Món quà bất ngờ của Tổng thống Trump khiến Israel “mừng ra mặt”
Cập nhật: 30/01/2020
Khơi nguồn sức mạnh di sản văn hóa Việt Nam
Hoa hậu Ý Nhi thăng hạng nhan sắc trước thềm dự thi Miss World
VOV.VN - Kế hoạch Hòa bình Trung Đông vừa được công bố là một “món quà chính trị khác” mà Tổng thống Mỹ Trump dành tặng cho Thủ tướng Israel Netanyahu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/1 đã có động thái làm hài lòng Thủ tướng Netanyahu đang có chuyến thăm Nhà Trắng, khi ông công bố chi tiết Kế hoạch hòa bình Trung Đông, vốn bị trì hoãn trong thời gian dài. Các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch này sẽ giúp chuyển hướng mũi rìu dư luận ra khỏi những rắc rối pháp lý hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel phải đối mặt thời gian gần đây trong bối cảnh cả ông Trump và ông Netanyahu đang nỗ lực đấu tranh cho tương lai chính trị của họ.
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Ưu ái đồng minh
Nội dung quan trọng của kế hoạch hòa bình dài 80 trang là nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất giải pháp "hai nhà nước một cách thực tế" cho Israel và Palestine, theo đó Jerusalem vẫn sẽ là thủ đô "không thể tách rời" của Israel, còn Nhà nước Palestine trong tương lai sẽ có thủ đô là một số khu vực ở sườn phía Đông Jerusalem, tùy thuộc vào những bước đi mà người Palestine sẽ thực hiện để trở thành một chính quyền tự quản. Các khu vực này bao gồm Kafr Aqab, Abu Dis và Shuafat. Kế hoạch cho phép người Palestine được gọi thủ đô của họ là “al-Quds” – thuật ngữ Arab để gọi Jerusalem, nhưng không bao gồm các khu vực quan trọng của Đông Jerusalem và thiếu những gì mà người Palestine sẽ chấp nhận như một phần của thành phố linh thiêng.
Ngoài việc đề xuất khuôn khổ mới cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, kế hoạch của Tổng thống Trump còn công nhận các khu định cư Do Thái của Israrel ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, đổi lại Israel đồng ý ngừng xây dựng các khu định cư mới trong vòng 4 năm.
Theo giới quan sát, bước tiến mang tính đột phá của thỏa thuận này là lần đầu tiên Israel đồng ý công nhận một Nhà nước Palestine với các đường biên giới được định rõ. Tuy nhiên, thỏa thuận không được hưởng ứng rộng rãi, trái lại vấp phải sự chỉ trích từ một số đồng minh chủ chốt của Washington, bao gồm Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Palestine đã ngay lập tức phản đối đề xuất của Mỹ còn Liên đoàn Arab lên kế hoạch tổ chức phiên họp khẩn cấp vào cuối tuần này.
Sở dĩ kế hoạch hòa bình của ông Trump bị phản ứng dữ dội là bởi nó đưa ra nhiều yêu cầu hơn từ phía Palestine so với Israel, đặt nền móng cho Israel sáp nhập tất cả các khu định cư ở Bờ Tây với sự hậu thuẫn của Mỹ, trong khi đề xuất khả năng thành lập một nhà nước Palestine bị phân mảnh trong tương lai –đề xuất mà người Palestine thấy rằng còn tồi tệ hơn những gì họ đã nhận được tại các cuộc đàm phán hòa bình trước kia.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Tuy nhiên, sự chấp thuận của người Palestine chỉ là mục tiêu thứ yếu. Đối với ông Trump và ông Netanyahu – hai nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với những rắc rối về pháp lý và một chiến dịch tái tranh cử đầy thách thức năm 2020, kế hoạch dài 80 trang này là cơ hội để chứng minh cho những người ủng hộ thấy rằng họ là những nhà lãnh đạo dũng cảm, sẵn sàng gạt bỏ các lợi ích cá nhân để theo đuổi hòa bình.
Việc công bố kế hoạch hòa bình tại Nhà Trắng diễn ra trong bối cảnh phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống Trump đang tiếp diễn tại Thượng viện. Cùng thời điểm này, Thủ tướng Netanyahu – người phải đối mặt với nhiều cáo trạng liên quan đến tội nhận hối lộ và tham nhũng, đang mong muốn tìm kiếm lợi thế trước cuộc bầu cử sớm vào tháng 3/2020.
Ông Paul Pillar, cựu quan chức của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhận định: “Tổng thống Trump không chỉ đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi tiến trình luận tội mà ông còn có cơ hội nhận thêm nhiều sự ủng hộ từ các tín đồ Cơ đốc giáo và những người ủng hộ chính phủ Israel tại nước Mỹ. Còn Thủ tướng Netanyahu sẽ có cơ hội khác để chứng tỏ rằng chính ông mới là người có thế khiến chính phủ Mỹ thực hiện những gì Israel mong muốn, chứ không phải lãnh đạo phe đối lập Benny Gantz”.
Giới quan sát nhận định, kế hoạch hòa bình này là một món quà chính trị khác mà Tổng thống Trump dành tặng cho Thủ tướng Netanyahu.Tổng thống Trump đã phá vỡ các quy tắc quốc tế về Trung Đông bằng quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, cắt giảm phần lớn viện trợ của Mỹ cho người Palestine, ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Các bước đi này của ông chủ Nhà Trắng đều được cho là sự ưu ái đối với Thủ tướng Netanyahu.
Về phần mình, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ca ngợi đề xuất của Tổng thống Mỹ là "kế hoạch tuyệt vời cho Israel, cho hòa bình" và ông Trump là "người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có ở Nhà Trắng". Ông Netanyahu cũng không bỏ lỡ cơ hội tận dụng đề xuất của nhà lãnh đạo Mỹ, nói rằng nội các Israel sẽ nhóm họp trong vài ngày tới để thông qua việc sáp nhập các khu vực tại Bờ Tây từng bị Palestine cáo buộc chiếm đóng bất hợp pháp.
“Mua chuộc” bằng kinh tế
Cùng với giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế”, Tổng thống Trump đã đề xuất đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 50 tỷ USD dành cho Palestine. “Hy vọng, niềm vui, cơ hội và thịnh vượng cuối cùng sẽ đến với người Palestine nếu họ ký vào thỏa thuận này”, ông Trump nói. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas bác bỏ. Ông Mahmoud Abbas tuyên bố: “Tất cả quyền lợi của người Palestine không thể đem ra mua bán”.
Có thể thấy rằng, kế hoạch hòa bình Trung Đông là một minh chứng khác cho thấy cách tiếp cận "kinh tế đi trước" của chính quyền Tổng thống Trump đối với các cuộc xung đột chính trị và tôn giáo trên toàn cầu.Kể từ tháng 6/2019, Ông Trump cùng với con rể Jared Kushner, tác giả chính của kế hoạch hòa bình Trung Đông, hối thúc các khoản đầu tư trị giá 50 tỷ USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế của người dân Palestine và các quốc gia Arab láng giềng.
Trước đó, ông Trump cũng theo đuổi cách tiếp cận tương tự với Iran và Triều Tiên. Mỹ đã yêu cầu các quốc gia này từ bỏ tên lửa, vũ khí hạt nhân để nhận được sự nới lỏng trừng phạt về kinh tế. Lần đầu gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ông Trump đã cho ông Kim Jong Un thấy video về những tòa nhà cao chọc trời, đưa ra ý tưởng phát triển bất động sản để đổi lấy kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, cách tiếp cận này của Tổng thống Trump đã không thành công khi Triều Tiên mới chỉ đưa ra những cam kết bằng lời nói, còn Iran vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân.
Bước đi đầy mạo hiểm
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà ngoại giao Mỹ đã lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” tại Trung Đông khi tìm cách chứng tỏ sự công bằng và vô tư qua việc đề xuất các ý tưởng thúc đẩy Israel và Palestine hướng tới sự đồng thuận song song với việc giành sự ủng hộ rộng rãi hơn của thế giới Arab.
Nhưng Tổng thống Trump khiến mọi việc thay đổi theo chiều hướng khác, một mặt ông chấp nhận giải pháp hai nhà nước, mặt khác ông điều chỉnh chính sách của Mỹ với Israel theo một cách mà rất ít người tại Jerusalem có thể tưởng tượng được cách đây vài năm. Một số nhà phân tích cho rằng, ông Trump đã theo đuổi cách tiếp cận “phi truyền thống” để giải quyết vấn đề mà ông cho là cuộc đàm phán khó khăn nhất trên thế giới.
“Tôi được bầu làm Tổng thống không phải để làm những việc nhỏ nhặt hoặc né tránh những vấn đề lớn”, ông Trump nói. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm: “Hôm nay, Israel đã thực hiện một bước tiến lớn hơn nhằm đạt được hòa bình. Tầm nhìn của tôi đã mang đến một cơ hội có lợi cho cả hai bên. Không có việc gì khó hơn việc thực hiện kế hoạch này, nhưng chúng ta phải thực hiện bằng được”.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, phía sau vẻ hào nhoáng của buổi lễ ra mắt tại Nhà Trắng, kế hoạch hòa bình Trung Đông đã thất bại khi vừa được công bố. Phát biểu sau phần diễn thuyết của Tổng thống Trump, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố: “Chúng tôi nói "không", một nghìn lần "không" đối với tầm nhìn của ông Trump”. Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh kêu gọi cộng đồng quốc tế không tham gia kế hoạch trên (của Mỹ) bởi điều đó "vi phạm luật pháp quốc tế".
“Kế hoạch này không mang lại tương lai và hy vọng cho người Palestine vì nó đặt họ vào vị thế yếu về chiến lược, sống trong các khu vực rời rạc, không có chủ quyền và không có sự thống nhất về mặt địa lý”, chuyên gia Ibrahim Fraihat, thuộc nhóm Học thuật Palestine – một mạng lưới các học giả Palestine tại Arab và các trường đại học quốc tế nhận xét.
Tấm bản đồ mà ông Trump đăng tải trên Twitter sau bài diễn thuyết cho thấy một sự chắp vá của lãnh thổ Palestine mà ở đó các khu vực liên kết với nhau bằng tuyến đường bộ hoặc đường hầm. Bản đồ cũng phác thảo những sự phát triển mơ hồ, chẳng hạn như khu công nghiệp công nghệ cao dọc biên giới chưa được hình thành giữa Palestine với Ai Cập.
Kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ cũng bác bỏ yêu cầu quan trọng của phía Palestine, đó là quyền được trở về của người tị nạn Palestine. Theo kế hoạch, những người tị nạn và con cháu của họ, vốn từ lâu tìm cách trở lại vùng lãnh thổ do Israel chiếm đóng, sẽ phải lựa chọn hoặc ở lại vùng đất Palestine, hoặc di chuyển đến quốc gia thứ 3 hay hội nhập vào quốc gia họ đang sinh sống. Jordan – đồng minh của Mỹ đã từ chối kế hoạch nói trên, đồng thời nói rằng, nhà nước Palestine phải được thành lập dựa trên đường biên giới năm 1967, trước cuộc chiến tranh 6 ngày.
Một số nhà quan sát cho biết, họ nhìn thấy một tương lai nhiều xung đột hơn tại Trung Đông phía sau viễn cảnh hòa bình mà Tổng thống Trump vẽ ra. “Kế hoạch này không phục vụ cho hòa bình mà thực chất là sự mở rộng hơn nữa sự thiên vị mà chính quyền Tổng thống Trump dành cho chính phủ của Thủ tướng Netanyahu. Nó không giúp gì trong việc giải quyết tranh chấp kéo dài giữa người Israel và Palestine”./.
Phản ứng của các nước khi Mỹ công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông
Mỹ công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông với giải pháp hai nhà nước
Mỹ chuẩn bị công bố phần còn lại của Kế hoạch hòa bình Trung Đông
Từ khóa: kế hoạch hòa bình Trung Đông, Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Netanyahu, đàm phán hòa bình, món quà chính trị
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN