Mở rộng không gian du lịch miền núi Khánh Hòa
Cập nhật: 05/11/2024
VOV.VN - Tỉnh Khánh Hòa đang thu hút đầu tư các dự án du lịch kết hợp với nông nghiệp, khai mở tiềm năng khu vực miền núi như Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Phát triển du lịch sẽ mở rộng không gian, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tăng sức cạnh tranh điểm đến, tăng giá trị cho người dân.
Huyện miền núi Khánh Vĩnh trở thành điểm đến mới nổi trên bản đồ du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Cách trung tâm Nha Trang chừng 40 km, đường bộ thông suốt, tạo thuận tiện cho du khách di chuyển.
Không chỉ những sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi rừng mà còn có nhiều sản phẩm liên quan nông nghiệp. Đó là các sản phẩm tham quan, thưởng thức vườn cây ăn trái, kết hợp với vui chơi trên sông suối, trải nghiệm văn hóa dân tộc bản địa, thưởng thức đặc sản địa phương. Chủ vườn cây ăn quả bên cạnh nguồn thu chính từ trồng trọt, chăn nuôi nay lại có thêm nguồn thu từ du khách. Đặc biệt, là lượng khách tiêu thụ tại chỗ hay mua nông sản như bưởi da xanh, cam mật, mít nghệ…mang về, lan tỏa thương hiệu miền núi đi xa.
Bà Nguyễn Thị Lan, ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cảm nhận khi đến vườn cây ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh: “Mình rất yêu cây cối, thiên nhiên vì sinh ra ở miền quê, từ nhỏ đã tiếp xúc cỏ cây, hoa lá. Trái cây nào cũng sạch sẽ, ra vườn thích trái nào, hái trái đó, ăn luôn. Cảm giác được tự tay hái những quả này thích lắm. Được lên đây được biết những cây trái này sinh trưởng, phát triển như thế nào, cảm nhận được trái cây sạch khác hẳn trái cây ở chợ như thế nào”.
Những năm qua, các địa phương miền núi tỉnh Khánh Hòa được ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Tại huyện Khánh Vĩnh đến nay, hơn 90% đường giao thông đã được bê tông hóa, tạo điều kiện đi lại, giao thương thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tại xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh bên cạnh lợi thế sẵn có về cảnh quan thiên nhiên núi - rừng - sông - suối còn có bản sắc văn hóa đa dạng của 11 dân tộc anh em sinh sống.
Gần đây, các hộ dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhằm hình thành các mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Đó là những mô hình như nuôi gia cầm, nuôi dê, ao cá, lò rèn kết hợp du lịch.
Đầu nhiệm kỳ 2021-2025, Khánh Trung là một trong những xã số hộ nghèo, cận nghèo cao nhất của huyện Khánh Vĩnh với tỷ lệ khoảng 75% so với số hộ trong xã. Thế nhưng, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm xuống còn 36%, cận nghèo còn 13%.
Việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Phan Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cho biết, sắp đến xã sẽ xây dựng nhà dài truyền thống nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc Raglay, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.
“Để giúp cho bà con thoát nghèo vươn lên, ngoài việc làm nông nghiệp chúng tôi phải kết hợp làm du lịch nữa. Xã đã làm đội văn nghệ truyền thống, kêu gọi, tập hợp già làng, trưởng bản, những người có uy tín duy trì được những nét văn hóa truyền thống của người Raglay. Ngoài ra để phát triển du lịch, địa phương tăng cường quảng bá, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng để làm sao du khách nhiều nơi biết được địa phương chúng tôi”, ông Phan Đình Trọng chia sẻ.
Huyện miền núi Khánh Vĩnh nằm giữa hai trung tâm du lịch nổi tiếng là thành phố Nha Trang và thành phố Đà Lạt đã tạo ra lợi thế trong phát triển du lịch. Cùng với đó, huyện có hệ thống sông ngòi, rừng núi đa dạng, là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái.
Việc phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp, văn hóa dân tộc bản địa sẽ giúp địa phương hình thành các sản phẩm đặc trưng như: Du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có 3 khu du lịch cộng đồng theo mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp đã đi vào hoạt động, còn lại 11 điểm đang thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Huyện Khánh Vĩnh sẽ hình thành 3 làng du lịch cộng đồng ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương tăng cường quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến điểm đến; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục, quy định về hoạt động kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.
“Huyện Khánh Vĩnh có nhiều điều kiện sông, suối, rừng, núi sinh thái có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Hiện nay, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các xã đã có nhiều mô hình văn hóa dân tộc gắn tới du lịch. Hướng đến phát triển vùng miền núi, đã có chủ trương, kế hoạch, quan trọng nhất là chúng tôi phải thu hút được đầu tư cho những nơi có điều kiện phát triển du lịch. Bên cạnh nguồn vốn của xã hội cũng cần có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước”, ông Văn Ngọc Hường nói.
Từ khóa: Khánh Hòa, miền núi,du lịch,nông nghiệp,dân tộc thiểu số
Thể loại: Xã hội
Tác giả: thái bình/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN