Mở rộng không gian Hồ Gươm: Cơ hội cho phát triển công nghiệp văn hóa
Cập nhật: 3 ngày trước
VOV.VN - Phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập", di dời một số trụ sở cơ quan và hộ dân để mở rộng không gian xung quanh Hồ Gươm... là quyết định đột phá mở ra cơ hội phát triển công nghiệp văn hóa cho thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
Hà Nội đang tiến hành dự án cải tạo mở rộng không gian xung quanh Hồ Gươm. Đây được đánh giá là một bước đi táo bạo khi tiến hành phá dỡ tòa nhà “Hàm cá mập” trước ngày 30/4. Đồng thời, hoàn thành phần nổi của quảng trường và công viên đặc biệt tại khu vực phía đông Hồ Gươm vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Cũng theo kế hoạch, 11 trụ sở cơ quan nhà nước và khoảng 40 hộ dân ở phía đông hồ Hoàn Kiếm sẽ phải di dời, nhường chỗ cho một không gian công cộng hơn 20.000 m². Dự án không chỉ dừng ở việc xây dựng quảng trường hay công viên mà còn tích hợp 3 tầng hầm phục vụ đỗ xe và dịch vụ, hướng tới một trung tâm thương mại - du lịch bền vững.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc mở rộng không gian Hồ Gươm sẽ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt tạo cho Hà Nội những cơ hội mới để phát triển công nghiệp văn hóa. Quan trọng là làm sao hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phù hợp với một đô thị hiện đại.
GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho rằng, đây là dự án cần thiết, là tất yếu khách quan để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, du lịch và những vấn đề văn hóa, xã hội của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Bởi lẽ, nếu xét riêng dưới góc nhìn văn hóa – du lịch, khi dân số Hà Nội đông hơn, lượng khách du lịch đến tham quan khu vực Hồ Gươm cũng tăng lên thì việc mở rộng không gian nơi này là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tất nhiên, thực hiện mở rộng không gian Hồ Gươm chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi trong đời sống của người dân thủ đô, đặc biệt là những hộ dân thuộc diện phải di dời, sẽ có những lo lắng, tiếc nuối. Do đó, thực hiện dự án này có nhiều cơ hội và cả thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là đòi hỏi phải có sự hy sinh, chịu thiệt thòi của một bộ phần người dân cho những mục tiêu lớn hơn. Nhưng theo GS Bùi Quang Thanh đây là một việc cần thiết phải thực hiện để tiến đến những mục tiêu phát triển bền vững. "Khi dự án được thực hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại không gian sáng tạo cho văn hóa thủ đô và cả nước. Đồng thời, tạo thời cơ hội nhập kinh tế, văn hóa, chính trị với thế giới qua con đường ngoại giao, mở ra điều kiện để tiếp nhận trí tuệ sáng tạo của những nền văn hóa tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào quảng bá Việt Nam ra thế giới".
Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển bền vững, vừa giữ được bản sắc văn hóa riêng có của không gian Hồ Gươm, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại là trăn trở của nhiều người tâm huyết với thủ đô ngàn năm văn hiến. KTS Trần Huy Ánh cho rằng, dự án thể hiện sự quyết tâm của thành phố Hà Nội và cũng thể hiện một tầm nhìn vượt qua những lợi ích vật chất ngắn hạn để hướng tới đổi mới sáng tạo, hướng tới những động lực phát triển mới. Tuy nhiên, theo KTS Trần Huy Ánh, “không cần chờ đến lúc triển khai dự án mà cần phải nhận diện và có những ý tưởng sáng tạo ngay từ những giá trị vật chất cũ, bởi Hồ Gươm có nhiều trữ lượng văn hóa lịch sử, đó là nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa”.
Nhận diện rõ thời cơ và thách thức, nhưng vấn đề mấu chốt là cách làm. GS.TS Bùi Quang Thanh nhấn mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa trong không gian Hồ Gươm cần đảm bảo tôn lên giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực này mà vẫn phù hợp để giữ gìn di sản và mở lối tương lai.
“Yếu tố quan trọng nhất để phát triển công nghiệp văn hóa là nhân lực và vật lực. Về nhân lực cần phải có đội ngũ quản trị có đủ kỹ năng, nhận thức, hiểu biết sâu sắc về di sản, biết lựa chọn từ những di sản ấy để chưng cất những giá trị cần thiết, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. Bên cạnh đó cần có sự hợp tác công - tư để phát triển công nghiệp văn hóa. Cốt lõi vẫn là thay đổi tư duy, nhận thức” – GS.TS Bùi Quang Thanh bày tỏ.
Theo kế hoạch được TP. Hà Nội đưa ra, để thực hiện dự án cải tạo mở rộng không gian Hồ Gươm sẽ có 11 cơ quan nhà nước thuộc diện phải di dời, phá bỏ. Một số chuyên gia cho rằng, trong số này có những công trình mang yếu tố lịch sử, nên có thể xem xét giữ lại và chuyển đổi công năng thành Bảo tàng Hồ Gươm, vừa tránh lãng phí vừa tạo thêm không gian để bảo tồn, truyền bá về di sản cũng như thêm không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
“Chúng ta phải có sự đầu tư nhất định, không chỉ là sự đầu tư của nhà nước mà cần mang tính xã hội hóa để có sự chung tay tạo ra không gian sáng tạo thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng và hình thành các dịch vụ trong không gian này mang lại hiệu quả tốt đẹp”. GS.TS Bùi Quang Thanh bày tỏ.
Không gian Hồ Gươm không lớn nhưng là di sản linh thiêng, độc nhất vô nhị, hội tụ nhiều yếu tố lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hóa... là chứng nhân bao đổi thay của dân tộc và tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt. Việc thực hiện dự án cải tạo, mở rộng không gian Hồ Gươm lần này nếu được thực hiện bài bản sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.
Hơn nữa, việc kiến tạo một không gian kết nối lịch sử, văn hóa và hiện đại với những tư duy minh triết, những quyết định dũng cảm, trách nhiệm sẽ thêm một lần nữa khẳng định vị thế, giá trị vô song của Hồ Gươm.
Từ khóa: hồ gươm, mở rộng,không gian hồ gươm,công nghiệp văn hóa, hồ gươm
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: thu hà/vov2
Nguồn tin: VOVVN