm giáo viên như ba của tôi vậy, tôi thấy ba của tôi đi dạy nên tôi rất yêu quý và mong ước được giống ba của tôi vậy và bây giờ tôi cũng đã đi dạy".
Thầy Thạch Vila cho biết thêm, phát huy nghề truyền thống của gia đình không phải là áp đặt sở thích của người đi trước cho người đi sau. Thế hệ trước chỉ truyền niềm đam mê và tâm huyết với nghề như một cách định hướng nghề nghiệp cho con, cháu và khi thấy được giá trị, ý nghĩa, anh chị em thầy đã chọn nghề giáo vì sự yêu thích và niềm đam mê. Đến nay, các con và các cháu của thầy cũng đang tiếp nối con đường mà gia đình đã chọn. Con lớn của thấy đang học năm cuối ngành sư phạm trường Đại học Đồng Tháp; trong khi nhiều con cháu của thầy cũng tâm sự sẽ nối gót nghề trồng người của gia đình trong tương lai.
"Tôi thấy rằng việc giảng dạy các em học sinh là một việc rất tốt, vì vậy nên tôi yêu thích ngành nghề này từ thời của ông tôi lận và bây giờ con tôi cũng tiếp nối, con tôi bây giờ lớn rồi và cũng đang theo học ngành giáo viên và tôi tin rằng con của tôi sau này cũng giống như tôi, nó biết yêu quý ngành nghề mà tôi đang làm mỗi ngày"- thầy Thạch Vila.
Gắn bó với sự nghiệp trồng người qua nhiều thế hệ như gia đình thầy Thạch Vila thì không phải gia đình nào cũng làm được. Việc này không chỉ xuất phát từ lòng yêu nghề của chính mỗi cá nhân mà còn có định hướng từ những thế hệ đi trước. Giờ đây, đại gia đình thầy Thạch Vila nhận được trong suốt nhiều thế hệ gắn bó với nghề là sự kính trọng của xã hội, sự yêu thương của các thế hệ học sinh.
Từ khóa: gia đình, gia đình khmer, nhiều thế hệ, gắn bó nghề trồng người,gia đình, khmer,Ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú
Thể loại: Xã hội
Tác giả: thạch hồng/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN