Mỗi năm Ba Lan dành riêng 20 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam

Cập nhật: 10/10/2023

VOV.VN - Du học ở Ba Lan có thể là một lựa chọn tốt cho sinh viên Việt Nam, với các ngành: kỹ thuật, công nghệ, y học, kinh tế, nghệ thuật và nhân văn... Ba Lan có những trường đại học uy tín và mức chi phí du học không cao.

Bà Justyna Pabian, Đại biện lâm thời Ba Lan tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, cho biết: Ba Lan có nhiều trường đại học danh tiếng, chi phí học tập và sinh hoạt không quá tốn kém, và có nhiều loại học bổng dành cho sinh viên nước ngoài. Du học Ba Lan ngày càng được nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn. 

PV: Thưa bà, được biết, nền giáo dục của Ba Lan rất có truyền thống, khi Ba Lan có một trong những trường Đại học lâu đời nhất thế giới. Xin bà cho biết về những ngành mà hiện nay Ba Lan có thế mạnh đào tạo Đại học và sau Đại học?

Bà Justyna Pabian: Ba Lan có truyền thống giáo dục phong phú và là nơi có một số trường đại học lâu đời nhất ở châu Âu, chẳng hạn như Đại học Jagiellonian được thành lập vào năm 1364. Đất nước này cũng đã khẳng định mình là sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại. Trong những năm qua, Ba Lan đã phát triển thế mạnh của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua các trường đại học và sau đại học danh tiếng.

Các trường đại học của Ba Lan có thế mạnh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp truyền thống lịch sử phong phú với cam kết đổi mới và phương pháp giáo dục hiện đại. Một số thế mạnh của các trường đại học Ba Lan có thể kể đến là các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, y học và khoa học đời sống, kinh tế và quản lý kinh doanh, nghệ thuật và nhân văn.

Các thế mạnh đó có thể mang đến cho sinh viên một nền giáo dục vững chắc để chuẩn bị cho thành công trong tương lai. Vì vậy, các công ty ở cả Ba Lan và nước ngoài có nhu cầu cao trong việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại Ba Lan.

Trước đây, nhiều sinh viên Việt Nam được cử sang Ba Lan học tập. Sau khi tốt nghiệp họ trở về Việt Nam và đảm nhận những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, quản lý.v.v., đây là một minh chứng cho chất lượng giáo dục tại Ba Lan cũng như những kỹ năng và kiến thức mà sinh viên Việt Nam có thể có được khi học tập tại Ba Lan. Tôi tin rằng sinh viên Việt Nam học tập tại Ba Lan sẽ có được sự chuẩn bị tốt để thành công trong lĩnh vực đã chọn và đóng góp tích cực cho Việt Nam.

PV: Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng về rào cản ngôn ngữ, vậy xin bà cho biết ở Ba Lan, sinh viên nước ngoài có thể tiếp cận với các chương trình học bằng tiếng Anh không hay nhất thiết phải học tiếng Ba Lan?

Bà Justyna Pabian: Ba Lan ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế đang tìm kiếm những trải nghiệm giáo dục phong phú. Trên thực tế, hầu hết các trường đại học ở Ba Lan hiện đã có nhiều khóa học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này đã loại bỏ rào cản ngôn ngữ một cách hiệu quả và mở rộng khả năng tiếp cận nền giáo dục chất lượng cho sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Các chương trình dạy bằng tiếng Anh bao gồm nhiều chuyên ngành, như kỹ thuật, y học, khoa học máy tính, kinh tế, nhân văn, v.v.

Mặc dù việc học tiếng Ba Lan để giao tiếp hàng ngày vẫn là điều được khuyến khích, tuy nhiên, sinh viên nước ngoài có thể hoàn toàn tham gia vào hành trình học tập của mình mà không gặp rào cản ngôn ngữ. Bằng chứng là số lượng sinh viên quốc tế đến Ba Lan ngày càng tăng, trong đó có sinh viên đến từ Việt Nam.

Nhiều trường đại học cũng cung cấp các khóa học tiếng Ba Lan, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học ngôn ngữ này để chuẩn bị cho việc học ở Ba Lan. Giờ đây, sinh viên Việt Nam muốn du học Ba Lan đã dễ dàng hơn nhiều vì họ có thể dễ dàng tìm thấy khóa học tiếng Ba Lan tại Đại  học Hà Nội. Đây là nỗ lực chung giữa Cơ quan Trao đổi Học thuật Quốc gia Ba Lan (NAWA) và Đại học Hà Nội, tạo điều kiện để cử một giáo viên giàu kinh nghiệm từ Ba Lan sang Việt Nam giảng dạy.

PV: Trong trường hợp sinh viên học Đại học ở Ba Lan và có nhu cầu học tiếp lên Thạc sĩ, Tiến sĩ ở một nước châu Âu khác… thì bằng cấp của Ba Lan có được công nhận rộng rãi ở các nước khác hay không, thưa bà?

Bà Justyna Pabian: Bằng cấp của Ba Lan được công nhận rộng rãi ở các nước châu Âu khác. Ba Lan là thành viên của Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (EHEA) và Tiến trình Bologna, nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn giáo dục và sự công nhận lẫn nhau về trình độ ở các nước Châu Âu. Điều này có nghĩa là bằng cấp của Ba Lan cũng phải tuân theo cấu trúc và tiêu chuẩn chất lượng giống như bằng cấp ở các nước châu Âu khác. Do đó, những sinh viên đã lấy bằng tại Ba Lan sẽ không gặp vấn đề gì về mặt công nhận khi đăng ký học tiếp ở các nước Châu Âu.

Tuy nhiên, điều quan trọng là sinh viên phải nghiên cứu các yêu cầu cụ thể của quốc gia và trường mà họ muốn theo theo học Thạc sĩ và Tiến sĩ, vì có thể có những tiêu chí bổ sung mà họ cần phải đáp ứng. Nói chung, học tập tại Ba Lan – ngay trung tâm châu Âu – bạn sẽ có cơ hội đi du lịch và đa dạng hóa việc học tập tại nhiều quốc gia khác nhau.

PV: Một điều chắc chắn được quan tâm hàng đầu đó là chi phí học tập và sinh hoạt phí. So với các nước khác ở châu Âu thì du học ở Ba Lan có đắt không, thưa bà? Và hiện nay có cơ hội nào để sinh viên Việt Nam giành được học bổng sang học Đại học hoặc sau Đại học ở Ba Lan không?

Bà Justyna Pabian: Chi phí du học là mối quan tâm lớn đối với sinh viên và gia đình họ. Tuy nhiên, khi nói đến du học châu Âu, Ba Lan nổi lên như một điểm đến hấp dẫn và có chi phí phải chăng đối với sinh viên Việt Nam. So với các nước châu Âu khác, Ba Lan có mức học phí tương đối thấp và chi phí sinh hoạt thấp hơn, khiến nơi đây trở thành lựa chọn lý tưởng của nhiều sinh viên Việt Nam.

Ngoài ra, sinh viên Việt Nam còn có cơ hội nhận được nhiều chương trình học bổng đa dạng. Một trong những chương trình này là theo Hiệp định được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ba Lan, với 20 suất học bổng mỗi năm dành riêng cho sinh viên Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi cũng đang xem xét khả năng để tăng con số học bổng lên. Những học bổng này đóng vai trò hỗ trợ tài chính và giảm bớt gánh nặng chi phí cho sinh viên theo đuổi việc học ở Ba Lan.

Hơn nữa, Cơ quan Trao đổi Học thuật Quốc gia (NAWA) còn có nhiều chương trình học bổng khác mà sinh viên Việt Nam có thể tận dụng, ví dụ: Chương trình học bổng Banach. Các chương trình này sẽ hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế học tập tại Ba Lan.

Các sáng kiến của NAWA nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế và khuyến khích sinh viên chọn Ba Lan làm điểm đến học tập. Để biết thêm thông tin, bạn nên xem trên website nawa.gov.pl của NAWA.

PV: Sau khi du học sinh học xong, nếu họ muốn ở lại làm việc một thời gian ở Ba Lan trước khi về nước, thì có được không, thưa bà?

Bà Justyna Pabian: Ba Lan mang đến nhiều cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp vì đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở EU. Ba Lan, với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu, sinh viên nước ngoài sẽ dễ dàng ở lại và làm việc hơn. Ngoài ra, với kết nối toàn cầu, nhiều công ty chào đón mọi người từ khắp nơi trên thế giới tới làm việc. Luôn có cơ hội cho tất cả mọi người. Vì vậy, nếu bạn học ở Ba Lan, một đất nước thân thiện và nồng nhiệt, đồng thời nếu bạn là một sinh viên tài năng và năng động, bạn có thể tìm cách ở lại Ba Lan và xây dựng sự nghiệp thành công.

Nhiều người Việt Nam đã sang Ba Lan học tập và chọn ở lại sau khi tốt nghiệp. Cộng đồng người Việt Nam đã có ở đây từ lâu đời và họ có cả cơ sở kinh doanh, nhà hàng, trung tâm văn hóa riêng. Nếu bạn học ở Ba Lan, bạn có thể liên hệ với họ để được hỗ trợ và tư vấn thêm. Và hãy nhớ rằng bất cứ khi nào bạn cảm thấy nhớ nhà, bạn có thể dễ dàng vào một nhà hàng Việt Nam (có rất nhiều nhà hàng Việt Nam ở Ba Lan) và nói chuyện với người Việt Nam ở đó.

PV: Xin cảm ơn bà!

Từ khóa: du học Ba Lan, học bổng du học Ba Lan, trường Đại học lâu đời nhất châu Âu, mức sinh hoạt phí khi du học Ba Lan, học tiếng Ba Lan

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: thúy hoa/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập