Mọi lĩnh vực phải có người chịu trách nhiệm trong phòng chống Covid-19
Cập nhật: 20/04/2020
Hè phố, gầm cầu vượt ở Hà Nội thành nơi đổ phế thải xây dựng vào dịp cuối năm
Khu tái định cư bỏ hoang xuống cấp, “biến” thành bãi trông giữ ô tô
VOV.VN - Các địa phương tùy vào điều kiện cụ thể có thể có quy định bổ sung, thống nhất từ trên xuống, mọi lĩnh vực đều phải có người chịu trách nhiệm.
Tại cuộc họp trực tuyến sáng 20/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 tập trung thảo luận một số nội dung chính về Khám chữa bệnh an toàn; Đi học an toàn, đi lại an toàn; Sản xuất, kinh doanh an toàn; Văn hóa thể thao du lịch phải chuẩn bị; Siết chặt khu cách ly tại cơ sở lưu trú, khách sạn…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo đề nghị các Bộ sớm ban hành các hướng dẫn để địa phương căn cứ vào đó thực hiện theo từng lĩnh vực, tùy vào điều kiện cụ thể có thể có quy định bổ sung, thống nhất từ trên xuống, mọi lĩnh vực đều phải có người chịu trách nhiệm.
“Chúng ta phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Mục tiêu là phải chung sống tuyệt đối an toàn, nhất định không được chủ quan, nhưng cũng tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất kinh doanh”, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay các cơ sở y tế đã thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, chữa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm… tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt, cúm. Bộ Y tế đã lập 2 đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát tất cả bệnh viện thuộc Bộ, phối hợp với các sở y tế để giám sát các cơ sở y tế địa phương, chấn chỉnh ngay những trường hợp không tuân thủ đầy đủ.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát thật chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chính quyền địa phương căn cứ vào hướng dẫn của ngành y tế có quy định bổ sung và Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm nếu xảy ra lây nhiễm trong cơ sở y tế.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Công Thương rất lớn đối với việc xây dựng hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn đối với các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc duy trì hoạt động của các DN lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để các doanh nghiệp khác tham khảo để tổ chức sản xuất lại trong thời gian tới. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng lại quy trình sản xuất kinh doanh, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn… trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo nêu thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do, người bán rong… sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể bảo đảm hoạt động, làm việc trở lại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn dự phòng Covid-19 trong cơ sở sản xuất; xây dựng bảng điểm về phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp… Mặc dù vậy, để bảo đảm các DN thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bộ Công Thương phải tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, giám sát đơn vị sản xuất trên địa bàn.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ y tế đối với công nhân tại các khu nhà trọ; giám sát điểm trên các nhóm công nhân…
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn. Cụ thể đối với loại hình nhà máy, công xưởng hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón…. Địa phương chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm ra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng chống dịch đối với nhóm các cửa hàng, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (sửa xe máy, cắt tóc), lao động tự do, bán hàng rong… trên địa bàn.
Vì vậy, trách nhiệm của chính quyền các tỉnh, thành phố rất lớn, tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương để có các quy định, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, không được bỏ sót, bỏ lọt.
Thảo luận về nội dung đi lại an toàn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ sẽ rà lại các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi…, cập nhật thêm các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế, tùy theo các tỉnh sẽ có hướng dẫn trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng và một số thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng để kiểm soát, đảm bảo hoạt động đi lại an toàn ngoài những biện pháp thông thường như kiểm tra trực tiếp thì cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giám sát sự tuân thủ quy định phòng chống dịch trên các phương tiện giao thông như lái xe phải đeo khẩu trang, đúng số lượng hành khách, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe. Hành khách cũng có thể phản ánh việc tuân thủ quy định phòng dịch trên phương tiện giao thông thông qua phần mềm ứng dụng.
“Không chỉ đi lại an toàn mà đi học an toàn, làm việc an toàn, du lịch an toàn, khách sạn an toàn… đều có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy cho biết, các hướng dẫn về du lịch an toàn dành cho khách du lịch, hướng dẫn viên, công ty lữ hành, vận tải du lịch, khách sạn, điểm đến, cơ sở dịch vụ… do Bộ này ban hành trước đây sẽ được bổ sung thêm các biện pháp mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế./.
Từ khóa: doanh nghiệp chống covid, corona, nCoV, đi học mùa covid, du lịch giữa mùa dịch covid
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN