Mong học sinh tìm thấy niềm vui trong học tập
Cập nhật: 04/09/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong học sinh, phụ huynh khắc phục khó khăn để thích nghi, không bị gián đoạn quá trình học tập, và quan trọng hơn là các em có thể tìm thấy niềm vui trong việc học tập và rèn luyện mới.
Năm học 2021-2022, Ngành giáo dục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành phố buộc phải lùi thời gian bắt đầu năm học, tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, đồng thời tổ chức Lễ khai giảng năm học mới an toàn, gọn nhẹ phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Trước thềm năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã dành cho phóng viên VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam) cuộc phỏng vấn về những giải pháp của Bộ GD-ĐT để thích ứng với một năm học đặc biệt.
Sẵn sàng chuyển trạng thái để thích ứng với năm học "đặc biệt"
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm học 2020-2021 vừa qua là năm học đầy khó khăn của Ngành Giáo dục do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Ngành giáo dục đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ năm học ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một trong những kết quả nổi bật của ngành giáo dục, đặc biệt trong những tháng qua là tinh thần thực chất đang lan tỏa và ngấm dần vào các hoạt động từ quản lý nhà nước, ban hành chính sách cho tới các hoạt động quản lý, điều hành, chỉ đạo của các địa phương và các hoạt động tác nghiệp tại các cơ sở giáo dục.
Sau nhiều năm chuẩn bị, năm học vừa qua là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đối với lớp 1. Vạn sự khởi đầu nan - thách thức của năm đầu tiên, cộng thêm khó khăn do dịch bệnh đã ảnh hưởng tới quá trình triển khai.
Nhưng với sự quyết tâm, tính thống nhất, sự kiên định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là sự dốc sức trực tiếp của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu.
Kết thúc năm học, chúng ta đã có những học sinh lớp 1 mạnh dạn hơn, chủ động hơn, đọc thông viết thạo, các em thích đến trường, mong muốn đến trường; phụ huynh sau những băn khoăn ban đầu đã yên tâm và tin tưởng; giáo viên sau những bỡ ngỡ ban đầu đã nhập cuộc và làm chủ sự đổi mới.
Năm học 2020-2021, cũng đánh dấu sự ổn định và đảm bảo về chất lượng giáo dục. Với một năm học mà có tới 2-3 lần học sinh phải tạm dừng đến trường và phải học trực tuyến, học từ xa, trong khi điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thì sự ổn định này có thể coi là một thành công.
Giáo dục mũi nhọn tiếp tục có một năm để lại dấu ấn tại các kỳ Olympic khu vực và quốc tế, khi 37/37 học sinh dự thi đều có giải, trong đó có 12 huy chương vàng. Ở bậc đại học, vị trí của các đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế được giữ vững cũng là một thành quả đáng ghi nhận.
Một kết quả khác cũng cần nhắc tới trong năm qua, đó là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù đây là việc năm nào cũng làm, nhưng trong một năm nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự linh hoạt để thích ứng. Tổ chức thành công 2 đợt của kỳ thi cho thấy nỗ lực không chỉ của ngành Giáo dục mà còn của toàn xã hội. Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã sử dụng phương án đặc cách tốt nghiệp cho những thí sinh vì dịch bệnh không thể dự thi.
Nhìn lại một năm qua, bên cạnh những việc đã làm được, còn những việc chưa làm tốt, cần phải điều chỉnh hoặc cần có thêm thời gian. Trước mắt, chúng ta sẽ phải triển khai nhiệm vụ năm học mới trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ngành giáo dục cần phải chuyển trạng thái của ngành sao cho vừa ứng phó ngay với các vấn đề thực tế dịch bệnh đang đặt ra, vừa phải xác định đây là quá trình lâu dài để có những quyết sách và điều chỉnh cụ thể cho phù hợp.
Phóng viên: Năm học 2021-2022 có thể tiếp tục là một năm học khó khăn hơn nữa khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, học sinh có thể tiếp tục phải học trực tuyến, thi trực tuyến. Trước khó khăn, thách thức ấy, Ngành giáo dục đã, đang và tiếp tục có những giải pháp gì để thích ứng với một năm học "đặc biệt"?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chúng ta cần phải chuyển trạng thái để ứng phó chủ động và thích nghi với dịch bệnh dự kiến còn kéo dài, tập trung để làm tốt cả hai việc: cố gắng theo đuổi mục tiêu chất lượng và đảm bảo an toàn cho thầy và trò.
Bộ GD-ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học, từ kế hoạch này, các địa phương quyết định thời gian sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, cần lưu ý tận dụng tối đa “thời gian vàng”, là thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp.
Trong 2 năm Ngành giáo dục ứng phó với dịch bệnh vừa qua, hình thức dạy học trực tuyến đã trở thành một phần quan trọng trong triển khai kế hoạch năm học của ngành giáo dục. Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, Ngành giáo dục xác định, dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài vừa để thích ứng vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển, trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ bổ sung rất tốt.
Hai năm qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về dạy học và kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến để địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp, trong đó sẽ chú trọng đến khâu hướng dẫn, tập huấn về dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ có triển khai mạnh hơn trong thời gian tới việc tăng cường kho học liệu số, các bài giảng trên truyền hình và các hoạt động hỗ trợ khác.
Các địa phương cần quan tâm và chủ động trong triển khai dạy học trực tuyến, đồng thời nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh khi trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó cũng cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ các trường hợp học sinh và gia đình khó khăn, thiếu phương tiện học tập, tổ chức các nhóm học tập an toàn, chia sẻ phương tiện và hỗ trợ phương pháp học tập.
Cùng với các giải pháp cấp bách, Bộ GD-ĐT cùng có kế hoạch triển khai các hoạt động lâu dài để thực hiện tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ, kết nối dữ liệu từ các cơ sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT đến cơ quan Bộ GD-ĐT; kết nối dữ liệu giữa ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả.
Cương quyết xóa bỏ phương pháp dạy học rập khuôn, cứng nhắc, sáo rỗng
Phóng viên: Năm học 2021-2022 là năm tiếp theo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6; đồng thời tiếp tục chuẩn bị các điều kiện triển khai cho những lớp tiếp theo. Bộ GD-ĐT sẽ đặc biệt tập trung vào những vấn đề gì để tiếp tục triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa mới?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau một năm triển khai chương trình lớp 1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết với các địa phương để có những đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc triển khai ở những lớp tiếp theo. Kết quả triển khai năm đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông cho thấy hầu hết các địa phương đều đã dồn nhiều nguồn lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho những năm đầu tiên thực hiện lớp 1, lớp 2.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải kiên trì với tư tưởng, quan điểm về đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Trong đó, lấy ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thực tế triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thời gian qua cho thấy, chất lượng bản thảo là khâu then chốt, nếu không có bản thảo tốt, sẽ không có sản phẩm sau thẩm định tốt. Sắp tới, cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn sách giáo khoa, để bảo đảm chất lượng bản thảo.
Các công tác khác như thực nghiệm, tập huấn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa cũng phải được làm tốt hơn, trong đó việc chọn sách giáo khoa phải căn cứ vào tiếng nói chuyên môn của giáo viên và các trường học, phấn đấu không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa.
Trước những khó khăn đặt ra về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của địa phương, Bộ GDĐT sẽ có kế hoạch và tham mưu để tháo gỡ. Tuy nhiên, sự chủ động và phối hợp của địa phương là rất quan trọng. Vì vậy, tôi mong các địa phương đã dành sự quan tâm ưu tiên, thì sẽ quan tâm ưu tiên hơn nữa cho lần đổi mới quan trọng này.
Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành đào tạo thuộc nhóm sư phạm để từng bước giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.
Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Bộ trưởng cũng đã khẳng định Ngành giáo dục và đào tạo sẽ có giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết các giải pháp cụ thể đó là gì và sẽ được triển khai như thế nào trong năm học tới?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tạo dựng một nền giáo dục có chất lượng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là mong muốn của tất cả chúng ta. Đây là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục, tuy nhiên, sự chuyển đổi này không chỉ đơn thuần nằm ở công tác quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT mà còn cần có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan, các tổ chức doanh nghiệp và xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình và thời gian, nhưng việc cần làm ngay là phải đổi mới về nhận thức và hành động trong mọi việc từ nhỏ đến lớn, tất cả các chính sách, hoạt động đều phải lấy mục đích giải quyết các vấn đề thực tiễn của thực tế làm cơ sở.
Theo tinh thần đó, việc quản lý nhà nước, ban hành chính sách sẽ được rà soát triển khai theo hướng lấy mục tiêu giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành để xây dựng, ban hành và thực thi. Bộ cũng sẽ điều chỉnh lại nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Quán triệt tinh thần học thực chất, thực nghiệp, xóa bỏ những phương pháp dạy, rập khuôn, cứng nhắc sáo rỗng trong dạy và học để cả thầy và trò đều được phát huy tinh thần sáng tạo. Các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra đánh giá sao cho đúng và thực chất. Quá trình dạy học cần quan tâm tới thực tiễn, trải nghiệm, trang bị kỹ năng tự học, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh. Đây là việc phải kiên định, kiên trì và xuyên suốt.
Ở bậc đại học, cơ chế tự chủ đang tạo ra những bước tiến cho bậc học này, tuy nhiên đi cùng với đó là trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo. Thực tế thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đề cao mục tiêu chất lượng thông qua việc xây dựng chương trình, thiết kế chuẩn đầu ra sao cho sát thực tiễn; hay lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng.
Mặc dù vậy, nhìn trên tổng thể, giáo dục đại học còn nhiều việc phải làm. Bộ GD-ĐT với vai trò quản lý nhà nước sẽ tiếp tục rà soát để sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm siết chặt chất lượng đào tạo ở bậc học này; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Phóng viên: Bộ trưởng có thông điệp gì gửi tới các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên nhân dịp năm học mới?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trước mắt chúng ta sẽ là một năm học đầy thử thách. Toàn ngành giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến giáo dục; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi; hỗ trợ cho các học sinh và sinh viên khó khăn, tất cả chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn thử thách.
Mỗi thầy cô giáo của chúng ta thời gian qua đã rất tâm huyết, năng động, không ngại khó, đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến. Tôi mong rằng, các thầy cô sẽ tiếp tục phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm này, linh oạt, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy để đạt được mục tiêu về chất lượng.
Với các em học sinh và các bậc phụ huynh, tôi mong các em và các vị phụ huynh sẽ bằng những cách khác nhau khắc phục khó khăn về điều kiện học tập để thích nghi, không bị gián đoạn quá trình học tập, và quan trọng hơn là các em có thể tìm thấy niềm vui trong việc học tập và rèn luyện mới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Từ khóa: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học mới, năm học 2021-2022, dịch COVID-19, Lễ khai giảng, dạy học trực tuyến
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2