Mở rộng không gian Hồ Gươm: Phải hài hòa giữa phát triển và bảo tồn di sản

Cập nhật: 10/04/2025

VOV.VN - Chủ trương mở rộng, cải tạo không gian Hồ Gươm nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của nhiều người dân Thủ đô, đặc biệt là giới chuyên gia. Bởi nếu thực hiện thành công, giá trị của di sản văn hóa đặc biệt này sẽ được nâng lên và tạo động lực cho phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô.

Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch, cải tạo không gian khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm). Theo đó, khu vực phía Hồ Gươm được nghiên cứu theo hướng trở thành khu quảng trường - công viên cùng với phương án bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, các công trình biểu tượng, di tích bảo đảm chức năng sử dụng phù hợp, hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.

“Có thể để bảo tàng Hà Nội tọa lạc gần Hồ Gươm”

TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội tán thành và đánh giá cao chủ trương này của thành phố Hà Nội. Bởi theo ông, Hồ Gươm là một trong những linh huyệt, một trong những địa điểm không chỉ ăn sâu vào văn hóa của người Hà Nội mà còn ăn sâu vào trong tâm khảm của cộng đồng người Việt, vì đó là “lõi” của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo ông Phong, Hồ Gươm đang được bao bọc bởi rất nhiều khối kiến trúc đa dạng và không thực sự cộng hưởng với nhau, do đó có thể di chuyển những kiến trúc này đến nơi khác để tạo ra một cảnh quan thống nhất, đẹp và có thông điệp ý nghĩa hơn. Việc mở rộng không gian Hồ Gươm là quyết định đúng và nhận được sự ủng hộ của người dân Thủ đô, người dân cả nước cũng như các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Do đó, nên có sự công khai sớm quy hoạch chung tổng thể để người dân nhìn nhận, góp ý kiến và có thêm những ý kiến mới về việc giải tỏa thêm những khu vực khác xung quanh Hồ Gươm, từ đó khai thác tốt nhất di sản xung quanh địa điểm này.

TS. Nguyễn Minh Phong hiến kế: “Có thể “biến” Hồ Gươm như 1 bảo tàng tự nhiên của Hà Nội, hội tụ tại đây không chỉ có cảnh quan địa lý mà thậm chí có thể đưa cả bảo tàng Hà Nội về đó. Hiện nay, bảo tàng Hà Nội để ở Mỹ Đình không phù hợp. Nhân cơ hội này chúng ta nên xây dựng một bảo tàng Hà Nội mới với một địa điểm thật đẹp và một kiến trúc thật hợp, hãy để nó tọa lạc ngay trên bờ Hồ Gươm. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm không gian văn hóa, tham quan bảo tàng và tìm hiểu về Thủ đô nghìn năm văn hiến thì sẽ hay hơn rất nhiều”.

Ông Phong chia sẻ thêm, việc mở rộng không gian văn hóa Hồ Gươm cũng cần hài hòa giữa phát triển và bảo tồn di sản; Cần tạo ra một vạch giới rộng nhất có thể để từ đó kiểm định, thẩm định, đánh giá, xem xét mức độ có thể di dời với từng nhóm kiến trúc để đưa ra những phương án phù hợp, rồi lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan cũng như của dư luận và đi đến quyết định cuối cùng.

“Việc mở rộng không gian Hồ Gươm tạo ra một hệ thống cảnh quan phải đảm bảo 2 mục tiêu, một là cảnh quan thật đẹp, thật phù hợp với môi trường, thứ 2 là gửi những thông điệp có linh hồn về văn hóa, trở thành di sản mới của Hà Nội để nâng tầm Hồ Gươm cũ lên. Có thể hội tụ vào đó Bảo tàng Hà Nội, như vậy sẽ nhân bội giá trị của Hồ Gươm, nó không chỉ thuần túy là một địa điểm mà còn là nơi lưu giữ những di vật nghìn năm của Thủ đô cũng như của cả nước”, ông Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý, trong quá trình mở rộng phải giảm thiểu việc bãi bỏ các cây xanh quý, lâu năm, những cây xanh gắn liền với lịch sử. Tên những con phố, tên những địa điểm, tên những di tích lâu năm, hàng trăm năm trở lên phải được lưu trữ, bảo tồn; Phải tìm thêm, thổi hồn văn hóa cả những cái cũ chưa được khai thác cũng như mới vào kiến trúc của Hồ Gươm mới, từ đó tạo ra sự cộng hưởng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa văn hóa kinh tế - xã hội, kể cả chính trị để đưa ra mức độ cao nhất có thể cả về mặt văn hóa, kinh tế - xã hội, mặt tâm linh của người dân. Hy vọng sau khi cải tạo, hình ảnh của Hà Nội nói chung, Hồ Gươm nói riêng sẽ lung linh hơn, sẽ tâm linh hơn và sẽ trở thành một di sản quý báu hơn với nhân dân cả nước.

Cải tạo nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, hiện đại của Hồ Gươm

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam chia sẻ, Hồ Gươm có vị trí đặc biệt trong văn hóa và tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Đây là không gian di sản có sự tích tụ đậm đặc của các giá trị về lịch sử, văn hóa với nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng và kiến trúc đặc thù.

Ngoài vườn hoa Lý Thái Tổ, không gian quanh hồ đều được án ngữ bởi các công trình kiến trúc với mật độ xây dựng cao. Chính vì vậy, nếu có thêm không gian trống phục vụ cho mục đích công cộng xung quanh Hồ Gươm thì không chỉ tạo độ thông thoáng cho hồ mà còn cải thiện không gian kiến trúc cảnh quan theo hướng tự nhiên, tăng diện tích không gian cho các hoạt động văn hóa, cộng đồng xung quanh Hồ Gươm.

Mặc dù có vai trò và vị trí đặc biệt trung tâm của Hà Nội, nhưng quận Hoàn Kiếm không có công viên, thiếu các không gian xanh, không gian mở cho các hoạt động công cộng. Vì vậy, việc mở rộng không gian Hồ Gươm và tạo ra các mảng xanh mới từ các công trình trụ sở cơ quan nhà nước dọc đường Đinh Tiên Hoàng còn tạo cơ hội hình thành công viên cho quận Hoàn Kiếm, nếu có giải pháp gắn kết hiệu quả các không gian này với mặt nước và không gian cây xanh quanh Hồ Gươm thành một quần thể thống nhất.

Theo ông Tuấn, Quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục hiện nay quá nhỏ về diện tích, không đủ không gian cho các hoạt động có quy mô lớn và chưa xứng tầm cho các sự kiện lớn. Việc phá dỡ này sẽ không tác động nhiều tới nét cổ kính hay hiện đại của Hồ Gươm. Đồng thời, việc phá dỡ tòa nhà “hàm cá mập” không chỉ giúp quảng trường được mở rộng, mà còn tăng khả năng kết nối với tuyến phố Đinh Liệt, tạo không gian mở cho trục phố, tăng tính kết nối giữa Hồ Gươm với khu 36 phố phường.

Việc phá dỡ tòa nhà “hàm cá mập” cũng sẽ bổ sung sự hấp dẫn cho quảng trường và nâng cao chất lượng cảnh quan cho khu vực Hồ Gươm tại quảng trường. Tuy nhiên, khi phá dỡ, cần nghiên cứu cải tạo cảnh quan tổng thể của quảng trường nhằm cải thiện chất lượng cảnh quan chung, hạn chế sự pha tạp về ngôn ngữ, hình thái và màu sắc của các công trình riêng lẻ. Bên cạnh đó, sau khi phá dỡ, công trình tiếp giáp sẽ có hông nhà trở thành mặt tiền lớn hướng ra quảng trường, chính vì vậy, cần chú trọng giải pháp cải tạo “mặt tiền” này gắn với cảnh quan tổng thể. Tránh tình trạng cải tạo tự phát làm ảnh hưởng chất lượng cảnh quan chung.

“Phương án chỉnh trang Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cần nghiên cứu cải tạo cây xanh hiện trạng và bổ sung cây xanh bóng mát nhằm cải thiện vi khí hậu, nâng cao chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan, đưa yếu tố thiên nhiên lan sâu vào khu vực 36 phố phường; hình thành các mạng lưới hành lang cây xanh từ các trục phố gắn với mảng xanh lớn được hình thành quanh Hồ Gươm”, ông Phạm Anh Tuấn cho hay.

KTS. Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, với vị trí đặc biệt cùng việc tích tụ các giá trị văn hóa và lịch sử của khu vực, khi nghiên cứu cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan quanh Hồ Gươm, cần nghiên cứu ở cấp độ khu vực, không nên chỉ giới hạn trong phạm vi cải tạo. Các giải pháp cải tạo cảnh quan khu vực Hồ Gươm cần nghiên cứu mối quan hệ của Hồ Gươm, không gian xanh của khu vực này với các khu chức năng, không gian công cộng, công trình văn hóa, tôn giáo và các công trình kiến trúc đặc biệt khác trong khu vực để đảm bảo tính kết nối bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tổng thể của khu vực nội đô lịch sử, cũng như khả năng kết nối và hỗ trợ hoàn thiện hệ sinh thái của đô thị; Đồng thời, thể hiện tính tiếp nối của lịch sử và phù hợp với hơi thở, nhịp sống của thời đại.

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu và đề xuất giải pháp, cần có những điều tra khảo sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng các yếu tố hiện trạng và cấu thành cảnh quan của khu vực để đánh giá toàn diện các giá trị kiến trúc, cảnh quan cần bảo tồn, kể cả các yếu tố có khả năng phục dựng… tránh tình trạng đập đi để xây lại toàn bộ hay một phần các công trình có chức năng mới, thiếu căn cứ. Như vậy, giải pháp cải tạo sẽ góp phần gìn giữ giá trị lịch sử, nhất là các di sản vật thể kiến trúc có giá trị và tạo nên sự chuyển tiếp về lịch sử phát triển của không gian kiến trúc cảnh quan quanh khu vực Hồ Gươm.

TS.Phạm Anh Tuấn nhìn nhận, mặt nước Hồ Gươm và không gian ven hồ đã, đang và sẽ luôn là những ký ức đẹp, không chỉ của người Hà Nội mà còn của người dân trên đất nước Việt Nam. Việc cải tạo và mở rộng không gian Hồ Gươm hiện nay chỉ nên tập trung mở rộng không gian thoáng cho mặt hồ, tăng diện tích cho các không gian công cộng, diện tích cây xanh, hạn chế xây dựng các công trình dịch vụ sau khi phá dỡ các công trình trụ sở cơ quan (nhưng phải có nghiên cứu các giải pháp bảo tồn giá trị vật thể). Cùng với mặt hồ và các không gian ven hồ, các quỹ đất mở rộng trong thời gian tới cần được hợp nhất và biến thành một công viên không chỉ cho quận Hoàn Kiếm, mà còn phải đảm bảo hình thành chuỗi các không gian công cộng có quy mô lớn và đủ tầm cho các hoạt động văn hóa ở quy mô cấp thủ đô và quốc gia.

Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp bổ sung các tiện ích công cộng và ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan cho khu vực; Cần hướng đến các giải pháp sinh thái, hạn chế bê tông hoá để cải thiện môi trường vi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm.

Từ khóa: hồ gươm, mở rộng không gian hồ gươm, bảo tồn di sản, du lịch thủ đô, hà nội

Thể loại: Xã hội

Tác giả: chung thủy/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập