Mở rộng “cửa” nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

Cập nhật: 25/09/2019

Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị Chính phủ đàm phán tăng số nông sản được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Sáng nay (28/3), tại TPHCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo về xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với sự thma dự của gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thủy sản.

Theo nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang có sản phẩm bán tại thị trường Trung Quốc, hiện nay đang có nhiều điều kiện để nông sản, thủy sản Việt Nam tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đó là, cả chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc đều mong muốn tăng xuất - nhập khẩu chính ngạch, giảm tiểu ngạch, để có thể kiểm soát, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người tiêu dùng Trung Quốc, chủ yếu là tầng lớp trung lưu, đang tăng nhu cầu về thủy sản nhập khẩu, ưa chuộng các sản phẩm thủy sản nước ngoài và sản phẩm đánh bắt tự nhiên.

mo rong "cua" nhap khau chinh ngach vao trung quoc hinh 1
Thủy sản Việt Nam giàu tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu thủy sản trị giá hơn 1,2 tỷ USD vào Trung Quốc và từ năm 2013 Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, đồng thời tăng trưởng hàng năm ổn định hơn các thị trường khác. Nông sản Việt cũng xuất khẩu ngày càng nhiều sang Trung Quốc, năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu là 8,3 tỷ USD, chủ yếu là gạo, rau quả, cà phê, trà..với nhiều sản phẩm có thương hiệu được phân phối trên hệ thống siêu thị…

Để có thể tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, doanh nghiệp Việt cần chú ý việc các cơ quan Trung Quốc ngày càng yêu cầu ngặt nghèo hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói theo các quy định, tiêu chuẩn. Các sản phẩm nông sản Việt phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có sản phẩm nông sản cùng loại tiêu thụ tại thị trường này. Doanh nghiệp Việt phải chú trong hơn đến xây dựng, đăng ký thương hiệu tai thị trường Trung Quốc, tham gia hệ thống phân phối siêu thị một cách bài bản, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đa dạng hình thức thương mại, phát triển thương mại điện tử.

Trước mắt, Việt Nam hiện có 8 loại trái cây được phép nhập chính ngạch sang Trung Quốc (xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long), cho nên doanh nghiệp cần tiếp tục kiến nghị để chính phủ và bộ ngành chức năng làm việc với phía Trung Quốc để tăng số mặt hàng được phép nhập khẩu chính ngạch, nhất là với các nông sản được tiêu thụ nhiều như khoai lang, dừa, bí ngô…

Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Tổng giám đốc Vinamit cho biết: "Trung Quốc chỉ cho Việt Nam nhập chính ngạch 8 loại nông sản, trong khi Thái Lan là 23 loại. Như vậy, mỗi doanh nghiệp phải lên tiếng, Bộ Nông nghiệp phải nói chuyện này với Chính phủ và Chính phủ cùng với Bộ, hiệp hội, doanh nghiệp sang ngồi đàm phán với cơ quan của Trung Quốc. Những gì liên quan tới trái cây, nông sản, chăn nuôi của chúng ta thì phải cố gắng làm"./.

Minh Hạnh/VOV-TPHCM

Từ khóa: Doanh nghiệp TPHCM, nông sản, nhập khẩu chính ngạch, thị trường Trung Quốc, xuất khẩu nông sản,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập