Mối quan hệ như vợ chồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư

Cập nhật: 24/02/2020

VOV.VN - Để loại hình này phát triển bền vững, cần có những quy định của pháp luật một cách rõ ràng và minh bạch chứ không thể cứ làm ăn theo kiểu “chộp giật”.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có khoảng 150 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh, thành phố ven biển, như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận. Để bán được hàng, nhiều chủ đầu tư cam kết lợi nhuận với khách hàng lên đến 10-12%. Thực tế cho thấy, cam kết này rất khó thực hiện. Khi đổ bể thì người mua vẫn là người phải gánh chịu rủi ro.

Hiện nay, loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, vướng mắc về thời hạn sở hữu, chế độ sử dụng đất khiến chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng, huy động vốn và khai thác, vận hành. Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các dự án trong cùng phân khúc. Để thu hút khách hàng, một số chủ đầu tư đưa ra cam kết lợi nhuận lên đến 10-12%/năm cho các nhà đầu tư.

moi quan he nhu vo chong giua chu dau tu va nha dau tu hinh 1
Loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Theo phân tích của các chuyên gia, mức cam kết lợi nhuận trong 5 -10 năm, như được quảng cáo là quá cao. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi “xuống tiền” đầu tư, không nên chỉ nghe theo lời hứa của người bán hàng. Ban đầu các chủ đầu tư cam kết lợi nhuận cao song khi dự án đi vào vận hành thì thông báo không đạt được mức cam kết, thậm chí lỗ. Khách hàng cũng không có cơ chế để nắm rõ thực chất chi phí vận hành, bảo dưỡng ra sao bởi không có bên thứ ba đánh giá độc lập.

Cũng không ngoại trừ việc chủ đầu tư báo lỗ để khách hàng chán nản mà bán lại căn hộ với giá rẻ. Thực tế đã có những chủ đầu tư không thể trả lãi như đã cam kết, khiến các nhà đầu tư “dở khóc, dở cười”.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Điều thứ nhất là giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu nên đàm phán, hạ mức lợi nhuận xuống. Bây giờ mà giao condotel đó cho chủ sở hữu thì không biết chủ sở hữu sẽ xử lý như thế nào. Còn nếu giao lại, bán lại cho chủ sở hữu thì giá cả sẽ định ra sao. Vì vậy, hai bên nên hợp tác với nhau, nhưng phải thực tế hơn.

Với hàng nghìn km bờ biển với nhiều cảnh quan đẹp, Việt Nam đang là điểm đến của khách du lịch quốc tế. Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển. Đầu tư bất động sản du lịch sẽ có lợi cho nền kinh tế và thị trường bất động sản vì tiết kiệm đất đai.

Bên cạnh đó, lĩnh vực này còn tạo động lực cho sự tăng trưởng của nhóm ngành liên quan như: Xây dựng, dịch vụ và đặc biệt là du lịch - lĩnh vực đang được định hướng phát triển thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Với doanh nghiệp, đây là một kênh huy động vốn minh bạch, hợp pháp và hiệu quả. Dòng tiền đầu tư vào Condotel đến từ nguồn vốn xã hội với những nhà đầu tư có nhu cầu thực tế sẽ giúp doanh nghiệp giảm rủi ro và bớt phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng đang ngày càng hạn chế.

Tuy nhiên, để loại hình này phát triển bền vững, cần có những quy định của pháp luật một cách rõ ràng để những người tham gia thị trường làm ăn một cách đàng hoàng, minh bạch và chuyên nghiệp, chứ không thể cứ làm ăn theo kiểu “chộp giật” như một số doanh nghiệp trong thời gian qua.

“Không thể gỡ bỏ được trách nhiệm của chủ đầu tư, khi tham gia vào thị trường phải đi tận cùng với khách hàng trên chặng đường dài. Bất động sản nghỉ dưỡng là mối quan hệ như vợ chồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư. Nếu thật sự không xác định mối quan hệ kiểu như vậy mà chỉ nghĩ rằng tôi không có khả năng cam kết, nhà đầu tư muốn vận hành kiểu gì thì vận hành thì đó không phải là bản chất của bất động sản nghỉ dưỡng nữa rồi” - bà Trần Thị Mỹ Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinhomes nói./.

Từ khóa: bất động sản, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, condotel, cam kết lợi nhuận

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập