Mọi quyết sách của Quốc hội đều vì mục tiêu kiến tạo phát triển nhanh và bền vững
Cập nhật: 14/02/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chiều tối 14/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN gồm đại diện gần 50 thành viên từ các công ty, tập đoàn EU trong khu vực đến thăm Việt Nam.
Việt Nam là điểm đến đầu tư, thương mại cho các quốc gia trên thế giới
Đại diện đoàn, ông Jens Ruebbert, Phó chủ tịch, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg; ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tới thị trường Việt Nam, coi Việt Nam là quốc gia hàng đầu và tiên phong trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có triển vọng phát triển rất lớn, là điểm đến đầu tư, thương mại cho các quốc gia trên thế giới. Với mục tiêu Việt Nam đưa ra phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN mong hỗ trợ Việt Nam có thể đạt mục tiêu này.
Tại cuộc tiếp, đại diện một số công ty trong Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN cho rằng, khu vực ASEAN đang đẩy mạnh phát triển công nghệ số hóa để có thể cung cấp các dịch vụ và tăng cường tính bền vững thông qua các hoạt động của Chính phủ.
Liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển dịch xanh và mục tiêu Việt Nam mong muốn đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đại diện doanh nghiệp EU mong muốn tìm hiểu chiến lược của Việt Nam để cùng thúc đẩy, cũng như tạo khung khổ pháp lý, về triển khai điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo…; chính sách hỗ trợ của Việt Nam tiếp cận thuốc mới, thuốc phát minh và các dịch vụ y tế tiên tiến để bệnh nhân có thể tiếp cận sớm hơn.
Đại diện các doanh nghiệp cũng đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó việc cho mô hình mượn máy, trang thiết bị y tế tại bệnh viện công, mong sớm ban hành hướng dẫn thực hiện; kế hoạch hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cũng như hoạt động đầu tư liên quan, mong muốn đầu tư nguồn vốn, con người trong các lĩnh vực này.
Quốc hội Việt Nam phấn đấu xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, có tính khả thi cao
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam rất coi trọng, đánh giá cao, đồng thời mong muốn thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) - đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, tạo dựng cầu nối tin cậy, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư EU vào ASEAN nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam, trong mọi quyết sách của mình, kể cả trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đều vì mục tiêu kiến tạo sự phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy sự hội nhập ngày càng tích cực chủ động, hiệu quả của Việt Nam vào khu vực và quốc tế. Đây là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong 76 năm Quốc hội cũng như Quốc hội khoá XV. Quốc hội lấy doanh nghiệp, người dân là vị trí trung tâm trong mọi quyết sách.
Nhấn mạnh “Sự thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, trong nghị quyết của Trung ương về đầu tư nước ngoài, Việt Nam chuyển trọng tâm về thu hút FDI sang chiến lược hợp tác, đối tác trong đầu tư nước ngoài, coi thu hút đầu tư nước ngoài không đơn thuần là thu hút đầu tư mà đặt trọng tâm chính sách sang hợp tác, thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực FDI với tất cả các nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
Đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU thời gian qua bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trong điều kiện diễn biến phức tạp, bất định của tình hình thế giới như hiện nay thì việc tiếp tục duy trì các chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác với các thị trường đã có và mở rộng các thị trường mới là lựa chọn đúng đắn của các quốc gia.
Trực tiếp trao đổi về những nội dung Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN và các doanh nghiệp quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Những mục tiêu mà Quốc hội Việt Nam phấn đấu là để có được một hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, có tính khả thi cao, đời sống pháp luật lâu dài, ổn định, kiến tạo đất nước phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế. Trong khóa 15 này, rất đặc biệt là chúng tôi đã ban hành Kế hoạch xây dựng pháp luật cho cả 5 năm, gồm 137 nhiệm vụ từ nay cho đến 2025-2026. Đấy là những nhiệm vụ căn bản. Ngoài ra, còn có thể bổ sung thêm các nhiệm vụ khác, đây là cách để khắc phục được tình trạng là “bắc nước sôi, để chờ gạo”, Việt Nam chúng tôi cách nói như vậy.
Việt Nam đề nghị EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU
Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao đổi với đại diện các doanh nghiệp về việc Quốc hội đang nghiên cứu xây dựng Luật về trang thiết bị y tế; có lộ trình rõ ràng về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Đấu thầu (trong đó có cơ chế đặc thù cho lĩnh vực y tế).
Về chuyển đổi số, kinh tế số, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đã và đang rà soát lại hệ thống pháp luật để tạo khung pháp lý. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu tích cực tham gia vào tiến trình này, góp phần xây dựng hệ sinh thái cho chuyển đổi số ở Việt Nam. Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Luật Đầu tư cũng cho phép Quốc hội và Chính phủ được ban hành các thể chế thực hiện các sandbox trong lĩnh vực này.
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay đặt ra những khó khăn, áp lực rất lớn đối với thế giới trong việc thực hiện các mục tiêu của COP26. Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp EU về hai vấn đề gồm: huy động tài chính xanh và cân đối giữa lợi ích - chi phí trong quá trình chuyển đổi.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN và EuroCham Việt Nam tích cực vận động để EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU, sớm gỡ thẻ vàng về thuỷ sản đối với Việt Nam. Những việc này càng sớm bao nhiêu càng đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng hai bên bấy nhiêu.
Chia sẻ nhận định này, đại diện Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN và EuroCham Việt Nam cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy các nước sớm phê chuẩn EVIPA và gỡ thẻ vàng về thuỷ sản đối với Việt Nam./.
Từ khóa: chủ tịch quốc hội, chủ tịch quốc hội vương đình huệ, vương đình huệ, eu, liên minh châu âu
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN